Nhiều trường có thể phải đóng cửa

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
TP - Đó là nhận xét của không ít nhà tuyển sinh sau 2 đợt tuyển sinh, khi mà có những trường, qua 2 đợt  tuyển sinh mới chỉ tuyển được 1/6 chỉ tiêu, thậm chí, có trường chưa tuyển được thí sinh.

Một trường ĐH công lập như ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội cũng phải chịu cảnh chật vật tuyển sinh. Sau đợt 1 tuyển sinh, trong khi còn thiếu khoảng 2.000 thí sinh để lấp đầy chỉ tiêu đào tạo thì trường này nhận được 2.100 hồ sơ đăng ký xét tuyển. Thoạt nhìn con số tưởng hoành tráng nhưng ông Bùi Trần Anh Đào trưởng ban quản lý đào tạo ĐH Nông nghiệp 1 chỉ dám dự báo, số thí sinh đến học lớn nhất cũng chỉ là 50% vì tỷ lệ ảo cao. Câu trả lời của trường này là: đang thiếu sinh viên, cần khoảng 1.000 người học  và đang gọi đợt  3. Tuy nhiên, đến giờ trường này cũng không biết sinh viên có tiếp tục đến không? 

Một nhà tuyển sinh của trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội cho hay: mấy ngày thu hồ sơ đợt 3 (từ 11/9/2015) trường này chỉ nhận được vài chục hồ sơ. Nhà tuyển sinh này nhận định: hình như hết thí sinh rồi, không hiểu các em đi  đâu. Đợt 2, trong số 2.085 hồ sơ đăng ký chỉ có  819 thí sinh đến thực học, còn lại là thí sinh ảo. Cả 2 đợt tuyển sinh, trường này mới có 1.755 thí sinh đến học và hiện còn thiếu 3.245 thí sinh. “Cứ đà này thì nhiều trường đóng cửa mất!”. Một nhà tuyển sinh trường này kêu lên đầy thất vọng. 

Trường ĐH Lâm nghiệp Xuân Mai cũng chỉ nhận được 800 hồ sơ ĐKXT sau đợt 2 và dự báo chỉ khoảng 1/3 số thí sinh đến học. Trường này cũng còn thiếu khoảng 1.000 người học và  đang gọi tiếp đợt 3.

ĐH Lương Thế Vinh, Nam Định, một trường được đánh giá có cơ sở vật chất tốt cũng mới được con số chục thí sinh và các nhà tuyển sinh ở trường này đang “trên từng cây số”  để tìm học sinh.

Trong số những trường khó tuyển cũng có  những trường tìm ra phương thức để sống sót. ĐH Đại Nam tuyển 1.300 chỉ tiêu và sau 2 đợt tuyển sinh trường này tuyển được 1.200 thí sinh. Lý giải điều này, ông Phan Trọng Phức, hiệu trưởng cho biết, ngoài  việc cố gắng cải thiện chất lượng sinh viên đang đào tạo, nhà trường đã tìm cách phối hợp với các doanh nghiệp để tìm việc làm cho sinh viên khi ra trường (đạt 80% sinh viên có việc làm khi tốt nghiệp).

Nếu chỉ dựa vào phương án tuyển sinh bằng kết quả của kỳ thi quốc gia thì các trường sẽ “chết”, không tuyển đủ người. Trong tình hình khó khăn như hiện nay, tự chủ trong tuyển sinh, cụ thể là đưa ra phương án tuyển sinh riêng bằng cách tuyển qua học bạ chính là “phao cứu sinh” cho các trường khó tuyển. Đó là ý kiến của ông Phan Trọng Phức khi trường ông đã may mắn “thoát hiểm” trong khi nhận xét chung của khá nhiều nhà tuyển sinh: Năm nay, nhiều trường có thể phải đóng cửa vì không tuyển đủ người học. 

ĐH Huế sẽ “cứu” 55 thí sinh đỗ thành trượt

Ông Lê Văn Anh, Phó Giám đốc Đại học Huế, cho biết: Kỳ tuyển sinh năm 2015, tại Đại học Huế có 55 thí sinh từ trúng tuyển thành rớt (cập nhật đến cuối chiều 15/9). Trong đó, số thí sinh sai đối tượng ưu tiên là 25, sai khu vực ưu tiên là 18, và 12 thí sinh bị hạnh kiểm không đạt tại trường Đại học Sư phạm Huế. Cuộc họp chiều 15/9 do Đại học Huế tổ chức đã tập trung thảo luận, xem xét trên cơ sở nhiều luồng ý kiến nhằm giải quyết những vướng mắc bằng tinh thần nhân văn, khuyến học, tránh thiệt thòi, bức xúc cho thí sinh sau khi đã nhận giấy báo trúng tuyển.

Được biết, đến ngày 15/9, Đại học Huế vẫn còn khoảng 200 chỉ tiêu tiếp tục được gọi bổ sung đợt 3 cho 7 ngành đào tạo đại học và 1 ngành bậc cao đẳng. Thời gian gọi bổ sung đợt 3 đến hết ngày 21/9. Như vậy, trong 55 thí sinh từ “đỗ thành trượt” kể trên, qua xem xét của Đại học Huế, cơ hội để các em trở thành tân sinh viên Đại học Huế ngay trong năm học mới này vẫn đang rộng mở trước mắt.     

Ng.Văn - Ng.Vương

MỚI - NÓNG