Bộ trưởng GD - ĐT Nguyễn Thiện Nhân:

Nhiều liên kết đào tạo chất lượng rất thấp

Nhiều liên kết đào tạo chất lượng rất thấp
TPO - Trong phiên họp chiều nay, Bộ trưởng Bộ GD – ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã trả lời chất vấn trực tiếp của các đại biểu Quốc hội, trong đó ông thừa nhận, có nhiều chương trình liên kết đào tạo chất lượng rất thấp.
Nhiều liên kết đào tạo chất lượng rất thấp ảnh 1
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân.

Những vấn đề được các đại biểu quan tâm chất vấn nhất là: Việc áp dụng thi trắc nghiệm; nâng cao chất lượng đào tạo; tình trạng lộn xộn trong liên kết đào tạo; kinh phí, chất lượng quản lý ĐH, CĐ; sự chậm trễ trong giải ngân vốn công trái giáo dục; chính sách đối với Giáo sư, cán bộ giáo dục lão thành…

Liên kết đào tạo: Chất lượng rất thấp

Về tình trạng lộn xộn trong liên kết đào tạo hiện nay, ông Nhân thừa nhận việc buông lỏng kiểm soát trong hình thức đào tạo kết hợp giữa một đơn vị không có chức năng đào tạo với một đơn vị có chức năng đào tạo như trong thời gian qua đã dẫn đến việc chất lượng đào tạo không tốt.

Ông Nhân cũng nêu một số ví dụ điển hình của một số trường ĐH, CĐ ký hợp đồng với các đơn vị không có chức năng đào tạo để cấp bằng đại học nhằm nâng doanh thu của trường.

Người đứng đầu ngành GD- ĐT thừa nhận Bộ có một số sai sót trong việc quản lý liên kết đào tạo hiện nay. Cụ thể là Bộ có phân cấp trong quản lý đào tạo nhưng chưa kiểm tra giám sát chặt chẽ, chưa xử lý nghiêm nên tình hình chưa được chấn chỉnh kịp thời. Bên cạnh đó, Bộ chưa ban hành các tiêu chuẩn, điều kiện chặt chẽ về đào tạo liên kết, về giảng viên, cơ sở vật chất...

“Trong thời gian tới, những trường hợp ký hợp đồng đào tạo với các cơ quan không có chức năng đào tạo thì phải báo cáo với Bộ và phải chịu trách nhiệm trước xã hội và người học”- ông Nhân nói.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng nêu ra một thực tế giật mình về việc liên kết đào tạo với nước ngoài: Trong số 200 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài có những chương trình đào tạo liên kết triển khai tại ĐH Quốc gia Hà Nội và TP.HCM chất lượng không tốt, không hiệu quả do không thẩm định hồ sơ chặt chẽ. Bên cạnh đó có tới 40 chương trình liên kết chui, đào tạo không cấp phép hoặc sai lệch với nội dung cấp phép chương trình.

Nguyên nhân của việc này là do Bộ GD - ĐT chậm ban hành những quy định về loại hình quản lý liên kết đào tạo này. Một nguyên nhân khác đến tình trạng liên kết đào kém chất lượng đó là ngành giáo dục chưa xây dựng được bộ máy kiểm định chất lượng loại hình đào tạo này mà nếu có thì cũng không có đủ người để thực hiện.

“Để khắc phục tình trạng này Bộ đang xây dựng Nghị định mới trình Chính phủ thay thế Nghị định cũ. Dự kiến tháng 4 này sẽ có tổng kết và tháng 10 sẽ có Hội nghị tổng kết đánh giá về chất lượng liên kết đào tạo trên toàn quốc”- Bộ trưởng GD – ĐT cho biết.

Thi trắc nghiệm giúp đánh giá đúng chất lượng của học sinh

Trả lời câu hỏi của của đại biểu Hoàng Vĩnh Phú (Thái Nguyên) xung quanh việc áp dụng hình thức thi trắc nghiệm trong năm 2007 trong khi chưa chuẩn bị tốt cho vấn đề này dẫn đến việc phát triển nóng các hình thức luyện thi, dạy thêm ở một số nơi, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng thi trắc nghiệm là hình thức các nước trên thế giới đã áp dụng từ hàng chục năm qua và đây là phương thức chống gian lận trong thi cử, giúp đánh giá tốt chất lượng của học sinh.

Theo ông Nhân, Bộ GD- ĐT cũng đã có lộ trình về việc áp dụng thi trắc nghiệm được công bố từ tháng 2/2005. Theo đó, từ tháng 12/2005 Bộ đã cho thi trắc nghiệm thử tại 15 tỉnh, thành phố. Tháng 1/2006, Bộ cũng đã cho thi trắc nghiệm ngoại ngữ với 850 nghìn thí sinh của 2.000 trường THPT ở 64 tỉnh, thành. Trong kỳ thi chính thức tốt nghiệp THPT 2005 – 2006, việc thi trắc nghiệm ngoại ngữ đã diễn ra an toàn, suôn sẻ.

Sau kết quả các cuộc tập huấn tại Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, TP.HCM, từ 10/2006, Bộ đã huy động 500 lượt giảng viên các trường tham gia 11 đợt tập huấn biên soạt câu hỏi thi trắc nghiệm để khi về địa phương có thể tự tham gia biên soạn tài liệu ... ngân hàng đề thi của Bộ đã đủ đề cho kỳ thi tiếp theo. Từ tháng 2/2007 Bộ đã đưa đề thi lên website của Bộ để giáo viên và học sinh thực tập…

Nói về tình trạng học sinh yếu kém tăng trong thời gian qua và những giải pháp đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông, ông Nhân cho biết sẽ phấn đấu trong 3 năm tới xóa được bệnh ngồi nhầm lớp. Trong đó, giải pháp trước mắt là trong mùa hè 2007, toàn ngành sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng cho học sinh yếu kém để bổ sung kiến thức.  

Bên cạnh đó, những tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp thấp, nếu được phép, sẽ phải lên kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp lần 2 vào dịp cuối hè. "Đây là giải pháp nêu ra 5 năm trước, có thể mệt mỏi cho địa phương nhưng cần làm vì trách nhiệm với học sinh. Đây là biện pháp đặc thù cho giai đoạn nhất định"- ông Nhân cho biết.

Sẽ cải thiện chế độ cho các GS đầu ngành

Trước thực trạng nhiều giáo sư đầu ngành chưa được đãi ngộ, chăm sóc xứng đáng (như trường hợp GS ngành Dược Vũ Văn Chuyên ở Hà Nội đã già yếu mà phải ở trong nhà quá nhỏ hẹp, trên gác cao, không có điều kiện vệ sinh...), Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Bộ đã tham mưu với Chính phủ và các bộ ngành, sau khi có xét duyệt chức danh GS, PGS thì nâng lương; đồng thời có nghị định cho phép GS, PGS kéo dài thời gian làm việc khi đến tuổi nghỉ hưu. Dự kiến Bộ sẽ trình chế độ lương mới cho giáo viên.

Ông Nhân cũng cho biết trong sáng nay đã đến thăm và chứng kiến gia cảnh khó khăn của giáo sư Vũ Văn Chuyên. Thời gian tới Bộ sẽ  đề xuất tiêu chuẩn nhà cho các giáo sư, quyết tâm đến 2010 mỗi giáo sư đều phải có phòng làm việc riêng, tạo điều kiện cho nghiên cứu.

Năm 2008, sẽ thay xong toàn bộ sách giáo khoa mới

Tại phiên chất vấn các Bộ trưởng tại kỳ họp cuối cùng Quốc hội khóa 11 ngày 30/3, Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết đến năm 2008, sẽ thay xong toàn bộ sách giáo khoa mới.

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, việc thay sách giáo khoa mới đã được tiến hành từ năm 2002 đến nay. Cụ thể năm học 2002-2003 Bộ đã cho tiến hành thay sách lớp 1 và 6. Năm 2003-2004, thay sách lớp 2 và 7. Năm học 2004-2005 thay sách lớp 3 và 8. Năm học 2005-2006 thay sách lớp 4 và 9.

Dự kiến năm học 2006-2007 sẽ thay sách lớp 5 và 10. Trong hai năm học tới Bộ GĐ-ĐT sẽ tiếp tục cho thay sách lớp 11 và 12. Như vậy đến hết năm 2008 sẽ thay xong toàn bộ sách giáo khoa mới.

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".