Nhiều thí sinh bỏ thi là chuyện không nghiêm trọng

Nhiều thí sinh bỏ thi là chuyện không nghiêm trọng
Đợt I kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ đã kết thúc và được đánh giá là diễn ra nghiêm túc. Tuy nhiên, do không làm được bài ở 2 môn trước, hàng ngàn TS đã tự ý bỏ thi môn thứ 3.

Trả lời phỏng vấn báo Tiền phong, bà Trần Thị Hà - Vụ trưởng ĐH và Sau ĐH,  Phó ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ (Bộ GD-ĐT) - cho biết: Đợt I của kỳ thi đã được các trường chuẩn bị và tập huấn cho giáo viên tốt;  đề thi đạt yêu cầu; Bộ GDĐT cũng đã chỉ đạo sát sao... Có thể nói kỳ thi đã diễn ra nghiêm túc.

Tình trạng thi hộ năm nay thì sao, thưa bà?

Nạn thi hộ ngày càng giảm. Năm 2003 có 33 ca; năm 2004 có 4 trường hợp và năm nay đến thời điểm này mới đang nghi vấn 1 trường hợp thi hộ ở Học viện Tài chính.

Những con số về tình trạng bỏ thi không khỏi làm dư luận lo ngại: ĐH Hàng Hải - hơn 600 TS; Đà Nẵng tới con số 1.000 TS... Vì sao vậy, thưa bà?

Hiện tượng này cũng bình thường như mọi năm, sau môn thi thứ nhất, TS không làm được bài nên bỏ thi môn thứ 2 nhiều, đến môn thứ 3 vắng rất nhiều.

Việc thí sinh bỏ thi nhiều có phải là do đề thi khó hay do trình độ học sinh kém, thưa bà?

Đề thi ĐH không phải dành cho tất cả các TS tốt nghiệp THPT đều làm được bài. Nhiều TS trong khi thi thấy khả năng mình không theo đuổi được nữa thì bỏ cuộc, xác định mình không đỗ ĐH thì cũng không cố nữa, nên bỏ thi cũng là chuyện bình thường. 

Đây cũng là một điều cảnh tỉnh không chỉ đối với TS mà còn đối với các bậc cha mẹ. Sức con em mình không phù hợp với con đường ĐH thì có thể định hướng để con em mình đi theo một luồng khác như CĐ, THCN chẳng hạn.

Dư luận cho rằng năm nay số TS đến trường thi giảm là vì một số tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp THPT thấp?

Hiện nay chưa có đánh giá mang tính khoa học nào về vấn đề này.

Trong quá trình tổ chức thi, không phải một lần các trường nhận “trát” lưu ý về danh sách những TS nhờ thi hộ từ những năm trước, vì sao như vậy? Liệu có thể lọt các TS này trong các trường thi hay không?

Đó là danh sách mà thanh tra và công an cung cấp. Điều đáng lưu ý là cũng phải sau khi thi các trường mới có thời gian rà soát lại chứ ngay tại thời điểm này, trong các danh sách đó không có đủ địa chỉ của TS nên hiện tại rất khó rà soát. Kể cả các TS này có gian lận vào thi và có thi thoát thì sau khi thi tuyển sinh các trường sẽ rà soát lại và “mời” ra khỏi trường (nếu đỗ) theo quy chế.

Dư luận phản ánh: trong các thầy giáo được mời làm đề thi môn Văn (đợt 2) của kỳ thi tuyển sinh có thầy vẫn luyện thi đại học. Thực hư của vấn đề này là như thế nào và điều này có ảnh hưởng gì đến sự an toàn của đề thi không, thưa bà?

Đối với việc chọn cán bộ ra đề thi, Bộ GD-ĐT đã đề ra nguyên tắc là phải có chuyên môn giỏi, phẩm chất đạo đức tốt và tất cả những điều đó phải do các Sở GD-ĐT, các trường giới thiệu lên. Có thể trong công tác chuyên môn, cá nhân các thầy cô có đi dạy, đi luyện thi.

Trên thực tế tìm người không đi giảng dạy mà giỏi chuyên môn để làm đề cũng hiếm, mà có giảng dạy mới hiểu chương trình, mới hiểu học sinh. Nhưng khi được Bộ trưởng gửi quyết định đi làm đề thì việc dạy học hay luyện thi là 2 việc tách bạch nhau.

Làm đề có những nguyên tắc riêng của nó: người tham gia làm đề phải giữ gìn phẩm chất; ban ra đề có cả một cơ chế kiểm soát ràng buộc, không phải cứ luyện cái gì là đưa vào đề được trong khi 1 môn như môn Văn có 7 thầy: mỗi người một phần việc như ra những đề khác nhau, phản biện khác nhau, giám sát khác nhau và có  trưởng ban giám sát theo một cơ chế mạch lạc.

Độ an toàn được đảm bảo bởi nhiều yếu tố: khi được giao nhiệm vụ không được mang yếu tố cá nhân đặt vào công việc tập thể, vì tập thể này đặt con người lên tất cả mọi việc. Mặt khác, còn uy tín của bản thân người thầy sức ép của toàn xã hội đặt niềm tin vào một người. Tôi tin người ta không dễ vứt bỏ những thứ này vì một quyền lợi cá nhân nhỏ nào đó.

Sau đợt thi này, thay mặt Ban Chỉ đạo Tuyển sinh bà có muốn lưu ý các trường thi và các TS điều gì cho đợt thi thứ hai không?

Tôi muốn lưu ý về kỷ luật phòng thi, đặc biệt với giám thị - phải  tăng cường hơn nữa trách nhiệm của mình. Đối với TS nên cố gắng làm, không nên mang phao vì như cách thức ra đề của mấy môn trước, có phao cũng không sử dụng được. Vả lại, kỷ luật phòng thi cũng càng ngày càng nghiêm túc hơn rất nhiều.

Hồ Thu  (thực hiện)

Hàng ngàn thí sinh đã bỏ thi môn Hoá

Ghi nhận của chúng tôi tại bến xe Đà Nẵng vào chiều qua, nhiều TS do không làm được bài ở 2 môn trước nên đã tự ý bỏ thi môn thứ 3. Theo báo cáo của ĐH Đà Nẵng, số TS dự thi ngày đầu tiên là 24.207 TS, nhưng đến buổi thi thứ 3 chỉ còn 23.378TS.

Cũng trong buổi thi cuối cùng, có nhiều TS ra sớm vì đã làm xong bài nhưng cũng không ít em “buồn thiu” vì không trúng tủ. Một TS ra sớm ở HĐT trường Trần Văn Ơn (đường Hoàng Diệu) cho rằng đề thi có trong chương trình PTTH, nhưng ai không học kỹ sẽ không làm được bài.

Trong buổi thi môn Hoá, có thêm 1 TS bị đình chỉ, như vậy sau 3 ngày thi, ĐH Đà Nẵng chỉ có 5 trường hợp bị đình chỉ thi. Tại Hải Phòng, riêng trường ĐH Hàng Hải đã có 600 TS bỏ thi.

Tại ĐH Tây Nguyên có thêm 161 TS bỏ thi môn Hoá. Còn tại Cần Thơ cũng có 279 TS bỏ thi môn Hoá. Tổng cộng cả đợt I, cụm thi Cần Thơ có 21 TS bị đình chỉ thi. 

MỚI - NÓNG