Những điểm đáng chú ý trong quy chế tuyển sinh ĐH - CĐ 2008

Những điểm đáng chú ý trong quy chế tuyển sinh ĐH - CĐ 2008
TP - Như Tiền phong số 49 ngày 18/2/2008 đã đưa tin, Bộ GD-ĐT vừa ban hành quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy. Quy chế gồm 6 chương, 42 điều. Trong số báo này, Tiền phong  giới thiệu một số điểm mới, đáng chú ý.

Các đối tượng sau đây được xét tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ: Anh hùng Lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc; Thí sinh trong đội tuyển Olympic (khối ngành học của những thí sinh này được ưu tiên xem xét phù hợp với môn thí sinh đã dự thi).

Ngoài ra, còn có Thí sinh là thành viên đội tuyển quốc gia, được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch xác nhận đã hoàn thành nhiệm vụ tham gia thi đấu trong các giải quốc tế chính thức; Thí sinh năng khiếu nghệ thuật đạt giải chính thức trong các cuộc thi nghệ thuật quốc tế về ca, múa, nhạc.

Các đối tượng sau đây được ưu tiên xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ: Thí sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 trung học, sau khi thi tuyển sinh ĐH,CĐ hệ chính quy, có kết quả thi từ điểm sàn trở lên và không có môn nào bị điểm 0.

Thí sinh đạt huy chương vàng các giải vô địch hạng nhất quốc gia tổ chức một lần trong năm và thí sinh có quyết định công nhận là kiện tướng quốc gia đã tham dự đủ các môn thi văn hoá theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT, không có môn nào bị điểm 0...

Thí sinh được mang gì vào phòng thi?

Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính điện tử không có thẻ nhớ và không soạn thảo được văn bản.

Không được mang vào khu vực thi và phòng thi giấy than, bút xoá, các tài liệu, vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, bia, rượu, phương tiện kỹ thuật thu, phát, truyền tin, ghi âm, ghi hình, thiết bị chứa đựng thông tin có thể lợi dụng để làm bài thi và các vật dụng khác.

Nghiêm cấm làm bài bằng hai thứ mực, mực đỏ, bút chì (trừ hình tròn vẽ bằng com pa được dùng bút chì). Các phần viết hỏng phải dùng thước gạch chéo, không dùng bút xóa.

Phải bảo vệ bài làm của mình và nghiêm cấm mọi hành vi gian lận, không được xem bài của thí sinh khác, không được trao đổi ý kiến, trao đổi tài liệu khi làm bài.

Khi hết giờ thi phải ngừng làm bài và nộp bài cho cán bộ coi thi. Không làm được bài, thí sinh cũng phải nộp giấy thi.  Thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau 2/3 thời gian làm bài và sau khi đã nộp bài làm, đề thi cho cán bộ coi thi.

Điểm ưu tiên, điểm sàn, điểm chuẩn  được xây dựng thế nào?

Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1,0 (một điểm), giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 (nửa điểm); Đối với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng được phép lớn hơn 1,0 điểm nhưng không quá 2,0 điểm để số thí sinh trúng tuyển là người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ cần thiết.

Đối với các trường ĐH, CĐ được giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ sử dụng và đối với những trường có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương được phép định điểm trúng tuyển theo tỉnh, huyện, vùng với mức chênh lệch điểm giữa các tỉnh, huyện (điểm chênh lệch khu vực) lớn hơn 0,5 nhưng không quá 2,0 điểm để tuyển đủ chỉ tiêu đã được giao.

Đối với những trường sử dụng chung đề thi đại học của Bộ GD&ĐT hoặc chung kết quả thi đại học để xét tuyển: Căn cứ kết quả thi đại học của thí sinh, Bộ GD & ĐT sẽ xác định và công bố điểm sàn hệ ĐH, hệ CĐ đối với từng khối thi A, B, C, D.

Điểm sàn không nhân hệ số. Điểm trúng tuyển của các trường không được thấp hơn điểm sàn. Thí sinh có kết quả thi thấp hơn điểm sàn không được tuyển vào các trường sử dụng kết quả thi theo đề chung để xét tuyển.

Căn cứ nguyên tắc chung và quy định nói trên, các trường xác định điểm trúng tuyển đối với các nguyện vọng theo quy định: Điểm trúng tuyển nguyện vọng sau không thấp hơn nguyện vọng trước, bảo đảm tỷ lệ trúng tuyển hợp lý giữa các nguyện vọng.

Trước ngày 20/8, các trường phải công bố điểm trúng tuyển đợt 1; trước ngày 25/8 công bố chỉ tiêu và điều kiện xét tuyển đợt 2; trước ngày 15/9 công bố chỉ tiêu và điều kiện xét tuyển đợt 3 (nếu còn chỉ tiêu để xét tuyển).

Vi phạm quy chế xử lý ra sao?

Những thí sinh vi phạm quy chế đều bị lập biên bản và tùy mức độ nặng nhẹ sẽ bị xử lý kỷ luật theo các hình thức như: Khiển trách áp dụng đối với những thí sinh phạm lỗi một lần nhìn bài của bạn, trao đổi với bạn.

Thí sinh bị khiển trách trong khi thi môn nào sẽ bị trừ 25% số điểm thi của môn đó. Cảnh cáo  đối với các thí sinh vi phạm một trong các lỗi như: Đã bị khiển trách một lần nhưng trong giờ thi môn đó vẫn tiếp tục vi phạm Quy chế;Trao đổi bài làm hoặc giấy nháp cho bạn; Chép bài của người khác.

Người bị kỷ luật cảnh cáo trong khi thi môn nào sẽ bị trừ 50% số điểm thi của môn đó. Đình chỉ thi đối với các thí sinh vi phạm một trong các lỗi: Đã bị cảnh cáo một lần nhưng trong giờ thi môn đó vẫn tiếp tục vi phạm Quy chế;

Khi vào phòng thi mang theo tài liệu; phương tiện kỹ thuật thu, phát, truyền tin, ghi âm, ghi hình, thiết bị chứa đựng thông tin có thể lợi dụng để làm bài thi; vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, các vật dụng gây nguy hại khác;

Đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi; Viết vẽ những nội dung không liên quan đến bài thi; Có hành động gây gổ, đe dọa cán bộ có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác.Thí sinh bị kỷ luật đình chỉ thi trong khi thi môn nào sẽ bị điểm không (0) môn đó.

Tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi tuyển sinh vào các trường trong hai năm tiếp theo hoặc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những thí sinh vi phạm một trong các lỗi : Có hành vi giả mạo hồ sơ để hưởng chính sách ưu tiên theo khu vực hoặc theo đối tượng trong tuyển sinh; Sử dụng văn bằng tốt nghiệp không hợp pháp; Nhờ người khác thi hộ, làm bài hộ dưới mọi hình thức; Có hành động phá hoại kỳ thi, hành hung cán bộ hoặc thí sinh khác.

Thụy An
(tổng hợp)

MỚI - NÓNG