Những câu hỏi xoáy với ngành giáo dục

TPO - Nhiều câu hỏi của lãnh đạo cao cấp, cán bộ quản lý về hệ thống giáo dục nước nhà thu hút sự chú ý của dư luận trong năm 2016.

“Dân muốn biết còn bao nhiêu lần thay đổi nữa?”

Báo cáo trước Quốc hội ngày 16/11, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Vì chúng ta có một dự án như việc sửa một ngôi nhà trong một số năm, nhân dân đều muốn biết rằng phương án sau cùng mà chúng ta đi đến ổn định là phương án thi như thế nào, từ lúc này đến khi đó qua bao nhiêu lần thay đổi nữa". 

Phó Thủ tướng cho biết thêm mặc dù tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là thẩm quyền của Bộ GD&ĐT nhưng Chính phủ cũng đã bàn vì đây là vấn đề liên quan đến toàn xã hội.

“Tôi đã yêu cầu Bộ trưởng GD&ĐT chỉ đạo công bố ngay đề mẫu sau khi có phương án thi trắc nghiệm năm 2017 và sẽ phải ra thêm 2 đề mẫu điều chỉnh căn cứ trên những phản hồi của dư luận”, Phó Thủ tướng nói.

"Chúng ta có quá nhiều kỳ thi. Thi tốt nghiệp THPT không trung thực và vì thế không cần thiết. Thi ĐH và CĐ thì quá căng thẳng và phức tạp, nguyên nhân dẫn tới bất cập học lệch, học tủ, thi xong thì buông lơi. Đó cũng là nguyên nhân giáo dục đại học không tốt.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để có một kỳ thi trung thực, khách quan, để học sinh học toàn diện, và tuyển sinh đại học không quá căng thẳng.

 “Giáo viên bị điều đi tiếp khách, Bộ trưởng có đau lòng?”

Trường hợp một số nữ giáo viên ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) "bị cưỡng ép đi tiếp khách", các đại biểu đặt câu hỏi với trưởng ngành giáo dục "Bộ trưởng có đau lòng không?".

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ sáng 16/11, đại biểu Nguyễn Văn Chiến phản ánh việc Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) huy động hàng chục giáo viên đi tiếp khách trong hoạt động không liên quan tới trách nhiệm của họ và bị dư luận lên án. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh lại cho rằng không có trách nhiệm xử lý.

"Ngành giáo dục địa phương đã làm hết trách nhiệm của mình hay chưa? Bộ Giáo dục có nên ban hành chỉ thị cấm hiện tượng giáo viên đi làm tiếp viên như thế này hay không?", đại biểu đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận chuyện một số cô giáo ở thị xã Hồng Lĩnh bị điều đi tiếp khách là có thật. Khi nhận được thông tin, ông đã trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh và Bộ đã có công văn gửi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, yêu cầu báo cáo.

"Cán bộ địa phương cũng vì vui vẻ thôi mà đã ảnh hưởng uy tín của nhà giáo. Đây là hoạt động đáng tiếc cần rút kinh nghiệm. Đồng ý linh hoạt nhưng phải trong chừng mực, chứ để xã hội nóng lên là không được", Bộ trưởng Nhạ nói.

Đề án ngoại ngữ 2020 có đạt mục tiêu không? 

Trong phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, đại biểu Dương Minh Ánh, Hà Nội hỏi về Đề án Ngoại ngữ 2020 trong giáo dục quốc dân với tổng kinh phí gần 9 nghìn tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 2008- 2015 đã tiêu hết 5 nghìn tỉ đồng nhưng sau gần 8 năm thực hiện, chưa đạt được mục tiêu như mong muốn. Với nhiều hạn chế và 4 nhóm giải pháp mà Bộ trưởng đã nêu trong báo cáo với Quốc hội, ông có khẳng định, đến năm 2020 dự án này có đạt được mục tiêu như mong muốn hay không?

Câu hỏi 2, mà đại biểu Ánh đặt câu hỏi trong thông tư 01 của Bộ GD&ĐT quy định về khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, ông đưa ra nghịch lý là chúng ta đòi hỏi trình độ ngoại ngữ của học sinh, SV cao hơn giảng viên, giáo viên. Theo Bộ trưởng, như vậy có đảm bảo tính logic?.

Những câu hỏi xoáy với ngành giáo dục ảnh 1 ĐBQH Dương Minh Ánh - TP. Hà Nội chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trả lời câu hỏi trên đề án có đạt mục tiêu hay không, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Không!

Bộ trưởng dẫn giải, trước hết dạy và học ngoại ngữ là vấn đề lớn cần phải có thời gian và chi phí rất lớn. Khi xây dựng đề án, Bộ rất cố gắng đưa ra một lộ trình với quyết tâm cao. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, có gặp nhiều vấn đề về thời gian, về kinh phí... Với trách nhiệm Bộ trưởng, chúng tôi nhận trách nhiệm bám sát để thực hiện mục tiêu này.

Đại biểu Huỳnh Sang đặt câu hỏi về vấn đề đào tạo sau đại học, với thực trạng và yêu cầu thực tiễn cũng đã cho thấy, việc đào tạo sau đại học ở nước ta trong nhiều năm gần đây còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với chất lượng đặt ra về đào tạo sau đại học cũng như yêu cầu cung cấp nhân lực chất lượng cao cho đất nước?

Đối với vấn đề đội ngũ trí thức dân tộc thiểu số trong giới trí thức, đại biểu Huỳnh Sang đặt câu hỏi, Bộ trưởng có giải pháp gì trong thời gian tới trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung và nguồn nhân lực chất lượng cao là người dân tộc thiểu số nói riêng?

Đại biểu Cao Thị Xuân, Thanh Hóa, đặt câu hỏi, tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm, tính đến nay có hơn 191.000 sinh viên không có việc làm gây lãng phí cho dân, cho nước? trách nhiệm của Bộ trưởng sảy ra tình trạng trên và giải pháp thời gian tới? Với tư cách là tân Bộ trưởng Bộ trưởng đưa ra giải pháp như thế nào để nâng cao chất lượng giải tỏa trong nhân dân để giải tỏa bức xúc trong xã hội như dạy thêm học thêm, bạo lực học đường, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao?

Nhiều đại biểu khác đã đề cập tới vấn đề đưa sách Công nghệ giáo dục, phân luồng, thi THPT quốc gia 2017?, đề án Ngoại ngữ 2020...

Ưu tiên, cử tuyển phải gắn với nhu cầu nhân lực

Những câu hỏi xoáy với ngành giáo dục ảnh 2 Đại biểu Huỳnh Sang

Trả lời câu hỏi của đại biểu Huỳnh Sang, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, nhìn chung chất lượng đào tạo của chúng ta đã được cải thiện. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ không đáp ứng được yêu cầu chất lượng.

Về bạo lực học đường, đây là vấn đề bức xúc và có xu hướng gia tăng. Trong số 22 triệu HSSV thì số có xu hướng bạo lực là số nhỏ. Nhưng số này cũng gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục nói chung.

Bộ sẽ dạy môn Giáo dục công dân từ cơ sở, xây dựng chương trình thực tế, thiết thực với cuộc sống, chú trọng việc bồi dưỡng đạo đức tốt đẹp cho học sinh.

Phân luồng đào tạo: Tránh cưỡi ngựa xem hoa

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Minh Chuẩn về phân luồng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, xét chất lượng về kiến thức thì chúng ta không phải quá tệ. Nhưng khi ra trường, chắc chắn những yếu tố trải nghiệm, trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin cũng đóng vai trò rất quan trọng. Do vậy, chúng tôi chỉ đạo điều chỉnh chương trình nội dung bám sát yêu cầu thị trường, có xin ý kiến của doanh nghiệp về yêu cầu chất lượng nhân lực. Tuy nhiên, Bộ cũng còn hạn chế ở chỗ chưa giám sát xem họ có ý kiến không. 

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đã đặt câu hỏi sách Công nghệ giáo dục được đưa vào giảng dạy trường tiểu học trước khi có Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình SGK phổ thông có được Hội đồng thẩm định của Bộ GD&ĐT cho sử dụng hay không? Hội đồng thẩm định khi nào và gồm những ai? Vì bộ sách đang nhiều tranh cãi mà vẫn ung dung đưa đưa vào giảng dạy từ 16 tỉnh hay lên đến 48 tỉnh.  

"Tôi xin hỏi Bộ trưởng trách nhiệm của Bộ trưởng trong vấn đề này thế nào thì Bộ trưởng cũng chưa đề cập. Nếu như Bộ trưởng thừa nhận với tôi là đúng mà vẫn cho tiếp tục dùng đến khi có chương trình SGK mới (năm 2018) thì tôi thiết nghĩ rằng vậy là đã biết sai mà không sửa, là không được", đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy tranh luận.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, Bộ trưởng cũng nhận thấy vấn đề dư thừa sinh viên sau khi tốt nghiệp nhưng giải pháp đưa ra, tôi nghĩ Bộ trưởng nói rằng “sẽ có cách” nhưng tôi không hiểu cách đó là cách gì? Tôi chỉ cần nói một ví dụ nữa là đào tạo giáo viên. Năm 2016, chỉ tiêu là 65.000 nhưng nhu cầu bổ sung cho ngành giáo dục chỉ là 55.000. Bộ trưởng nói nhận trách nhiệm nhưng giải pháp gì thì chưa rõ. 

Đào tạo cho con em người dân tộc, định hướng đúng nhưng việc thực hiện thế nào. Lúc đầu bảo là đào tạo nguồn nhưng đến khi đưa về thì đã là…. cuối nguồn mất rồi. Lần nào tiếp xúc cử tri tôi cũng thấy rất xót xa đau lòng khi bà con bảo, các cháu thuộc diện cử tuyển nhưng về thì không có công ăn việc làm, tôi không biết trả lời như thế nào và thấy bất lực vô cùng… Vậy theo Bộ trưởng, có nên tiếp tục thực hiện cử tuyển với con em người dân tộc nữa không?

Đối với vấn đề dạy thêm, học thêm, không đồng tình với trả lời của Bộ trưởng Nhạ, đại biểu Cương nhấn mạnh, Bộ trưởng có trả lời là chống chuyện biến tấu nhưng tôi nghĩ đó không phải là giải pháp căn cơ. Bởi có địa phương cấm dạy thêm, học thêm, nhưng phụ huynh ai cũng phải “tự nguyện” – kí đề nghị ở trung tâm ma để con em nhập học ở chính trường đó. Nhiều người nói rằng “trẻ em Việt Nam không có tuổi thơ”, vậy trong nhiệm kỳ của mình Bộ trưởng sẽ có những giải pháp căn cơ gì?

Đại biểu Phạm Quang Dũng nêu, xã hội chúng ta đã nói về chất lượng giáo dục nhiều năm nay và tôi phải nó rằng, nó tồi tệ hơn chất lượng hồi những năm 60-70. Chúng ta qua cải cách rất nhiều năm, nhiều lần, nhiều chương trình cải cách… nhưng chất lượng giáo dục của chúng ta vẫn yếu kém như thế. Vậy nguyên nhân ở đây là gì?

Chúng ta chỉ xử lý hiện tượng, sự vụ thì tôi cho rằng, không giải quyết được căn nguyên của “bệnh” này? Chúng tôi là người sử dụng sản phẩm của các trường, xin thưa với Bộ trưởng rằng, cử nhân ra trường đến một cái công văn, giấy mời hội nghị không viết nổi. Chúng tôi đào tạo 3-5 năm sau mới gọi là tạm được. Tôi cho rằng hiện nay học không gắn với hành.

"Tôi chưa thấy đề án nào mà nhà trường gắn với cơ sở sản xuất. Lỗi ở đây phải chăng là lỗi quy trình, lỗi hệ thống? Và tôi chắc rằng, chúng ta cứ đổ cho mình ngành giáo dục cũng chưa đúng. Tôi nghĩ nguyên nhân này có thể Bộ trưởng giải quyết được trong hôm nay và cả kỳ sau. Và cả đất nước, ngành giáo dục phải tìm ra căn nguyên gốc mới giải quyết được vấn đề" - đại biểu Dũng nói.

MỚI - NÓNG