Nhiều trí thức trẻ chung tay đóng góp cho nền giáo dục

Hai vợ chồng hai vợ chồng thầy cô giáo Thái Ngọc Ánh và Nguyễn Xuân Hiền đang tham gia chương trình Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục. Nguồn: báo Tuổi Trẻ.
Hai vợ chồng hai vợ chồng thầy cô giáo Thái Ngọc Ánh và Nguyễn Xuân Hiền đang tham gia chương trình Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục. Nguồn: báo Tuổi Trẻ.
Xuất phát từ nhiều ngành nghề với những ý tưởng khác nhau nhưng điểm chung của hơn 40 trí thức trẻ Việt Nam đang tham gia cuộc thi Tri thức trẻ vì giáo dục là đều cùng chung tay vì sự phát triển của giáo dục. 

Chương trình do Trung ương Đoàn phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long và Báo Tuổi Trẻ tổ chức thực hiện.

“Gỡ” các bài toán khó của giáo dục

Theo thông tin từ Ban tổ chức, sau hơn ba tháng phát động, cuộc thi Tri thức trẻ vì giáo dục đến nay đã nhận được hơn 40 bài dự thi của từ khắp mọi các tỉnh/thành trong cả nước như Lào Cai, Yên Bái, Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, TP.HCM, Bến Tre, Cần Thơ… 

Ban tổ chức cuộc thi cho rằng nhiều bài dự thi đã góp phần “gỡ” các bài toán khó của giáo dục hiện nay như: thiếu dụng cụ thí nghiệm, thiếu phương pháp giảng dạy hiệu quả, bệnh thành tích trong giáo dục…

Xót cảnh các học trò phải học “chay”, hai vợ chồng thầy cô giáo Thái Ngọc Ánh và Nguyễn Xuân Hiền (ngụ tại Quảng Trị) đã tạo ra nhiều dụng cụ thí nghiệm vật lý hữu ích từ những vật dụng đơn giản và gửi đến Tri thức trẻ vì giáo dục công trình “Nghiên cứu sử dụng thí nghiệm tự tạo trong dạy học sóng ánh sáng”.

“Hai vợ chồng đều lớn lên trong nghèo khó nên hiểu được những thiệt thòi của học sinh vùng nông thôn. Có khi cả năm không được nhìn thấy bộ thí nghiệm vật lý, hóa học là gì. Chỉ lên lớp thầy cô đọc sao chép vậy” – hai vợ chồng thầy cô Thái Ngọc Ánh và Nguyễn Thị Xuân Hiền chia sẻ.

Cùng vì xuất phát từ thực trạng nhiều học sinh không thể tiếp thu bài giảng vì thiếu dụng cụ thực hành, thầy giáo Cao Khiêm (giáo viên trường THPT số 4 Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) cùng hai học trò của mình đã sáng tạo “Bộ dụng cụ thí nghiệm Vật lý đa năng”. Bộ thí nghiệm này có thể ứng dụng trong nhiều bài giảng vật lý cấp 3 với chi phí chế tạo chỉ khoảng 150.000 đồng.

Trăn trở về thực trạng đáng báo động khi nhiều học sinh “quay lưng” lại với môn Lịch sử, thầy Nguyễn Văn Cường (ngụ tại Yên Báo) đã tìm cách kể câu chuyện lịch sử thế giới một cách mới mẻ và thú vị hơn. Sau ba tháng miệt mài nghiên cứu, thầy Cường đã kể lại lịch sử thế giới trong 3.456 câu thơ lục bát.

Cũng với mong muốn nâng cao chất lượng dạy học bằng những phương pháp sáng tạo, thầy giáo Trịnh Văn Quỳnh (ngụ tại Nam Định) đã có nhiều năm nghiên cứu và xây dựng công trình “Vận dụng sơ đồ tư duy trong dạy và học ngữ văn”. Với những sơ đồ tư duy được trình bày bắt mắt, thầy Văn Quỳnh cho rằng các học sinh sẽ phát huy khả năng diễn đạt trong môn văn học. 

Nhiều trí thức trẻ chung tay đóng góp cho nền giáo dục ảnh 1

Tác phẩm Vận dụng sơ đồ tư duy trong dạy và học ngữ văn của thầy Trịnh Văn Quỳnh

Trong khi đó, khi chứng kiến nhiều học sinh của mình mang thai ở độ tuổi 15-16 tuổi vì thiếu kiến thức, cô giáo Lê Thị Bé Nhung (ngụ tại Bến Tre) đã dành 3 tháng hè để nghiên cứu và hoàn thành công trình “Đưa môn Giáo dục Giới tính vào trường học”

Đáng chú ý, Tri thức trẻ vì giáo dục còn nhận được nhiều bài dự thi của các em học sinh với cùng mong muốn đóng góp cho sự phát triển của giáo dục. “Em thật sự mong muốn góp một tiếng nói để chấm dứt tình trạng “học vì điểm số ” đang diễn ra hằng ngày, hàng giờ” – em Võ Thành Nguyên, học sinh lớp 10, tác giả của công trình “Bệnh thành tích trong giáo dục” cho biết.

Làm sao để những góp ý cho giáo dục không nằm trên giấy?

Mong muốn lớn nhất của nhiều tác giả khi tham gia chương trình Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục là đưa những ý tưởng của mình sớm được nhân rộng trong thực tế.

“Chúng tôi tham gia chương trình không phải vì muốn bản thân được nổi tiếng, mà chỉ đơn giản là muốn sáng kiến của mình được nhiều người biết. Càng nhiều người biết thì sẽ càng có nhiều người áp dụng. Khi đó người “được” chính là học sinh” – thầy Thái Ngọc Ánh, tác giả công trình “Nghiên cứu sử dụng thí nghiệm tự tạo trong dạy học sóng ánh sáng” cho biết.

Thầy giáo Lê Văn Cường (sinh năm 1984, ngụ tại Yên Bái) cũng hi vọng công trình dạy lịch sử thế giới bằng 3.456 câu thơ lục bát của mình sẽ được in rộng rãi như một tài liệu tham khảo và được sử dụng rộng rãi trong công tác giảng dạy môn Lịch sử. “Với cách truyền đạt bằng thơ lục bát, tôi mong rằng công trình của tôi sẽ đem lại cho các em học sinh cấp 3 niềm yêu thích với môn Lịch sử” – tác giả Lê Văn Cường chia sẻ.

Nhiều trí thức trẻ chung tay đóng góp cho nền giáo dục ảnh 2

Đa số các tác giả tham gia Tri thức trẻ vì giáo dục mong muốn đưa những công trình của mình ứng dụng vào thực tế

“Tôi mong rằng những sơ đồ tư duy cho giảng dạy văn học sẽ được xây dựng thành thành những video clip và app điện thoại để nhiều học sinh biết đến hơn nữa” – thầy Trịnh Văn Quỳnh cho biết.

Ban tổ chức cuộc thi Tri thức trẻ vì giáo dục cho biết ban giám khảo sẽ căn cứ vào tính khả thi để quyết định các công trình vào vòng chung kết. Khoảng 12 – 15 công trình lọt vào vòng chung kết sẽ có tối đa 5 công trình tiêu biểu được trao giải 100 triệu đồng/công trình. Các công trình còn lại sẽ được trao giải thưởng trị giá 10 triệu đồng/công trình. 

“Hằng năm, cấp trung ương hỗ trợ được ít nhất một công trình, sáng kiến, cấp tỉnh đoàn hỗ trợ ít nhất một công trình, sáng kiến để nhân rộng và ứng dụng vào thực tiễn” - anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh. 

Tri thức trẻ vì giáo dục là chương trình do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long và Báo Tuổi Trẻ tổ chức thực hiện. Chương trình khuyến khích mọi đối tượng thanh niên, trí thức trẻ là công dân VN dưới 35 tuổi tham gia đóng góp cho giáo dục ở ba nội dung: sáng kiến đổi mới phương pháp dạy học sáng tạo, hiệu quả; sáng chế các công cụ phục vụ giảng dạy và học tập và các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học - giáo dục.

Chương trình sẽ chọn 12-15 công trình, sáng kiến vào vòng chung kết toàn quốc kèm giải thưởng trị giá 10 triệu đồng/chương trình, sáng kiến. Trong vòng chung kết sẽ lựa chọn tối đa 5 công trình, sáng tạo tiêu biểu trao giải thưởng với trị giá 100 triệu đồng/công trình, sáng kiến.

Thời gian nộp hồ dự thi đến hết ngày 30/9/2016. Hồ sơ tham dự chương trình gửi về: Ban thanh niên trường học Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, 64 Bà Triệu, Q.Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Điện thoại: 0462631852; 

Email: trithuctrevigiaoduc@gmail.com 

Xem thêm thông tin tại: http://trithuctre.doanthanhnien.vn

MỚI - NÓNG