Những dấu hiệu nhận biết trẻ bị xâm hại tình dục

TS Vũ Thu Hương
TS Vũ Thu Hương
TPO - TS tâm lý Vũ Thu Hương, Khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết bà đã bật khóc khi tiếp nhận 3 vụ việc trẻ em bị xâm hại tình dục trong một ngày, nỗi đau không thể nào nói bằng lời.

TS Vũ Thu Hương khẳng định, chỉ cần 1 lần bị xâm hại, đứa trẻ đã không còn là chính mình nữa. Đứa trẻ đã thực sự trở thành một con người khác, một người khuyết thiếu mà cả đời không thể tìm lại phần đã mất.


Một ngày tiếp nhận thông tin 3 vụ xâm hại tình dục trẻ em

PV: TS có nhận định gì trước thông tin trong ba năm gần đây, trung bình mỗi năm ở nước ta có trên 1.000 vụ được ghi nhận, cứ 8 giờ lại có thêm một trẻ bị xâm hại tình dục? 

TS Vũ Thu Hương: Thực ra, hiện trạng xâm hại tình dục trẻ em VN luôn nặng nề trầm trọng suốt bao nhiêu năm trời. Gần đây, do các cha mẹ tư tưởng tiến bộ hơn, đã dám đứng lên nói sự thật để tố giác tội phạm nên chúng ta đã biết thêm nhiều trường hợp đau lòng. Tuy vậy, tình trạng che giấu vẫn xảy ra. Vì thế, tôi nghĩ, chúng ta còn phải đau lòng nhiều hơn nữa nếu biết toàn bộ các sự thật đáng sợ.

Ngày khủng khiếp nhất đã đến trong cuộc đời tôi chỉ đến sau ngày 8/3 có vài ngày. Đó là ngày mà tôi đã phải đau đớn tiếp nhận thông tin của 3 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Chỉ trong 1 ngày, biết được có đến 3 cháu nhỏ bị xâm hại tình dục, nỗi đau không thể nào nói bằng lời.

Tội phạm nào cũng đáng lên án, đáng bị xử lý như nhau. Nhưng với những người phụ nữ đã từng bị xâm hại, không có kẻ tội phạm nào đáng bị trừng phạt hơn những kẻ đã động chạm vào những phần sâu kín nhất của 1 đứa trẻ.

PV: Nhiều vụ xâm hại được phanh phui nhưng tại sao nhiều vụ vẫn “chìm xuồng”, thưa TS?

Theo tôi, nguyên nhân của hiện tượng này chính là ở thái độ thờ ơ của rất nhiều người trước hiện trạng trẻ em bị xâm hại đang diễn ra quá nhiều trên đất nước chúng ta. 

Người ta đang không ý thức được những đau đớn, tổn thương mà trẻ phải chịu. Mọi người đang coi chuyện đó nhỏ bé. Đặc biệt nhiều kẻ lấy lí do là yêu quý trẻ nhỏ để sờ mó, cấu véo trẻ. Chúng lợi dụng tâm lý coi nhẹ cảm xúc của trẻ đã tồn tại từ bao đời nay để gây hại cho trẻ. Vì thế, những vụ án này dễ dàng chìm vào im lặng.

PV:  TS có đề xuất hình phạt nào cho những kẻ xâm hại tình dục trẻ em?

Những tổn thương mà trẻ gặp phải vô cùng lớn. Vì thế, tôi chỉ yêu cầu hình phạt cao nhất cho những kẻ xâm phạm trẻ em. 

Dấu hiệu để thấy con biết bị xâm hại

PV: Theo bà, những vụ xâm hại tình dục để lại hệ lụy gì cho trẻ?

Với một đứa trẻ bị xâm hại, giờ phút kinh hoàng chống trả yếu ớt lại hành vi của những kẻ đang coi mình là một thứ trò chơi, cảm giác thật khủng khiếp. Các con cảm thấy nỗi sợ hãi tột cùng, cảm giác sống không bằng chết khi cơ thể mình bị phơi bày ra đến tận cùng. Nỗi đau đớn đến từ những bộ phận nhạy cảm nhất, kín đáo nhất, bí ẩn nhất khiến nỗi khiếp sợ nhân lên gấp bội. 

Với một đứa trẻ bị xâm hại, cho dù sau đó, con có được chữa chạy về cơ thể, về tâm lý đến đâu, vết sẹo lớn mà con mang trong người cũng khiến con như trở thành một con người khác, một con người khuyết thiếu mà sau đó con sẽ không bao giờ tìm lại được phần hồn đã mất của mình. Các con sẽ không bao giờ có nổi niềm hạnh phúc trọn vẹn bên người mình yêu thương. 

Cảm giác hổ thẹn, lo lắng bị phát giác rằng mình đã từng bị xâm hại cho đến nỗi đau đớn và sợ hãi rằng kịch bản kinh hoàng kia sẽ một lần nữa lặp lại đã lấy đi của con tất cả.

Đã có những em bé không thể phục hồi được tâm trí sau những vụ xâm hại tình dục.

Đã có những em bé bị cắt đi toàn bộ phần phụ sau khi kẻ thủ ác đạt được điều hắn mong muốn. Với những em bé này, cuộc sống chấm dứt ngay từ khi vừa bắt đầu. 

Một đứa trẻ lành lặn, xinh đẹp, khỏe mạnh bỗng chốc trở thành tật nguyền về cả tầm hồn lẫn thể xác. Nỗi đau đớn đó con sẽ mãi mãi mang theo cho đến tận khi xuống mồ.

PV: Cha mẹ có thể căn cứ những dấu hiệu gì để nhận biết con có bị xâm hại tình dục hay không?

Thái độ ít quan tâm đến con cái nên có nhiều cha mẹ, con bị xâm hại nhiều lần mà không hề biết. 

Dưới đây là những biểu hiện rõ nét của trẻ khi bị xâm hại: Việc ăn uống, sinh hoạt của con có nhiều nét bất thường. Ví dụ: con vốn là trẻ ham ăn thì đột ngột bỏ ăn. Con đang lười ăn thì có thể là đòi ăn nhiều hơn. Con ham ngủ hơn bình thường.

Con tỏ thái độ né tránh người khác, đặc biệt là nam giới. Một sự thật rành rành là nữ giới xâm hại trẻ ít hơn nam giới và những vụ án nghiêm trọng thường đến từ phía đàn ông. Vì thế, đột nhiên thấy con né tránh bố, không gần gũi như bình thường, các mẹ nên đặt câu hỏi ngay lập tức về việc con bị xâm hại hay không.

Con đột nhiên tắm rất nhiều và tắm rất lâu. Đây là một biểu hiện rất đặc thù của những nạn nhân xâm hại tình dục. Các con có cảm giác cơ thể mình bẩn thỉu ghê gớm nên sẽ muốn tắm. Thậm chí có cháu còn tắm đến bợt cả da.

Con đột ngột có những biểu hiện bất thường. Ví dụ: con chưa bao giờ tè dầm hay khóc đêm nhưng đột nhiên hiện tượng đó xuất hiện, con đột nhiên yêu thích móng tay và ngồi gặm suốt cả ngày. 

Khóc, la hét, hoảng hốt bật dậy trong đêm. Hiện tượng này là rõ nét nhất. Nếu các cha mẹ thấy con khóc hờn liên tục trong vài đêm liền, ngồi dậy la hét và ai động vào thì vung chân tay loạn xạ,… chắc chắn chúng ta cần đặt câu hỏi xem, con đã bị xâm hại hay chưa.

PV: Vậy khi con bị xâm hại rồi cha mẹ cần cư xử như thế nào, thưa bà?

Nếu như các con đã bị xâm hại rồi thì việc cha mẹ cư xử thế nào lại là điều quan trọng số 1 với trẻ nhỏ. Các mẹ chắc chắn sẽ vô cùng choáng váng. Nhiều cha mẹ sẽ giấu kín vì sợ ầm ĩ lên thì con mình khó sống yên ổn. Cũng có người muốn giữ hình ảnh đẹp đẽ cho gia đình mình. Có người thì sợ bất ổn, sợ cãi vã căng thẳng vì kẻ xâm hại con mình là người thân quen. 

Với suy nghĩ “Không để trẻ con làm mất lòng người lớn”, “tốt khoe xấu che”, nhiều cha mẹ cấm con phải nói ra sự thật. 

Vậy nhưng, điều đáng nói ở đây là, thái độ này của cha mẹ sẽ khiến con vô cùng thất vọng. Sau đó, họ trở nên xa cách với cha mẹ, mất lòng tin ở cha mẹ ruột của mình. Đó chắc chắn không phải là thứ mà các cha mẹ muốn và nghĩ rằng con sẽ vậy. Lý do đơn giản là khi đứa trẻ bị phơi bày cơ thể mình trong tay 1 kẻ xa lạ, trong lòng con đang có sự đấu tranh quyết liệt: Không hiểu mình xấu hay kẻ kia xấu.

Vì thế, nếu cha mẹ cấm con nói ra sự thật, cố gắng tỏ ra là bình thường như chưa có gì xảy ra, con trẻ sẽ cảm thấy vô cùng tổn thương. Các cháu sẽ thấy mình đơn độc, cha mẹ không bênh vực và bảo vệ mình. 

Có gì đau đớn và đáng sợ hơn với 1 đứa trẻ khi nghĩ rằng con bơ vơ, không ai bảo vệ, bao bọc khi con vừa bị xâm hại. Đã có cháu tự tử chỉ vì chính lý do này.

Các cha mẹ, nếu các bạn nghĩ rằng nói ra vụ xâm hại tình dục của con thì con sẽ bị xấu mặt, gia đình bị xấu mặt thì các bạn nên hiểu rằng: Điều xấu mặt đó không có giá trị gì so với việc đứa trẻ cảm thấy an ủi rằng người xấu làm hại chúng và hiện người xấu đang bị vạch mặt. Các cháu sẽ yên tâm rằng chính các cháu không xấu xa gì cả. Vì thế, con sẽ nhanh chóng lấy lại tinh thần hơn rất nhiều.

Điều tôi muốn nói ở đây là khi con bị xâm hại, việc tố cáo tội phạm là cha mẹ bắt buộc phải làm vì điều đó sẽ cứu chính con mình. 

MỚI - NÓNG