Chấm thi tốt nghiệp THPT:

Những câu văn kinh dị

Những câu văn kinh dị
TP - Trong quá trình chấm thi môn văn, cũng như mọi năm, các giám khảo được thưởng thức những câu văn không giống ai, thậm chí kinh dị trong bài làm của không ít thí sinh. Tiền Phong đăng bài của một giám khảo.
Những câu văn kinh dị ảnh 1
Chấm thi tốt nghiệp THPT  Ảnh: Thu Hương

Công việc chấm thi đã hoàn tất, giám khảo chúng tôi nhận thấy, chất lượng làm bài môn văn của học sinh phân ban năm nay không có gì khá hơn so với các thế hệ học sinh hệ cải cách trước đây.

Rất nhiều bài viết bộc lộ rõ lỗ hổng lớn về kiến thức và kĩ năng. Để sáng tỏ thêm vấn đề, chúng tôi đi vào đánh giá lần lượt, khái quát các câu trong đề thi tốt nghiệp và giới thiệu các câu văn cười ra nước mắt của thí sinh.

Lỗ Tấn quê ở Thanh Hóa

Câu 1: Trong truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn, khách ở quán trà nhà lão Hoa đã bàn về những chuyện gì? Hãy cho biết điều nhà văn muốn nói qua những chuyện ấy.

Câu hỏi 1, chủ yếu yêu cầu  thí sinh tái hiện kiến thức đã học, nhìn chung là đơn giản, dễ ăn điểm. Vậy mà vẫn có không ít câu trả lời kinh dị kiểu dưới đây (xin trích từ một số bài làm của thí sinh):

- Lỗ Tấn, quê quán ở Thanh Hóa, mất năm 1963, sinh năm 1822, là bạn chí cốt của bác Phạm Bội Châu, từng tham gia phong trào Xô- Viết Nghệ Tĩnh, năm 1941.

-  Trong Truyện ngắn Thuốc của lỗ tấn, khách ở quán trà nhà lão Hoa đã bàn về những tác hại của thuốc, khói thuốc và sự phổ biến của thuốc trong xã hội ngày nay. Điều mà ông Lỗ muốn nói là muốn khuyên những người hút thuốc lá phải giảm bớt và bỏ hút thuốc, nhà văn đã phát biểu rõ tác hại của người hút thuốc và những người xung quanh, khuyên bảo quí vị, đại biểu khi hút thuốc đừng làm ảnh hưởng đến những người xung quanh, không được hút ở nơi công cộng và nơi đông người.

- Cả nhà Hạ Du đều bị mắc bệnh điên. Nay phải cần bánh bao trộn máu và thịt người sắp chết để trị bệnh điên đó. Nhưng không ngờ thằng Thuyên lại bị chết oan uổng.

- Bọn người ở quán trà thật tham lam, xấu xa, bỉ ổi như tụi… bấy giờ.

Câu 2: Viết một bài văn ngắn (không quá 400 từ) phát biểu ý kiến về tác dụng của việc đọc sách.

Câu này thuộc dạng bài nghị luận xã hội, vấn đề đặt ra khá là gần gũi, quen thuộc, phong phú, tự do trong cách thể hiện. Cho nên, có  nhiều câu, đoạn văn diễn đạt không giống ai, đến ngay cả những người chấm bài lâu năm như chúng tôi cũng phải ngỡ ngàng.

- Để đọc sách có hiệu quả ta có thể chia việc đọc sách thành 3 cách đó là nếm, nhai, nuốt. Đọc “nếm” là đọc thử, đọc cho biết như đọc báo. Đọc “nhai” là đọc một cách kĩ lưỡng nghiên cứu sâu sắc, nghiền ngẫm, còn đọc”nuốt” là đọc ngấu nghiến như đọc truyện.

- Cho nên chúng ta hay đọc xách (sách) trong những giờ rãnh rỗi, chúng ta đọc không phải mằm (nằm) chổ (chỗ) này đọc, hay ngồi chổ (chỗ) kia, ngồi chổ (chỗ) nào có đủ lượng ánh xáng (sáng) chiếu vào để k (không)  thể  tăng cho mắt chúng ta bị cận được.

- Cần phải quí trọng và giữ gìn một cách cẩn thận. tuy nhiên không phải giữ gìn cẩn thận quá mà quên lãng chúng vào một góc nào đó, vì chúng là 1 thứ mồi ngoan của loài mối đáng ghét chúng đã hủy hoại không biết bao nhiêu những cuốn sách quí báu, cụ thể như ở các nước lớn trên thế giới các bảo tàn (tàng) thư viện lớn cất giữ nhiều cuốn sách quý có 1 không 2 trên thế giới cũng đã bị loài mối xơi hết, không thể khác (khắc) phục được. vậy là những cuốn sách quý của thế giới đã làm những bữa nhậu nhẹt hả hê cho loài mối.

- “Trong tập sáng tác ca dao tục ngữ Việt Nam có câu:

Giang hồ hiểm ác anh không sợ

Chỉ sợ đường về vắng bóng em

Anh tôi đã “ lấy 2 câu thơ làm của riêng”. Chỉ câu nói ấy thôi mà anh đã tán được nhiều người, người ấy bây giờ mà tôi gọi là “ chị hai”. Đủ thấy được sức hút của việc đọc sách làm cho con người ta sống vui tươi và hạnh phúc hơn.”

- Trong đời sống có muôn ngàn cách đọc sách, nhưng đối với một số người điều đó thật là khó khăn, họ đọc mà không hiểu dù họ đọc một bài văn đó mấy chục lần đi chăn (chăng) nữa, các bạn có biết vì sao không, dù đọc nhưng hồn thì thả đi lông ngông ngoài mấy quán internet ngoài kia thì sao mà hiểu được, đúng không các bạn!

A Phủ đánh con trai ông Bá Kiến

Câu 3a theo chương trình chuẩn: Phân tích giá trị nhân đạo của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài.

Và đây là câu trả lời của một số thí sinh:

- Ông A Phủ cũng giống như hình ảnh của  bà Mỵ .cả ổng ( ông), bả (bà) đều đi vào ngục tù giả (dã) man, tàn ác. Ở đây ta thấy ở trong tù còn có cái ăn, nước uống còn có những giờ giải lao, giải trí, chứ ở trong ngục tù của nhà thống lí Pá tra kể cả một nắm cỏ ăn cho đỡ đói, một giọt nước cho đỡ khác (khát) cũng không có. Nhưng dù sao Mị vẫn sướng hơn A Phủ dù sao Mị cũng là vợ của con thống lí Pá tra vẫn có cái ăn mặt (mặc) chỗ ở, chỉ có cái buồn và bất hạnh, gường không, gối chiếc, không có ai ái ân mà thôi.

-  Còn Mị là một người con gái yếu ớt, lại đi làm một vị anh hùng cứu người. Tác giả đặt hai nhân vật vào 2 vị trí hết sức đặc biệt trái ngược hoàn toàn ta nghỉ (nghĩ). Từ xưa cho tới nay ta chỉ thấy cảnh anh hùng cứu Mĩ nhân chứ ta chưa từng thấy mĩ nhân cứu anh hùng.

- Tô Hoài sinh năm 1920, quê Nghệ An, năm 1960 ông có 200 bài thơ và đạt kỹ luật (kỉ lục) nhà thơ Việt Nam.

- Không biết ông trời đã xắp (sắp) sếp (xếp) từ trước hay chính Tô Hoài đã buông xuôi cho công lí bị vùi dập dưới chân của bọn gian ác.

- Khi Mị bị giam trong căn buồng tối ấy thì  bỗng dưng A Phủ nhảy vào phá cửa, bế bồng Mị chạy thoát ra ngoài. Qua chi tiết đó, nó cũng làm nổi bật thêm tình yêu đôi lứa đang chảy (cháy) bỏng, đắm đuối trong khắp cơ thể của hai chúng nó.

- Mị đã vượt qua mọi nỗi đau, dày vò tơi bời và sống gan góc như 1 con chó cụt đuôi.

- Tại sao sau khi cởi trói cho A Phủ Mị và A Phủ cùng chạy, mà tại sao ai mạnh ai chạy mà lại cùng chạy.

- Qua câu chuyện ta thấy nhà thống lí thật là hống hách không coi ai ra gì, dù chỉ có chuyện nhỏ  như cái móng tay nhưng thằng thống lí lại làm cho lớn lên.

- Cha Mị mắc nợ ông Bá Kiến. A Phủ đánh con trai ông Bá Kiến.

Đề bài yêu cầu làm về Vợ chồng A Phủ, một thí sinh lại say sưa phân tích về các nhân vật trong Vợ nhặt của Kim Lân, dài đến ba trang. Xin dẫn hai đoạn:

- Nạn đói trong năm 1975 thât khủng kiếp. Nạn đói tràn đến xóm ngụ cư, mọi người lâm vào tình trạng khốn khổ vô cùng. Tô Hoài đã miêu tả không gian trên đường Tràng về nhà thật bi thảm....”

- Anh Tràng nhận về nhà để xửa (sửa) xang (sang) cho tràng không có bước chân ra người gì cả cái khuôn mặt thì buồn rời rụi (rười rượi) như cái mâm bánh đúc không tươi tắn gì cả.

Câu 3b theo chương trình nâng cao: Phân tích vẻ đẹp của hình tượng sông Hương trong tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông? của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường?

Xin được kết bài này bằng câu trả lời kinh dị của một thí sinh:

- Sông Hương to như một con thuồng luồng đực cụp đuôi, to lớn, lượn quanh những khúc cua của đường đua công thức một...Sông Huơng với ba màu khác nhau có lúc là màu tím của gương mặt người thấm đẫm rượu say.      

Chấm văn nén tiếng thở dài

Tôi là giám khảo chấm thi tốt nghiệp môn văn ở Sóc Trăng không nén được tiếng thở dài, về kiến thức văn học của học sinh.

Về bài làm văn, với câu 3a, yêu cầu phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” (của Tô Hoài). Có học sinh viết: “Mị về làm dâu nhà Pá Kiến, bị cha con Pá Kiến hành hạ rất dã man, họ coi Mị như một con súc nô trong nhà. Mị bị A Sử trói vào khúc cây rồi đánh đập dã man. Có lần vào mùa xuân Mị muốn đi chơi thì bị A Sử ngăn cản, bị A Sử trói vào cây bỏ đói suốt mấy ngày sau khi đánh cho Mị một trận đòn dữ dội”.

Có học sinh hùng hồn khẳng định: “Tô Hoài là nhà văn lớn của văn học Việt Nam hiện đại. Trong thời kỳ chống Mỹ, ông vào Tây Nguyên cùng bộ đội và viết tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”.

Câu 3b “Phân tích vẻ đẹp của sông Hương”, không ít học sinh nhầm với sông Đà. Nào là “Sông Hương chảy theo hướng Đông-Bắc, nhìn từ xa, dòng sông như một áng tóc của một cô thiếu nữ. Có lúc dòng sông cuộn chảy dữ dội với bao thác ghềnh”. Học sinh khác viết: “Nước sông Hương thay đổi theo mùa. Mùa xuân nước xanh, mùa hè nước đỏ, mùa thu nước trong”.

Năm nào tôi cũng chấm thi, năm nào cũng phải đọc, phải chấm những bài văn như vậy, không biết bao giờ mới dứt.  

MỚI - NÓNG