Những ca 'ngồi nhầm lớp' khó đỡ: Lộ căn bệnh thành tích?

Những vở học của những học sinh "ngồi nhầm lớp"
Những vở học của những học sinh "ngồi nhầm lớp"
TPO - Học sinh lớp 6 đọc chưa sõi vẫn được lên lớp hay “học sinh lớp 6 xuống lớp 1” là thực trạng ở nhiều địa phương. Đây là những câu chuyện muôn thuở của Giáo dục - “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” và chưa khắc phục được.

Học sinh lớp 6 đọc chưa sõi vẫn được lên lớp

Điều khó tin khi học sinh S đã lên lớp 6 (Trường THCS Lê Duẩn, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, Gia Lai) nhưng khả năng đọc viết còn rất chậm. Theo giáo viên giải thích vì tình thương, sợ em bỏ học nên “tạo điều kiện” để cho học sinh này lên lớp.

Theo thông tin phản ánh, em S đã lên lớp 6 nhưng đọc viết còn chưa sõi. Ngay sau điều kì lạ này, chúng tôi đã tìm về nhà em S để xác minh thông tin.

Khi quan sát vở em của S, hầu như không có bài nào được ghi trọn vẹn và chữ cũng không thể đọc ra. Các bài học em S chỉ ghi được tên bài sau đó gạch sang bài khác…Theo gia đình và nhà trường xác nhận, em S bị thiểu năng (chậm hiểu), nhưng đây mới chỉ là suy đoán chứ chưa có giấy tờ nào xác nhận về tình trạng bệnh của em.

Chị B.T.V (Mẹ S) cho biết: “Từ 5 tuổi S mới biết nói. Chắc vì vậy mà S hay lầm lỳ, nhút nhát và ngại giao tiếp hơn những bạn đồng trang lứa. Lúc S học lên học cấp 1, nhiều lần gia đình đưa em lên Gia Lai khám thì bác sĩ cho biết S bị chậm phát triển. S học trước quên sau, lúc viết thì tay em run run và  phải đánh vần em mới viết được. Tôi cũng thừa nhận, tuy lớp 6 nhưng khả năng đọc còn phải đánh vần. Lúc S viết thì phải dịch từng chữ thì S mới viết được. Giờ cháu học được ngày nào thì gia đình mừng ngày đó…

Kỷ luật giáo viên, xem xét hiệu trưởng để học sinh “ngồi nhầm lớp”

Đầu năm học 2017-2018, tại trường Tiểu học Thị trấn Lịch Hội Thượng A (Huyện Trần Đề, Sóc Trăng) xảy ra tình trạng nhiều học sinh lớp 1 lên lớp 2 chưa biết chữ, nhưng vẫn được nhà trường cho lên lớp.

Cụ thể, em H.K.L. dù đã được lên lớp 2 sau một năm học lớp 1, nhưng em cho biết “Con không đọc được chữ nào”. Hai anh em sinh đôi là N.N.Tr. và N.N.Kh. chỉ đánh vần đọc được vài chữ trong sách Tiếng Việt lớp 2, không thể làm được phép cộng đơn giản.

Trước đó, năm học 2016-2017, tại trường này cũng đã xảy ra trường hợp tương tự. Ở lớp 2H của trường này có 24 học sinh đều là người dân tộc Khmer. Trong số này chỉ có 4 học sinh đọc trôi chảy là em T.T.V., T.T.M.L., M.T.K. và em L.A.T; còn lại thì chỉ có một số em chỉ biết đánh vần một cách khó nhọc, một số em khác chỉ biết vần nhưng không ghép được, có em không biết đọc, không biết viết dù các em đã học hết lớp 1 và được nhà trường cho lên lớp 2.

Hiệu trưởng trường Tiểu học Lịch Hội Thượng “A” Huỳnh Hà Thắng thừa nhận, đúng là có trường hợp như phản ánh nói trên. Ông Thắng đã trực tiếp đến nhà kiểm tra khả năng đọc của các học sinh và quyết định cho các em xuống học lớp 1, được nhà trường hỗ trợ sách giáo khoa.

Sở GD-ĐT Sóc Trăng yêu cầu Trưởng phòng GD-ĐT H.Trần Đề tham mưu với UBND huyện trong việc xem xét trách nhiệm, xử lý công chức thuộc quyền; xem xét đến năng lực điều hành quản lý, sự tín nhiệm của tập thể đối với ông Thắng.

Học lớp 6 xuống lớp 1 và cuộc kiểm tra phát hiện thêm 70 học sinh “ngồi nhầm lớp”

Chuyện học sinh "ngồi nhầm lớp" gây xôn xao Sóc Trăng khi năm học 2016-2017, nam sinh tên Lâm ở phường 8 (TP Sóc Trăng) được xét tuyển vào trường THCS Lê Vĩnh Hòa. Sau khi kiểm tra chất lượng đầu năm, nhà trường giật mình khi em không làm được bài kiểm tra, tên họ mình viết cũng không rõ.

Sau hai tuần học lớp 6, giáo viên phát hiện học lực của Lâm rất kém, không đọc, viết và làm được bài tập. Trước tình hình này, trường THCS Lê Vĩnh Hòa buộc phải mời phụ huynh đến làm việc, quyết định chuyển nam sinh trở lại học lớp 1.

"Sau khi con tôi đến trường cũ, cô hiệu trưởng gọi lên và nói cháu không thể học lớp 5 mà phải học lại lớp 1. Nghe đến đây, mẹ con tôi chỉ biết ôm nhau khóc. Thấy vậy, trường cho học lớp 2 nhưng được vài ngày thì Lâm bỏ vì mặc cảm", chị Quỳnh Giao - mẹ Lâm - chia sẻ.

Sau khi chị Giao gửi đơn cầu cứu khắp nơi, ngày 3/10, Lâm được Trường tiểu học Lý Đạo Thành bố trí học lại ở lớp 5/2.

Sau vụ "học lớp 6 xuống lớp 1", ngành giáo dục TP Sóc Trăng đã kiểm tra và phát hiện thêm nhiều em không đủ khả năng lên lớp.

Bà Dương Thị Ngọc Diễm - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP Sóc Trăng - cho biết nam sinh lớp 6 bị trường THCS Lê Vĩnh Hòa trả về trường tiểu học Lý Đạo Thành đã ổn định tâm lý. Em được cho học lại chương trình lớp 5 và hàng ngày có giáo viên giỏi phổ cập lại kiến thức cơ bản của cấp tiểu học.

"Học sinh này mắc bệnh tự kỷ, lên lớp 6 chưa hòa đồng được với các bạn ở cấp 2, không phải không biết đọc, viết. Về cơ bản, em viết và đọc được nhưng chỉ chậm", người đứng đầu ngành giáo dục TP Sóc Trăng nói.

Theo bà Diễm, sau vụ "học lớp 6 xuống lớp 1", TP Sóc Trăng kiểm tra tất cả trường tiểu học và phát hiện trên 70 học sinh "ngồi nhầm lớp". Các em này đều ở cấp tiểu học, ở ngoại ô TP Sóc Trăng, đang được giáo viên phổ cập kiến thức để theo kịp bạn bè cùng lớp.

Học sinh ngồi nhầm lớp, do đâu?

Tại khoản 3 Điều 37 Điều lệ Trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học (Ban hành kèm theo Thông tư số: 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT), thì học sinh không được lưu ban quá 2 lần trong một cấp học. Quy định rõ ràng rồi thì các trường cứ thế mà thực hiện thôi.

Chẳng hạn tiêu chuẩn đánh giá trường trung học mức 3 quy định. Vùng khó khăn, không quá 3% học sinh bỏ học, không quá 5% học sinh lưu ban. Các vùng còn lại thì không quá 1% học sinh bỏ học, không quá 2% học sinh lưu ban. Chưa kể các trường còn quy định học sinh cuối cấp đều phải tốt nghiệp 100%. Và kết quả cuối cùng giống như bài báo đã phản ánh.

Như vậy, muốn thay đổi và không còn hiện tượng "học sinh ngồi nhầm lớp" thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần điều chỉnh lại những quy định sao cho thật phù hợp.

MỚI - NÓNG