Những cô cậu nhí “không thèm” đến trường: Được gì, mất gì?

Cậu bé Vũ Tuấn Kiệt
Cậu bé Vũ Tuấn Kiệt
TPO - Home-school (học tại nhà) là một mô hình giáo dục đã được biết đến nhiều ở phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Tại Việt Nam, với quan điểm còn coi trọng bằng cấp, việc cho con học tại nhà chưa phải là mô hình được phụ huynh lưu tâm. 

Cậu bé 9 tuổi không đến trường: Ở nhà vẽ tranh, học ngoại ngữ, nấu ăn, học đàn, chơi với chó… 

Cách đây 5 năm, dân mạng “dậy sóng” bởi cậu bé Vũ Tuấn Kiệt khi đó mới 9 tuổi không thèm đến trường.

9 tuổi, Vũ Tuấn Kiệt có triển lãm cá nhân đầu tiên với tên gọi “Kiệt” diễn ra tại Hà Nội gồm 46 bức tranh đen trắng vẽ bằng bút sắt mực tàu, với nội dung từ động vật, con người, các hiện tượng tự nhiên đến chuyện giới tính, có cả vấn đề đô thị hoá nông thôn. 

Điều đáng nói, trong lúc bạn bè đang ngày ngày đến trường thì Kiệt ung dung ở với “bác Tùng” (Tiến sĩ - Kiến trúc sư Phó Đức Tùng), “chẳng làm gì” ngoài việc vẽ tranh, chơi với chó, đọc truyện tiếng Anh, tiếng Trung. 

“Vậy tại sao cháu lại không thích đến trường?, cậu bé Kiệt 9 tuổi khi đó cho rằng, vì ở trường không được tự do, không được vẽ tranh ! Với lại cháu bị cô dạy tiếng Việt mắng nên cháu không thích học cô ấy

“Vâng. Bạn cháu ai cũng sợ”- Kiệt khẳng định

Và hằng ngày, Kiệt vui vẻ với cuộc sống của mình: “ Cháu vẽ tranh, học ngoại ngữ, nấu ăn, học đàn, chơi với chó… “- Kiệt cho biết.

Kiệt chia sẻ, cậu thích xếp lego và chơi ô tô còn các đồ chơi khác cháu cũng không thích lắm. Sách ít đọc nhưng bây giờ lúc không có việc gì sẽ đọc nhiều hơn. Cậu thích ở Xuân Mai được tự do hơn và có nhiều chó và vì ở nhà mẹ cậu hay bắt tắm.

Dù kiệt không thích tắm thế nhưng  Kiệt lại tắm biển cả ngày vì theo cậu “Ở biển có sóng. Một ngày tắm biển bằng một năm tắm thường đấy”. 

“Sau này có vợ cháu sẽ phải áp đặt vợ trước, vì vợ cháu sẽ suốt ngày bắt cháu tắm nên cháu phải áp đặt trước là cháu tự tắm. Nếu không thì cháu sẽ bị áp đặt. Cháu đã thấy một bà chửi mắng chồng kinh lắm”- Kiệt chia sẻ. 

Khi được hỏi, “Kiệt đã muốn đến trường lại chưa? Thì cậu khẳng định: “Như thế này là tốt rồi ạ” và cậu nói với mẹ: “Con nghỉ học như thế này đỡ tốn tiền, một năm tiết kiệm được 120 triệu”.

Và đặc biệt, “cháu có thể nhịn ăn cả tuần”- Kiệt nói.

"Cháu rất muốn trở thành họa sĩ, ngoài ra cháu sẽ đi lấy giống chó.  Cháu không thích làm siêu nhân, vì siêu nhân phải mặc bộ quần áo chật lắm, không đi vệ sinh được. Mà khi “xì hơi” lại phải tự ngửi”- Kiệt khẳng định.

Cậu bé 6 năm theo học một chương trình tại nhà của Mỹ

Anh Bùi Huy Kiên (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ  về lý do chọn “home school”: Muốn cậu con trai học được những kiến thức, kỹ năng hữu ích và gần gũi với cuộc sống hơn, thay vì phải học những kiến thức mà sau này có thể cháu sẽ không bao giờ sử dụng tới.

Năm 2015, bé Bùi Huy Khang, 13 tuổi - con trai anh Kiên - đang theo học một chương trình học tại nhà của Mỹ. Khang cũng từng đến trường như những đứa trẻ khác nhưng chỉ học được nửa năm thì dừng.

Những cô cậu nhí “không thèm” đến trường: Được gì, mất gì? ảnh 1 Bé Bùi Huy Khang,

Sau đó, vợ chồng anh quyết định cho con học tại nhà theo một số giáo trình của nước ngoài. Ban đầu, Khang theo học một số chương trình nhưng thấy không hiệu quả cho lắm, sau đó mới chuyển sang chương trình hiện tại.

Vì mất thời gian chuyển đổi nên những năm đầu tiên Khang học chậm hơn so với độ tuổi nhưng hiện tại cậu bé này đã học gần xong chương trình lớp 6. Anh Kiên cho biết: “Do mình có thể chủ động về thời gian học tập nên thậm chí nếu nhanh có thể học một năm 2 lớp.”

Những cô cậu nhí “không thèm” đến trường: Được gì, mất gì? ảnh 2 Chị Bùi Hà Uyên và con gái
Dành 18 năm để nuôi dạy con ở nhà

Cách đây 2 năm, gia đình chị Bùi Hà Uyên, 31 tuổi, đang sinh sống tại TP. HCM là một trong những gia đình ít ỏi đã chọn phương pháp “home-school” cho con gái.

Chị Uyên cho biết, để việc giáo dục con tại nhà hiệu quả, điều khó nhất là cha mẹ phải dành nhiều thời gian cho - điều mà trong xã hội này thường được ưu tiên sau công việc. Ông xã chị đã quyết định bỏ công việc toàn thời gian ở một công ty nước ngoài, chuyển sang làm việc tự do để dành nhiều thời gian hơn cho con.

Hiện chị là copywriter tự do còn chồng là nhiếp ảnh gia tự do chuyên về PR – quảng cáo. Hai vợ chồng thay phiên nhau cùng chơi mà học với con. Ví dụ như khi chị bận viết bài thì chồng sẽ chơi với con, cùng con đi chơi, cùng con đi chợ. Khi chồng bận đi chụp cho khách hàng thì chị lại đảm nhận công việc đó.

Phụ huynh: “Cũng sợ con không có bạn, không bình thường”

Chị Thanh, mẹ Kiệt cho biết, trước đây, Kiệt theo học ở hai trường tiểu học quốc tế. Kiệt rất hòa đồng, các bạn rất thích chơi và chia sẻ với Kiệt. Kiệt học cũng tương đối nhanh. Lúc mới quyết định, gia đình hai bên, họ hàng ai cũng mắng, tôi cũng thấy áp lực lắm. Cũng sợ con không có bạn, con không bình thường… 

“Nhưng đến thời điểm này thấy con hạnh phúc, thấy con tự do và thấy con phù hợp với cuộc sống hiện tại nên chúng tôi cũng an tâm hơn, dù bà ngoại vẫn thường xuyên giục đưa Kiệt về đi học lại. Cháu ở với anh Tùng đến bao giờ là tùy cháu, hiện tại chúng tôi chưa tính đến chuyện đưa cháu về. Kiệt còn cậu em trai, nhưng khác với anh, bạn này rất vui vẻ tới trường”- Chị Thanh chia sẻ.

Cha mẹ là người chấm điểm

Với homeschool, Bùi Huy Khang có thể học qua video và sách được gửi về từ Mỹ sau khi bố mẹ đã thanh toán chi phí qua tài khoản. Mỗi cuốn sách cũng chia thành các bài như bình thường, tuy nhiên thay vì nghe cô giáo giảng bài trực tiếp thì Khang nghe cô giáo hướng dẫn trong video.

Chính vì thế, vai trò của bố mẹ trong chương trình học này là rất quan trọng. Phụ huynh sẽ là người giám sát, hỗ trợ, giải đáp thắc mắc của con. Nếu có những vướng mắc không thể giải đáp, phụ huynh có thể gửi email cho trường để hỏi. Để theo học cùng con, chương trình cũng thiết kế khá nhiều tài liệu hướng dẫn dành riêng cho bố mẹ.

Sau mỗi bài học cũng có những bài tập theo mẫu sẵn, trẻ điền câu trả lời vào đó và bố mẹ chính là người chấm điểm (theo hướng dẫn trong tài liệu), sau đó gửi bài và điểm chấm sang cho trường lưu. Cả tiền sách, video và chi phí vận chuyển trong vòng một năm học của chương trình này là khoảng 1.000 USD – anh Kiên cho biết.

Ngoài ra, thông thường mỗi tuần Khang phải làm một bài “test” cho mỗi môn học. Những bài test này cũng được bố mẹ chấm điểm, nếu là bài đọc thì ghi âm vào đĩa rồi gửi sang cho trường. Khoảng 6 tuần anh chị gửi những kết quả này sang Mỹ một lần.

Anh Kiên cho biết, trước đây có cho cháu học ở một trường mầm non quốc tế và cho đi học tiếng Anh từ nhỏ nên trước khi theo học chương trình này cu cậu cũng đã biết một chút tiếng Anh. “ Hồi mới bắt đầu học, tiếng Anh của cháu cũng chỉ ở mức bình thường thôi nhưng bây giờ kỹ năng nghe nói của cu cậu đã tốt hơn nhiều” – ông bố này chia sẻ.

Con được cấp bằng mà không "mất gốc"

Khác với nhiều người nhầm tưởng học tại nhà là không có bằng cấp, anh Bùi Huy Kiên (Hà Nội), cho biết nếu phụ huynh đăng ký, trường sẽ cấp giấy chứng nhận cho học sinh. Ngoài ra, sau khi học xong phổ thông, nếu muốn học tiếp đại học, học sinh thường phải trải qua một bài test và phỏng vấn. Nếu trường đại học cần thông tin về những năm học phổ thông, trường đại học sẽ tự liên hệ với trường cũ để lấy thông tin, phụ huynh sẽ không phải cung cấp nữa.

Do chương trình của Mỹ, học hoàn toàn bằng tiếng Anh nên những năm đầu, ngoài thời gian học ở nhà, Khang còn theo học 2 lớp tiếng Anh bên ngoài, một ở Hội đồng Anh, một do thầy giáo người Mỹ giảng dạy. Hiện tại, tiếng Anh của Khang đã tốt hơn nhiều nên em không còn học thêm tiếng Anh bên ngoài nữa.

Còn quá sớm để đưa các nhận định hiệu quả của phương pháp này

Theo chị Bùi Hà Uyên (TP.HCM), trường học vốn không dành để phát triển tố chất riêng của mỗi đứa trẻ, mà là để cào bằng khả năng của mọi đứa trẻ lại bằng nhau. Trong khi, giáo dục là để tăng khả năng cạnh tranh, tức tăng khả năng sinh tồn. Mà để làm tốt điều đó, không phải là tìm cách thức phát huy tốt nhất tố chất ưu tú của trẻ đến mức cao nhất có thể sao?”, chị Uyên nói.

Theo người mẹ này, hiện tại còn quá sớm để đưa ra các nhận định về hiệu quả của phương pháp giáo dục này. Hiện tại, bé con nhà chị vẫn phát triển một cách bình thường so với bạn bè đồng trang lứa.

Ưu điểm dễ nhận thấy nhất là con gái chị có cơ hội để học được mọi điều cần thiết trong cuộc sống này chỉ trong một thời gian ngắn và được điều chỉnh nhắc nhở ngay khi có vấn đề, cũng như được khuyến khích kịp thời để phát huy tính tự tin của bản thân.

MỚI - NÓNG