Báo động đỏ tình trạng trẻ mẫu giáo và tiểu học bị bạo hành:

Những 'chiêu' dạy trẻ ngược đời

Những 'chiêu' dạy trẻ ngược đời
TP - Nghiên cứu vừa hoàn thành tháng 6/2007 ở Viện Tâm lý học đưa ra bức tranh về cách thức giáo dục con trẻ khiến không mấy người tin. Ở thời đại “tri thức là sức mạnh”, không những bị bạo hành ở lớp, các em còn bị bạo hành ở gia đình.

>> Kỳ trước

L., một cô giáo tiểu học ở thành phố Đồng Hới, tỉnh miền Trung Quảng Bình, trả lời trước câu hỏi tò mò về đề tài mà tôi quan tâm:

“Ở Hà Nội không biết thế nào, chứ ở chỗ em, phụ huynh mang quà đến nhà thường là để mong cô giáo chú ý đến chuyện học hành. Mấy ai lo con cái bị đánh đâu. Thậm chí, có phụ huynh còn ủng hộ cô giáo đánh đòn cho các cháu nên người  ấy chứ”.

Kỳ III - Là thầy, là cha mẹ, nói gì cũng được…?

Vị đại diện phụ huynh trường Tiểu học Hoàng Diệu, Hà Nội, không ít lần gặp cô giáo và phản ánh sự việc mà các phụ huynh khác bức xúc trong cách ứng xử với học sinh của một số cô giáo.

Cho đến một ngày, chính con của chị cũng bị cô cốc đầu, véo tai. “Mẹ không biết đấy. Cô cốc một cái, con hoa cả mắt. Cô véo một cái, con đau mấy ngày”. “Con chỉ đổ oan cho cô. Mẹ có thấy con đau đâu”- Chị vặn lại con mình.

Trong một buổi họp đại diện phụ huynh toàn trường, vị đại diện phụ huynh phải lên tiếng về chuyện mà bao lâu nay chị cứ ái ngại.

Chị rụt rè đặt vấn đề. Vừa hết câu, một phụ huynh khác gay gắt: “Tôi đề nghị không bàn. Chuyện nhỏ! Chúng ta không ủng hộ các thầy cô trừng phạt có mức độ các cháu thì làm sao dạy bảo được một lớp tới bốn năm mươi học sinh”.

Từ hiệu trưởng, hiệu phó điều khiển cuộc họp cho đến các phụ huynh khác, không ai phản bác lý lẽ của phụ huynh kia. Kiến nghị chống bạo hành trẻ nhỏ thành đơn độc.

Trong các cuộc họp phụ huynh tiếp theo, tịnh không thấy bất cứ ai phàn nàn về chuyện cốc đầu, véo tai, gõ thước kẻ vào tay, vào đầu trẻ nhỏ nữa.

Nghiên cứu vừa hoàn thành tháng 6/2007 ở Viện Tâm lý học đưa ra bức tranh về cách thức giáo dục con trẻ khiến không mấy người tin. Ở thời đại “tri thức là sức mạnh”, không những bị bạo hành ở lớp, các em còn bị bạo hành ở gia đình.

Khảo sát 350 phụ huynh (trong đó có 100 nam và 250 nữ) từ 23 - 55 tuổi, ở hai huyện Tam Nông và Cẩm Khê (Phú Thọ) từ tháng 6/2006 đến hết tháng 5/2007, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Ứng dụng Tâm lý đi đến nhận định, bạo hành với con cái rơi nhiều vào người trẻ, những người sinh ra và lớn lên trong một môi trường giáo dục được cho là mới và hiện đại.

Có thể thấy tỷ lệ phụ huynh sử dụng các hình phạt đối với con rất lớn. Nữ hầu như không thua kém nam. Thậm chí, nhóm phụ huynh trẻ sử dụng các hình phạt nhiều hơn các bậc phụ huynh tuổi cao hơn, TS Nguyễn Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Tâm lý, nhận xét.

Các hình thức phạt rất đa dạng, như mắng, chửi, sỉ nhục, đánh và các hình phạt khác như: đứng ôm cột, đứng trong vòng tròn nhỏ vừa khít hai chân, không được cử động, không được đi chơi.

Không ít biện pháp trừng phạt của phụ huynh giống với cách mà thầy cô trừng phạt các em nhỏ ở lớp.

Để giảm thiểu bạo hành với trẻ em, các nhà khoa học kiến nghị

- Nâng cao nhận thức của toàn xã hội nói chung, của các nhà giáo và các bậc cha mẹ nói riêng về quyền trẻ em, về tác dụng tiêu cực của các hình thức trừng phạt trẻ em bằng các hình thức tuyên truyền rộng rãi Công ước Quốc tế Quyền trẻ em, bằng các lớp tập huấn cho các nhóm nhà giáo, nhóm phụ huynh những nội dung trên.

- Các cấp chính quyền, đoàn thể, đặc biệt, ngành giáo dục và các cấp hội phụ nữ, thông qua các buổi sinh hoạt tập thể, có các biện pháp đẩy mạnh và phát huy vai trò của dư luận xã hội đối với hành vi trừng phạt học sinh của một bộ phận thầy cô giáo và đối với việc trừng phạt con cái của các bậc phụ huynh.

- Tuyên truyền các biện pháp kỷ luật tích cực thay thế cho các biện pháp trừng phạt bằng nhiều hình thức như áp phích, tranh cổ động và các lớp tập huấn.

Qua phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm, các nhà khoa học còn thấy, ở các địa phương tiến hành khảo sát, có một số hình thức phạt trẻ em rất hà khắc như đội vật nặng đứng ngoài trời nắng, đứng cạnh ổ kiến lửa, dìm nước, phạt không cho ăn cơm.

Mục đích bào chữa cho phương tiện

Dựa trên cách thức tiến hành nghiên cứu trên của các nhà khoa học, chúng tôi làm một cuộc điều tra bỏ túi. Phát hiện từ cuộc điều tra chớp nhoáng với 7 cô giáo cho kết quả khá trùng hợp với điều tra của các nhà khoa học đối với các bậc phụ huynh.

Cái khác duy nhất có lẽ chỉ là ở ngôn từ. Trong khi các nhà khoa học ở Viện Tâm lý dùng từ trừng phạt thì chúng tôi dùng cụm từ bạo hành bao gồm cả bạo hành thể xác và bạo hành tinh thần.

Khi chúng tôi hỏi các cô giáo mẫu giáo và tiểu học trên địa bàn Hà Nội, phần lớn các cô cho rằng họ bạo hành với các em như là một hình thức kỷ luật để giáo dục chúng.

Quan niệm của họ đúng như quan niệm truyền thống, các biện pháp trừng phạt giúp trẻ biết lỗi của mình và lần sau không mắc nữa.

Nhưng qua trao đổi với chúng tôi, một vài trong số các cô nhận ra rằng bạo hành thể xác và tinh thần không mang lại hiệu quả như họ nghĩ. “Chị có thường xuyên trừng phạt học sinh không?”. Một cô dũng cảm: “Hầu như ngày nào em cũng phạt ít nhất một học sinh”.

Một nhà khoa học lý giải căn nguyên dễ nhận thấy hơn cả của hành vi trừng phạt có lẽ là các thầy cô vẫn dạy các em theo tập quán, truyền thống văn hóa của thế hệ trước để lại.

Một cô giáo cởi lòng: “Trước đây thầy cô mắng mình, bây giờ, mình mắng học sinh và sau này chúng lại mắng học trò của chúng...”.

Nguyên nhân khác cũng được phát hiện là khả năng kìm chế thấp sự tức giận của cô giáo khi học sinh mắc lỗi hoặc khi họ không hài lòng với chúng. “Chị cảm thấy thế nào khi thấy các cháu có lỗi hoặc khi chúng không làm chị hài lòng?”. “Tôi cảm thấy rất tức giận, bực bội, khó chịu. Không thể kìm chế được”.

Một cô giáo trẻ thừa nhận, trong một số trường hợp, cô đánh, mắng học sinh, chủ yếu do không kìm chế được tức giận chứ không phải với mục đích giáo dục.

Đặc biệt, hầu như không có cô giáo nào được hỏi chờ đến thời điểm và tìm địa điểm thích hợp để sử dụng các hình thức kỷ luật các em. Một cô giáo nhận ra rằng, nếu nghĩ được như vậy thì không cần phải trừng phạt các em nữa.

Cô cũng thừa nhận, quyền làm thầy của mình, sự thuận lợi của môi trường xã hội, thiếu vai trò kiểm soát của dư luận xã hội đối với hành vi đó, cũng là những nguyên nhân quan trọng dẫn đến hành vi trừng phạt các em.

Được hỏi “Khi dùng hình phạt đối với học sinh, chị có sợ nếu các đồng nghiệp xung quanh biết và chê trách không?”, vẫn cô giáo nọ trả lời: “Chuyện đó quá bình thường. Lớp nào, thầy cô nào chả mắng, phạt học sinh. Chả ai quan tâm, để ý đến điều đó”.

Về nghiên cứu của các nhà khoa học đối với hành vi bạo hành của phụ huynh, họ còn phát hiện nhiều bậc phụ huynh rất có bản lĩnh trong việc kìm chế cảm xúc. Trong cuộc sống hàng ngày, họ không tránh khỏi sự tức giận, bực bội với nhiều người khác (bạn bè, chồng/vợ). Rất may, chuẩn mực đạo đức xã hội, giúp họ kìm chế trong hầu hết trường hợp. “Vì thế, họ ít gây sự với người thân đó kể cả khi họ cảm thấy tức giận, không hài lòng”, TS Hoa nói.

Nhưng đối với con cái, phụ huynh lại có cách phản ứng khác hẳn. “Họ nghĩ họ là người sinh ra chúng, có nghĩa vụ và trách nhiệm nuôi dạy chúng nên có quyền với chúng”, TS Hoa nói tiếp. “Hơn nữa, ở địa phương họ, việc trừng phạt con trẻ là chuyện bình thường. Có lẽ ở đây, những người đánh, mắng, chửi con cái chiếm gần trăm phần trăm”.

Tóm lại, bạo hành ở cấp mẫu giáo và tiểu học là thực tế không thể phủ nhận. Đã đến lúc phải lên án hành vi đang có nguy cơ lan rộng dưới nhiều hình thức công khai và biến tướng ấy.

Chúng ta không thể chấp nhận trong một xã hội mà hiện tượng thanh thiếu niên nói tục, chửi bậy, thích bạo hành nhan nhản chốn công cộng.

“Gieo hạt gì gặt quả nấy”,  cần phải làm gì đó để khiến không chỉ những người làm thầy phải thấu hiểu quy luật đúng ở mọi nơi mọi lúc và không hề mới ấy. 

MỚI - NÓNG