Những cảnh báo 'giật mình' tại diễn đàn giáo dục 2017

TP - Tại diễn đàn giáo dục 2017 do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT và UNESCO tổ chức hôm qua 19/9, bức tranh toàn cảnh giáo dục phổ thông Việt Nam giai đoạn 2011-2015 lần đầu được công bố.

Quan ngại giáo dục vùng trũng

Trình bày báo cáo phân tích tại diễn đàn, PGS.TS Trần Thị Thái Hà, Giám đốc Trung tâm phân tích và dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết nhóm nghiên cứu sử dụng dữ liệu chung toàn quốc, sử dụng một số kết quả nghiên cứu của các dự án có liên quan và các thông tin, dữ liệu thu thập qua nghiên cứu thực tế tại 3 tỉnh/thành phố là Hà Nội, Gia Lai và Long An.

Báo cáo phân tích đã chỉ ra kết quả thực hiện một số mục tiêu về tiếp cận giáo dục của chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020.  Theo đó, giáo dục vùng Đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều vấn đề đáng lo ngại.

Tỷ lệ nhập học chung ở cấp THCS trên toàn quốc có xu hướng tăng. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng này với Đồng bằng sông Cửu Long đạt thấp nhất cả nước, thấp hơn Đồng bằng sông Hồng từ 12 – 13% mỗi năm học. “Tỷ lệ nhập học chung thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể do nhiều nguyên nhân như điều kiện đi lại khó khăn, kinh tế cũng khó khăn, phụ huynh phải đi làm xa nên việc quan tâm đến học hành của con còn hạn chế” – bà Hà cho hay.

Ở bậc THPT, tỷ lệ nhập học chung của Đồng bằng sông Cửu Long cũng thấp nhất cả nước, chỉ đạt từ 45,65% đến 50,39%. Tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi cấp THCS và THPT của Đồng bằng sông Cửu Long cũng đứng cuối bảng cả nước.

Cũng theo báo cáo phân tích, tỷ lệ bỏ học ở bậc phổ thông có xu hướng giảm. Tuy nhiên, nghiên cứu điển hình tại 3 tỉnh là Hà Nội, Long An và Gia Lai cho thấy số học sinh THPT bỏ học giảm dần với những tỷ lệ khác nhau. Trong đó, tỷ lệ bỏ học của học sinh nữ tại Long An, Gia Lai cao hơn so với cấp tiểu học và THCS. “Chẳng hạn, khảo sát tại Long An cho thấy tại 1 trường THPT, tỷ lệ bỏ học lên đến 9,81% trong năm học 2014-2015, tăng hơn 2% so với năm học trước” – bà Trần Thị Thái Hà nêu thực tế.

Không những thế, tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp Đồng bằng sông Cửu Long cũng đạt thấp nhất ở cả 3 cấp học.

Những cảnh báo 'giật mình' tại diễn đàn giáo dục 2017 ảnh 1 Chất lượng giáo viên là yếu tố quyết định tới sự thành công của cải cách giáo dục. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Khó đạt mục tiêu giáo viên THPT trên chuẩn

Bản báo cáo cũng cho thấy, thực trạng quy mô và chất lượng đội ngũ giáo viên: Tính đến năm học 2014-2015, cả nước có khoảng 900.000 giáo viên phổ thông; Trình độ của giáo viên có nhiều chuyển biến tích cực. Số giáo viên đạt trên chuẩn ngày càng tăng ở cả ba cấp học; Ở Tiểu học, năm học 2014-2015, tỷ lệ giáo viên trên chuẩn đạt gần 84%.

“Đối với tiểu học, quy định hiện tại trình độ tối thiểu là tốt nghiệp trung cấp sư phạm tiểu học hoặc chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên. Do vậy, có thể chúng ta cần nâng mức chuẩn trình độ đào tạo tối thiểu là Cao đẳng đối với giáo viên tiểu học” – nhóm nghiên cứu đề xuất.

Đối với giáo viên THCS, nhóm nghiên cứu nhận định có thể đạt được mục tiêu đến năm 2020 có 88% giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn. Nhưng với bậc THPT, trình độ giáo viên đạt trên chuẩn hiện nay mới chiếm tỷ lệ 12%. Như vậy, so với mục tiêu đặt ra của chiến lược là có 16,6% giáo viên THPT đạt trình độ đào tạo trên chuẩn là khó đạt được đối với nhiều tỉnh thành phố hiện nay. Hiện tại, quy định chuẩn đào tạo của giáo viên THPT là ĐH, vậy giáo viên có trình độ trên chuẩn là sau ĐH.

Đạo đức nghề nghiệp của giáo viên cũng được nhóm nghiên cứu nhắc tới. “Thực tế cho thấy một bộ phận sinh viên đăng ký học sư phạm là do không phải đóng học phí hoặc do ảnh hưởng từ cha mẹ, thầy cô. Có nơi còn thiếu quy hoạch đào tạo giáo viên dẫn tới tình trạng sinh viên tốt nghiệp sư phạm không có việc làm. Do đó, các trường sư phạm khó tuyển được học sinh giỏi” – nhóm nghiên cứu của PGS.TS Trần Thị Thái Hà nhận định.

Nhóm đã phỏng vấn giáo viên tại 3 tỉnh là Hà Nội, Long An, Gia Lai,  cũng cho thấy điều này. Yếu tố đầu vào sư phạm sẽ ảnh hưởng quan trọng đến tính trách nhiệm, sự nhiệt tình, tâm huyết, gắn bó với nghề giáo. Trong khi đó, sắp tới, để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, cần phải quan tâm đến việc nâng cao trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo. Muốn thế, phải tuyển chọn được những sinh viên có phẩm chất, năng lực phù hợp vào sư phạm.

Trước những tồn tại ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới giáo dục, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số khuyến nghị đối với Bộ GD&ĐT. Trong đó về đội ngũ nhà giáo, nhóm nghiên cứu cho rằng nếu không đảm bảo được yêu cầu, điều kiện chuẩn hóa, nên xem xét việc điều chỉnh mục tiêu về giáo viên trên chuẩn ở các cấp học.

Mặt khác, việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đòi hỏi có sự thay đổi tiêu chuẩn về năng lực đội ngũ giáo viên theo hướng dạy học tích hợp và phân hóa. Do đó, cần xem xét việc nâng cao chuẩn đào tạo thay vì tăng tỷ lệ trên chuẩn của giáo viên. Bên cạnh đó, cần chú trọng đặc biệt tới năng lực của giáo viên, yêu cầu giáo viên đạt trình độ nghiệp vụ đáp ứng với đổi mới chương trình giáo dục và sách giáo khoa mới.

Trong bản báo cáo, nhóm nghiên cứu cho biết  tỷ trọng chi cho giáo dục đào tạo trong tổng chi ngân sách nhà nước luôn duy trì ở mức 20%, vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong giai đoạn 2011 -2015 cho giáo dục và đào tạo là trên 930 triệu đô la, chiếm tỷ lệ 3,35%.

MỚI - NÓNG