Những điều mắt thấy tai nghe ở Đại học Trung Quốc

Những điều mắt thấy tai nghe ở Đại học Trung Quốc
Chỉ một ngày ngắn ngủi đến Đại học Tài chính Trung ương (CUFE) ở Bắc Kinh, Trung Quốc, tôi đã thực sự ngỡ ngàng vì phương pháp dạy và học hiện đại ở đây.

Giờ học môn Cổ phiếu Chứng khoán của lớp chuyên ngành Thư ký thuộc Học viện Văn hóa và Truyền thông (một trường thành viên của CUFE), TS. Hà Hiểu Vũ chia lớp thành bảy nhóm, mỗi nhóm từ 4 đến 5 sinh viên.

Thầy Hà dõng dạc tuyên bố: “Mỗi em góp 100 tệ, buổi học sau chúng ta sẽ đến trực tiếp tham gia một phiên chứng khoán và các nhóm sẽ bỏ tiền mua cổ phiếu. Nhóm nào đầu tư tốt nhất, thu được nhiều lãi nhất sẽ thắng. Các em yên tâm, có tôi hướng dẫn thì không thể lỗ được".

Dưới lớp, sinh viên xôn xao: Hiếm có giáo viên nào lại nhiệt tình cổ vũ học trò chơi cổ phiếu như thế.

Bạn Chu Tô Trân hào hứng: “Tôi thấy cách dạy của thầy Hà rất hay. Khi bạn đã bỏ tiền ra đầu tư, bạn sẽ phải nghiên cứu rất cụ thể, theo dõi sát sao thị trường chứng khoán để đảm bảo số tiền của bạn sẽ “sinh sôi nảy nở”. Chính vì thế, chúng tôi phải học tập thật nghiêm túc, lại vừa được học lý thuyết, vừa được thực hành nữa".

Còn bạn Mã Huy Cường thì thẳng thắn: “Nếu đầu tư lỗ thì cũng không sao. Đó sẽ là một bài học quý báu cho mỗi chúng tôi. 100 tệ, đủ cho bạn mua một cái áo nhưng lại mang đến cho bạn một bài học bổ ích. Đó mới là cái lãi lớn nhất.”

Hết buổi học, Mã Huy Cường nháy mắt hỏi tôi: “Có muốn đi học “ca ba” không?”. Hóa ra tối hôm sau, một phóng viên ảnh nổi tiếng tỉnh Sơn Đông được nhà trường mời tới sẽ hướng dẫn các sinh viên thực hành chụp ảnh trong điều kiện thiếu ánh sáng.

Khi tôi ngần ngại vì chưa đăng ký trước với thầy giáo, đến lớp học sợ thầy không hài lòng, cậu ta cười bảo: “Thầy giáo đã giao hẹn trước rằng, buổi tối là thời gian để sinh viên nghỉ ngơi và đi chơi. Vì thế, tất cả các buổi học tối, sinh viên được phép rủ bạn bè và người yêu đến cùng học, với điều kiện không làm ảnh hưởng tới lớp học. Bạn cứ đóng giả... người yêu tôi là được.”

Rất tiếc tối hôm sau tôi không còn ở Bắc Kinh để được tham dự buổi học tối mà sau này bạn tôi kể lại là “hào hứng tới tận 10 giờ đêm, không ai muốn về”.

Quay cóp bị phát hiện: Không dám đi học

Cứ đến kỳ thi học phần là sinh viên ở Việt Nam lại ca bài “ước gì, cho thời gian trở lại” để có thêm nhiều thời gian “tiêu hóa” những cuốn sách dày cộp. Còn ở Trung Quốc, sinh viên phải học liên tục, học thường xuyên, học từ sách vở, từ cuộc sống vì đề thi luôn đòi hỏi có kiến thức vững vàng và hiểu biết xã hội, cộng với tư duy sáng tạo và khả năng trình bày ý kiến riêng.

Thông thường, đề thi được chia làm hai phần. Phần một là lý thuyết kiểm tra các kiến thức cơ bản. Phần hai là viết luận để sinh viên vận dụng kiến thức trình bày về một vấn đề nổi bật trong xã hội có liên quan trực tiếp đến môn học.

Tô Giang Hương, một trong số các lưu học sinh Việt Nam tại trường hồ hởi kể: “Cầm trên tay đề thi môn Kinh tế vĩ mô chỉ với duy nhất một câu hỏi Bạn nhận xét gì về tình trạng thất nghiệp hiện nay? Bạn có giải pháp gì để khắc phục?, tôi thực sự thấy thú vị.

Đề thi ngắn gọn và cho phép sinh viên được thể hiện mình. 100 sinh viên sẽ có 100 cách nghĩ khác nhau và chúng tôi phải thuyết phục giáo viên đồng tình với ý kiến của mình".

Giang Hương hỏi tôi: “Giả sử bạn là chú rể, trong lễ cưới của mình, bạn làm đổ rượu lên váy trắng của cô dâu, bạn sẽ làm gì?”. Chưa để tôi hết bất ngờ, Hương nói luôn: “Đây là đề thi mà mình tâm đắc nhất đấy, đề thi môn Giao tiếp công chúng".

Mỗi khi đến kỳ thi, thư viện và các phòng học đều chật kín sinh viên và sáng đèn tới tận 22 giờ 30. Khi tôi hỏi có hiện tượng quay cóp không, một lưu học sinh Việt Nam trả lời: “Nói thật là chỉ có sinh viên Việt Nam mới quay cóp thôi, sinh viên Trung Quốc rất nghiêm túc. Với họ, quay cóp là rất xấu xa, bị phát hiện thì không chỉ bị kỷ luật nặng mà còn rất xấu hổ, có khi không dám đi học nữa.”

"Chấm điểm" thầy

Những điều mắt thấy tai nghe ở Đại học Trung Quốc ảnh 1
Khuôn viên trường ĐH Tài chính Trung ương. Ảnh: VietNamNet

Không chỉ sinh viên mà ngay cả giáo viên cũng luôn luôn phải cố gắng trau dồi kiến thức và kinh nghiệm để không bị tụt hạng vì nhiều năm gần đây, CUFE đã áp dụng hình thức “chấm điểm giáo viên”. Cuối mỗi học kỳ, sinh viên được phát một tờ giấy để “cho điểm” các thầy cô.

Điểm được chấm theo thang 100 và chia thành nhiều mục như phương pháp giảng dạy, sự cập nhật và đa dạng về kiến thức, sự nhiệt tình với sinh viên…

Từng phần trong chương trình học đều được chấm điểm riêng giúp cho giáo viên biết sinh viên hài lòng hoặc chưa hài lòng với phần bài giảng nào.

Sau khi tổng kết sẽ có xếp hạng từ cap đến thấp. Những giáo viên được điểm cao sẽ được khen thưởng còn những ai xếp hạng cuối sẽ bị khiển trách.

Muốn được điểm cao, chăm… đi trại dưỡng lão

Bạn không bao giờ nghỉ học - Được cộng điểm. Làm bài tập đầy đủ - Cộng điểm. Hăng hái phát biểu, thường xuyên thuyết trình - Cộng điểm. Thậm chí, đến sớm và kê bàn ghế trong lớp cũng được cộng điểm thưởng.

Bất cứ hành động gì cho thấy sinh viên thực sự hào hứng và học tập nghiêm túc, giáo viên bộ môn đều có thể cộng điểm thưởng cho sinh viên. Điều này đã kích thích sinh viên luôn tích cực, chủ động và hăng hái học tập nhằm tăng thêm quỹ điểm cho mình.

Còn nếu muốn được thêm điểm cho điểm tổng kết tất cả các môn trong học kỳ, sinh viên phải tích cực tham gia các họat động tập thể do lớp và trường phát động. Chẳng hạn như nhà trường tổ chức tới thăm các trại dưỡng lão và làng trẻ mồ côi mỗi tuần một lần. Khi có thời gian rỗi, bạn đăng ký với lớp trưởng. Tham gia càng nhiều, quỹ điểm thưởng càng tăng.

Bạn Thu Thủy, sinh viên Học viện Tiền tệ thuộc CUFE cho biết: “Nhiều sinh viên muốn kiếm điểm thưởng nên tham gia rất nhiều hoạt động xã hội. Dần dần họ gắn bó với các trung tâm từ thiện và sống có trách nhiệm hơn.”

Theo Lan Hương
VietNamNet

MỚI - NÓNG