Những giảng đường không rải thảm nhung

Những giảng đường không rải thảm nhung
Theo quy chế mới, sinh viên (SV) có điểm trung bình chung cao nhất từ 5 trở lên nhưng số đơn vị học trình có điểm dưới 5 vượt quá 25 đơn vị (tính từ đầu khóa), sẽ bị dừng học, không được làm đồ án. Trước quy chế này, SV đã ồ ạt đi đăng ký học lại nhằm cứu vớt tình thế.

9h sáng, cửa phòng đào tạo Trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội đông nghịt SV đứng chờ. Cái nóng oi nồng vừa mưa, vừa nắng của tiết trời tháng 3 làm cho các “sĩ tử đúp” mồ hôi nhễ nhại. 

Đông (Khoa Công trình) ngồi dưới bậc tam cấp cởi đến nút áo thứ hai vẫn chưa hết “bức”. Hút đến nửa điếu thuốc thứ 4, cậu đứng dậy văng một câu chửi bậy rồi lếch thếch bỏ đi.

Trên bậc cửa vào phòng đăng kí học, thi lại, các chàng SV cố chen chân. Thông, SV năm cuối khoa Cầu đường, đã 5 lần bước một chân vào bậc cửa nhưng rồi lại bị đánh bật ra vì sức có hạn. “Đi đăng kí mấy ngày rồi mà chưa được. Suốt ngày ngồi chầu chực ở đây chỉ mong ghi được vào danh sách”, Thông cho biết.

Nhìn lướt qua danh sách đăng kí học lại, phần lớn đều nợ trên 25 trình/người. Có người nợ kỉ lục xấp xỉ 50 trình. “Mình nợ trên 30 trình, không biết có trả hết không hay lại rơi vào cảnh “em về kẻo thầy…quát”, một SV tên Hùng bùi ngùi. 

Những bộ môn được SV “viếng thăm” nhiều phần lớn thiên về các môn như: Triết,  Vật lý, Sức bền vật liệu, kết cấu, cơ lý thuyết, bộ môn cầu hầm (Khoa Cầu đường), Cơ sở kinh tế và quản lý, đường bộ và kinh tế xây dựng, kinh tế Bưu chính viễn thông, ngành cầu đường sắt (khoa kinh tế)…

Mục sở thị ở một số trường có "thâm niên dừng, đuổi học" cao như ĐH Bách khoa, Xây dựng, Kiến trúc... cảnh tượng đi đăng kí học lại cũng chẳng khác gì trường ĐH Giao thông.

Bên cạnh đó, do số lượng SV học quá đông (mỗi năm khoảng 600 người), các trường không thể xếp lịch học cụ thể mà chỉ dán tờ thông báo: Trong thời gian này có mở lớp học lại cho các môn… những SV học lại theo dõi và liên hệ thầy cô bộ môn để biết lịch. Bởi thế, nhiều SV không cập nhật được thông tin dẫn đến cảnh “nốc ao”.

Vào khó, ra... không dễ!

Bị nhiễm bởi tư tưởng “vào ĐH tha hồ mà chơi” từ thời còn học THPT, nhiều sĩ tử “vang bóng một thời” giờ lên ĐH đành ngậm ngùi “sáng học, chiều thi lại”. 

Nhiều SV quyết chí vào cho được ĐH để khẳng định mình như anh chàng Công (ĐH Kiến trúc) dùi mài kinh sử đến lần thứ 4 mới đỗ, thế mà đành ngậm ngùi ôm biển “stop” vì “ĐH không như mình tưởng”.

Công tâm sự: “Khi còn ở nhà thì ao ước được vào ĐH, được tự do thoải mái. Nhưng khi vào ĐH, phải tự thân vận động, học mà chơi, chơi nhiều hơn học dẫn đến nợ trình, trả không kịp”. 

Theo như tìm hiểu, lượng SV bị dừng, đuổi học phần lớn "phủ sóng" ở các trường có đầu vào khá cao, và đều rơi vào các khối ngành kỹ thuật.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội một năm tuyển gần  4.000 SV với điểm đầu vào thuộc hàng "top". Khi vào trường, SV sẽ được học qua một năm đại cương kiến thức chung và sau đó phân ngành, trước tiên là xét theo điểm và phân theo ngành SV thích, sau đó do trường phân.

“Năm 2006, trong 10 em đậu thủ khoa, chỉ có một em đậu lớp tài năng. Có 70 em lớp chất lượng cao, 70 lớp tài năng, 120 em lớp đào tạo công nghệ thông tin Việt Nhật. Số SV bị dừng và đuổi học cũng khá nhiều”. PGS.TS Dương Đức Hồng, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết.

Là trường được xếp loại "top" trên, nhưng ĐH Bách khoa Hà Nội cũng nằm trong diện là một trong những trường có tỉ lệ sinh viên “nốc ao” nhiều nhất (mỗi năm khoảng 600 SV).

Ở các trrường ĐH Giao thông, ĐH Xây dựng,  ĐH Kiến trúc... điểm đầu vào dao động trong khoảng 21-24,  số lượng SV dừng, đuổi, học lại "không kém phần long trọng".

Nguyên nhân chính của hiện trạng này là do SV quá chủ quan trong khi học ĐH hoàn toàn khác thời phổ thông. Nhiều sinh viên bị lôi cuốn, đam mê cờ bạc, lô đề điện tử. Nhiều SV ở nhà bị bố mẹ quản lý chặt, không được cọ xát xã hội nhiều dẫn đến khi được thả lỏng, không bắt nhịp được cuộc sống...

ĐH phải luôn là sàn chứng khoán

Để có tên trên sàn chứng khoán, người chơi phải có nhiều tiền và để không bị thua lỗ đòi hỏi người chơi phải hiểu được quy luật, phải cập nhật hàng ngày hàng giờ giá cả cổ phiếu, thị trường lên xuống. 

Với mỗi SV, mỗi môn học cũng là một cổ phiếu và để không bị “sập sàn”, “đảo chiều”, chính SV đó phải nỗ lực, bổ sung  kiến thức và nắm bắt tình hình. 

Theo PGS.TS Dương Đức Hồng: “SV phải có tính cạnh trạnh, không thể học “amatơ”. ĐH không chỉ có lý thuyết riêng mà luôn gắn liền với thực hành. Nếu không nắm bắt được lý thuyết và thời cuộc thì dễ bị tụt hậu. Chính vì thế, SV cần phải học cho ra học”. 

Trong buổi đối thoại giữa lãnh đạo trường với SV, Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội Trần Trọng Hanh nói rằng: “Học ĐH cần nghiên cứu và tự mày mò nhiều.

Ngoài kiến thức trên lớp, SV cần tìm hiểu thêm ở sách tham khảo và trong thực tế. Về phía thầy cô, không được nói “không thể” mà phải khẳng định là “có thể” đáp ứng được nguyện vọng của các em nếu  điều đó hợp lý.

ĐH là tự học. Thầy kiểm duyệt, trò tìm lối đi và phải biết rằng, ĐH không phải vào được là ra được”.

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Theo Dương Sinh
VietNamNet

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.