Những 'chiêu' dạy trẻ ngược đời

Những 'chiêu' dạy trẻ ngược đời
TP - Vẫn ở trường điểm Tiểu học Hoàng Diệu, phổ biến hơn cả là hành vi bạo hành tinh thần, từ lớp 1 đến lớp 5. “Cháu tưởng lên lớp trên, lớn rồi cô đỡ đánh mắng, nhưng cô còn ghê hơn…” - Thoan, học sinh lớp 3 nói.

>> Kỳ 1

Kỳ 2 : Bài ca xé, mắng

Những 'chiêu' dạy trẻ ngược đời ảnh 1
Em Huỳnh Thị Ngọc Trâm (Đồng Tháp) trở nên hoảng loạn sau khi bị “hỏi cung”. Ảnh TP

Giờ học mới đây, cô chủ nhiệm đồng thời là giáo viên dạy Văn yêu cầu học sinh viết đoạn văn kể về người thân. Thoan làm xong, cô H. còn xé vở của nó. “Tả thế mà đòi tả à. Phải tả bác em khỏe mạnh, làm nhiều việc có ích cho đời và hay giúp đỡ mọi người chứ”.

“Nhưng thưa cô, bác em đau yếu thực sự ạ. Bác ấy hay phải đi bệnh viện và hầu như không làm được gì cho gia đình ạ”. Thoan phân bua. “Thế mà cũng đòi làm văn. Viết lại” - Cô giáo nói.

“Đứa nào làm bài thế này đây. Dạy mãi rồi mà không tính nổi. Ngu thế” - Cô giáo quẳng toẹt quyển vở xuống đất. Chủ nhân cuốn vở lom khom chạy lên nhặt, lầm lét nhìn cô, lũn cũn về chỗ.

Bất cứ cái gì ghi lên vở không vừa lòng cô là bị xé. Chữ viết xấu. Xé. “Viết lại ngay”. Viết đẹp rồi, ý diễn tả không đúng. Xé. “Viết lại theo ý tôi đã chỉ dẫn”. Làm văn tả cảnh không đúng các đoạn cô đã đọc. Xé. “Lấy vở bạn  viết lại”.

Một vị phụ huynh mới đây đưa tôi xem bài văn được điểm 9 của con nhưng lại xót xa: “Tôi thấy bài nó làm hay quá. Mừng cho con mình. Tôi đến mượn bài văn của bạn con để xem thế nào. Té ra đều cùng một phiên bản”.

Đang giờ giảng văn về cảnh đẹp, Hùng vẽ phong cảnh. “Cháu muốn vẽ những gì cháu nhìn thấy để tả cho đúng”, Hùng thanh minh sau khi kể chuyện cô bước xuống bục, giằng tờ giấy đang vẽ dở của nó, xé nát và quẳng xuống đất.

Có trường hợp vi phạm tập thể, không thể xé hết được, cô H. hất tung hết sách xuống nền nhà. Cả lớp ồn ào trong lúc cô chấm bài. Cô nói một câu, hai câu. Im. Lại ồn. Thét lên, một tay cô gạt phăng đống vở đang chấm dở trên mặt bàn.

“Không hợp ý cô là điều chúng cháu sợ nhất nhưng làm sao mà đoán được ạ” - Loan, nữ sinh lớp 3 ở trường Tiểu học Phương Liên, đưa mắt nhìn xa xăm vào cổng trường trong lúc chờ mẹ đến đón.

Nó nhớ mãi chuyện hôm ấy đứa bạn trai cùng lớp bị cô xé toang cuốn vở. “Mẹ bạn ấy mua đúng vở Hồng Hà mà cô giáo yêu cầu nhưng cháu không hiểu sao vẫn bị xé”.

Giờ ra chơi, nó thấy cô giáo mang cuốn vở bị xé có vẻ như để khoe chiến tích với một cô giáo lớp bên cạnh. Nó nấp vào một góc và lắng nghe: “Cậu thấy có tức không. Tớ đã bảo là phải mua vở Hồng Hà, phụ huynh mua đúng vở Hồng Hà, nhưng không đúng số ký hiệu mà tớ đã dặn. Tớ xé trước mặt cậu học sinh đó và bảo nó về nói với bố mẹ để lần sau rút kinh nghiệm”.

Một cô giáo nhiều tuổi thấy thế đến can thiệp. “Không nên làm thế trước mặt các em. Thiếu gì cách. Làm thế, chúng nó sẽ sợ em đấy”. “Chị có để em dạy bảo các cháu không? Có sợ chúng nó mới nghe chứ”.

Dạy “kiểu Úc”

“Sợ cô” là cụm từ cửa miệng của không ít trẻ ở tuổi mới đến trường bây giờ. Bé Liên đề nghị với cha (công tác ở BV Ung bướu Hà Nội) chuyển trường cho mình. Bé không muốn học ở lớp mẫu giáo lớn Thái Hà.

“Buổi trưa, cô không cho ai đi tè. Ăn xong, cô bảo tất cả đi tè. Nhưng lúc đó con chưa buồn tè. Nằm được một lúc, con mót tè quá. Cô trừng mắt nhìn con và quát “Ngủ đi”. Bây giờ con cứ đau chỗ này này”.

Bé Chương học ở trường Mẫu giáo thực nghiệm Liễu Giai về phàn nàn với mẹ: “Hôm nay, con làm đúng lời mẹ dặn.  Con nói: “Cháu xin cô ạ”. Cô không khen con như mẹ nói. Cô bảo: “Lớn rồi. Từ giờ trở đi, không cần dùng từ ạ. Nhớ chưa”. “Nhớ ạ”. “Đấy, không phải ạ nữa cơ mà”. Nhiều cái mẹ dạy con, chả giống ở lớp. Cô toàn mắng con thôi”.

Tình trạng phạt trẻ em ở Việt Nam tương đối phổ biến

Trừng phạt trẻ em là vấn đề không mới ở Việt Nam. Sự xuất hiện và tồn tại của nó gắn liền với việc giáo dục trẻ em theo cách của người lớn. Vấn đề này ngày càng nhận được sự quan tâm của xã hội. Nhiều tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam như Qũy Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Tổ chức Cứu trợ Nhi đồng Thụy Điển, Plan International, kết hợp với Ủy ban Dân số - Gia đình&Trẻ em và nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học xã hội đã thực hiện nhiều dự án, nhiều cuộc hội thảo về vấn đề này.

Kết quả của các nghiên cứu và hội thảo cho thấy tình trạng phạt trẻ em ở Việt Nam tương đối phổ biến, gây hậu quả không nhỏ. Thứ nhất, về mặt pháp luật, đó là hành vi vi phạm Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em mà Việt Nam tham gia ký kết năm 1991. Thứ hai, nó để lại hậu quả tiêu cực đối với các cá nhân khác nhau (người trừng phạt và người bị trừng phạt), đặc biệt là người bị trừng phạt - trẻ em, và đối với xã hội. Nhiều trẻ em (do bị trừng phạt cả ở nhà và ở trường) đã bỏ đi lang thang.

TS Nguyễn Thị Hoa - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Tâm lý

Một đứa trẻ ở trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, Hà Nội, lại tỏ ra thích thú với hành vi hà khắc của cô giáo đơn giản chỉ vì nó không bao giờ bị trừng phạt như các bạn. Không phải vì nó ngoan mà là vì nó là con của một chức sắc được gửi gắm tận tay cô giáo chủ nhiệm với lời dặn dò “đừng đánh, mắng cháu”.

Nhưng rồi dần dần sự gửi gắm mất thiêng khi các bậc phụ huynh khác cũng thực hiện động tác gửi gắm. Tại trường thực nghiệm Liễu Giai, ban phụ huynh và lãnh đạo nhà trường quyết tâm lành mạnh hóa quan hệ gia đình - nhà trường đến mức hai bên đưa ra quy định không tặng quà thầy cô vào ngày nhà giáo ở nhà thầy cô mà ở tại trường. Mặt khác, số tiền đóng góp của phụ huynh cũng rất nhỏ, chỉ đủ để mua một món quà tượng trưng.

Sau khi đại diện phụ huynh tặng cô giáo quà nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 vừa rồi, một phụ huynh khác kéo cô ra một góc và dúi cho cô bó hoa với chiếc phong bì bên trong. Họp ban phụ huynh, vị đại diện nhắc nhở không nên đi lẻ để khỏi ảnh hưởng đến quy định văn minh mới. Không ai bảo ai, trước ngày lành đó, cảnh phụ huynh đến nhà riêng cô giáo vẫn nườm nượp.

Trong khi khá nhiều nghiên cứu về bạo hành trong gia đình được tiến hành, hầu như chưa có nghiên cứu nào về bạo hành, nhất là bạo hành tinh thần, ở trường mẫu giáo, tiểu học, của thầy cô đối với các cháu.

Tìm hiểu ở một số trường, chúng tôi thấy, đa số các giáo viên mẫu giáo, tiểu học không nhận thức được hậu quả tiêu cực của việc phạt đối với trẻ em. Trái lại, họ cho rằng, nó có ý nghĩa tích cực trong việc giáo dục trẻ.

Một hiệu trưởng ở trường điểm tiểu học ở Hà Nội sau một hồi quanh co bác bỏ phàn nàn về tình trạng cô giáo đánh và mắng học sinh, cuối cùng vẫn quay lại nhắc câu: “Thương cho roi, cho vọt/Ghét cho ngọt cho bùi”.

Một điều chúng tôi rất muốn đề cập là không ít trường hợp, các em bị phạt không phải vì lỗi của mình, mà vì chưa làm hài lòng thầy cô. Hầu hết các em điểm kém, chẳng những bị cha me trừng phạt ở nhà mà còn bị thầy cô trừng phạt một lần nữa ở lớp, nhất là những lớp, trường thi đua giành danh hiệu tiên tiến.

Cuộc vận động ba không với tiêu cực trong giáo dục thời gian qua có làm giảm phần nào cuộc chạy đua thành tích. Song về bản chất, một phụ huynh chua xót, “giảm không nhiều nếu không muốn nói còn thể hiện tinh vi hơn”.

Ai cũng biết những trường hợp bị điểm kém có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Có khi do các em không chịu học bài, chưa tập trung, chưa chịu khó suy nghĩ trong khi học bài, tức là các em có lỗi.

“Nhưng không hiếm khi bài khó quá, các em chưa hiểu, năng lực có hạn hoặc có nhiều nguyên nhân khách quan khác”, TS Vật lý Nguyễn Văn Khải, nhà khoa học nhiều năm giành không ít thời gian tham gia đào tạo học sinh giỏi Lý cho các trường phổ thông ở nhiều nơi trên cả nước, nói. “Đó đâu phải là lỗi của các em”.

Thế mà, việc các em bị điểm kém không những không làm cha mẹ hài lòng mà, ở lớp, còn phải chịu những hình thức trừng phạt khác nhau, tùy từng trường, từng lớp, và tùy tâm trạng của cô giáo lúc đó.

Có em làm đổ vỡ, hư hỏng đồ đạc trong lớp chỉ vì sự lóng ngóng, vụng về do chưa có kinh nghiệm, do đặc điểm sinh lí lứa tuổi và do một số nguyên nhân khách quan khác. Nhưng em vẫn bị trừng phạt bởi lỗi không mong muốn đó. Nhiều khi cô giáo muốn thế, cha mẹ em muốn thế, chỉ vì mục tiêu cao cả “cho nó chóng thành người”. 

(Còn nữa)

* Tên các học sinh nêu trong bài đã được đổi

MỚI - NÓNG