Nhiều trường THPT bỏ lửng các môn không thi

Nhiều trường THPT bỏ lửng các môn không thi
Báo Tiền Phong đã trao đổi cùng với Thứ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận, “người phát ngôn” của Bộ,  về những thách thức đang đặt ra cho năm học và đang làm dư luận xã hội băn khoăn.

Bộ GD-ĐT đã có văn bản tăng cường về quản lý GD trong toàn quốc và cũng đã có sự bàn bạc, thống nhất với PA25, CA địa phương. Những giải pháp cụ thể chưa công bố được vì lý do bảo mật. Việc kiểm tra các TT tổ chức hoạt động luyện thi, theo nghị định của Chính phủ, là nhiệm vụ của chính quyền địa phương .

Các Sở GD-ĐT tham mưu cho các UBND để giải quyết dứt điểm vấn đề. Với tinh thần yêu cầu các trung tâm (TT) thực hiện các điều kiện đã cam kết, nếu chấp hành không đúng thì phải xử lý theo quy định hiện hành.

Nghe nói sẽ đóng cửa các TT không có giấy phép, vậy các TT có giấy phép nhưng hoạt động không đúng, ví như số lượng thí sinh đông, chất lượng kém hoặc thương mại hoá giáo dục bằng các hình thức “đảm bảo”... có được xử lý không và sẽ được xử lý cụ thể như thế nào?

Quy chế xử phạt hành chính còn đang được nghiên cứu, triển khai. Tuy nhiên, có một thực tế là ngay cả khi có quy định cụ thể thì cũng không thể bao quát hết các vi phạm,  sai trái vốn thiên hình vạn trạng. Nhìn chung, phải tuỳ cụ thể để xử lý.

Xin ông nói rõ hơn về  kế hoạch chuyển đổi các trường bán công sang tư thục. Việc này đã được nói đến từ lâu nhưng vướng mắc ở khâu nào mà kéo dài mất khá nhiều thời gian nhưng vẫn chưa được dứt điểm ?

Chính phủ đã có nghị định về trường tư thục (TT), hướng dẫn thực hiện và các văn bản pháp lý còn đang ở giai đoạn soạn thảo. Trên cơ sở đó sẽ có 2 việc được tiến hành song song là thành lập mới các trường tư thục và chuyển đổi các trường bán công, trường ngoài công lập thành tư thục (hiện đang có rất nhiều hồ sơ đang thẩm định).

Tuy nhiên, khó khăn nhất là chưa có kinh nghiệm, ta mới chỉ  quen quản lý trường công lập, mà chưa quen với các hình thức ngoài công lập. Một lý do khác là GD-ĐT có liên quan đến nguồn nhân lực đến tuổi trẻ, những người chủ tương lai của đất nước nên không thể vội vã.

Nói đến dân lập tư thục là nói đến sở hữu, quyền tự chủ,  cơ chế kiểm soát, ta chưa có kinh nghiệm mà lại đang nhiều  nguồn ý kiến khác nhau nên còn phải cân nhắc nhưng phương hướng chung là sẽ phát triển. 

Được biết,  trong tương lai các trường ĐH dân lập cũng sẽ được chuyển đổi sang trường tư thục. Trường tư thục đồng nghĩa với học phí sẽ cao hơn trong khi chất lượng của các trường  dân lập hiện đang còn nhiều vấn đề như dư luận đã từng được biết đến.  Như thế chẳng hoá ra người học được trả tiền cao hơn để nhận một chất lượng ... như cũ sao, thưa ông?

Vấn đề chất lượng sẽ được quan tâm hàng đầu. Hiện Bộ đang chỉ đạo kiểm định chất lượng trường ĐH, ban hành tiêu chí kiểm định chất lượng, công bố công khai việc đánh giá và một số giải pháp khác để đánh giá chất lượng đồng thời với yêu cầu của nguồn nhân lực, cơ chế tuyển dụng...

Từ đó, xã hội sẽ có thể xem xét và thừa nhận các trường. Thứ bậc chất lượng sẽ được hình thành, người dân sẽ tự quyết định cho con em mình học trường nào với chất lượng và mức học phí nào. Khi có cơ chế đó chắc chắn giữa các trường sẽ có một sự cạnh tranh lành mạnh và tôi tin là chất lượng sẽ được cải thiện.

Về vấn đề biên chế năm học, dư luận cho biết nhiều trường THPT đã hoàn thành hoặc chuẩn bị hoàn thành chương trình lớp 12, thậm chí “bỏ lửng” những môn không thi và dồn sức vào ôn thi tốt nghiệp và ĐH cho học sinh, như vậy là phá vỡ quan điểm giáo dục toàn diện. Bao giờ thì vấn đề này được giải quyết dứt điểm và trách nhiệm của các nhà trường được xử lý như thế nào trong việc cắt xén chương trình?

Trách nhiệm hoàn toàn thuộc về các nhà trường, các hiệu trưởng. Về mặt nguyên tắc phải chấm dứt ngay hiện tượng trên. Bộ GD-ĐT đã phân cấp: THPT thuộc sở, THCS thuộc phòng GD-ĐT quản lý. Đã phân cấp thì xử lý tuỳ thuộc vào cơ quan cấp trên. Bộ và các cơ quan quản lý GD phải tích cực kiểm tra, đôn đốc.

Những tiêu cực trong tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 ở các thành phố lớn đang tồn tại gây nhiều bức xúc. Có cách nào giải quyết vấn đề không?

Biện pháp tốt nhất là phấn đấu cho các trường đạt chung một chuẩn. Việc này Bộ đang tiến hành ráo riết. Một việc nữa là giáo dục tính tự giác, tinh thần trách nhiệm cho cán bộ quản lý. Việc tiêu cực này giáo viên không làm được mà phải là hiệu trưởng, hiệu phó.

Cũng có thể có hiện tượng giáo viên được 1 suất (suất ưu tiên, suất đối ngoại - PV), và “bán” đi thì tôi xin không bình luận về việc này. Nếu hiệu trưởng ép “sổ vàng”, “quà tặng”... thì rõ là sai trái và không ổn.

Phân ban và dạy học theo chủ đề tự chọn đang làm dư luận băn khoăn nhiều. Xin ông cho biết hiện vấn đề này đang được xem xét như thế nào?

Tiếp nhận và hoan nghênh là tinh thần chung ngành nhận được ở các trường học đang theo chương trình  thí điểm mặc dù còn có nhiều ý kiến cho rằng chương trình và sách giáo khoa còn cần phải điều chỉnh.

Chúng tôi đánh giá chủ chương dạy học phân hoá là hoàn toàn đúng đắn và cần tiếp tục thực hiện bằng các giải pháp thích hợp, đảm bảo tiến độ triển khai đại trà chương trình và sách giáo khoa mới ở THPT từ năm 2006 -2007.

Xin cám ơn Thứ trưởng.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.