Những học sinh sợ... vào đại học

Những học sinh sợ... vào đại học
TP - Ở một xóm nhỏ nơi thôn Dương Lâm (Hòa Phong, Hòa Vang, TP Đà Nẵng),  em Trần Thị Bích cầm giấy báo vào đại học mà cảm thấy như người có tội.

Ở cái vùng sơn cước nghèo nàn này, suốt những năm dài  cha mẹ đã lầm lũi “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để cho hai chị em Bích được đến trường.

Ngày đầu tiên nhận giấy báo trúng tuyển, em cất đi, chờ đến tối rủ cậu em học lớp 10 ra bìa rừng bàn bạc. “Nhà mình nghèo, chị đã chọn trường Đại học Sư phạm để khỏi đóng tiền học phí, nhưng còn tiền ở trọ, tiền ăn hàng ngày thì lấy đâu ra?”.

Cậu em trai là học sinh giỏi nhiều năm liền khẳng khái xin nghỉ học để đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp mẹ cho chị đi học. Hai chị em bàn bạc nhiều và “giải pháp” cuối cùng là... ôm nhau khóc.

Về thôn Hòa Hải (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang), chúng tôi đến nhà em Nguyễn Thị My Kha. Trước mắt chúng tôi, cái được gọi là “nhà”, nơi sinh sống của 5 thành viên của một gia đình quá tồi tàn. Trong nhà không có gì đáng giá vài chục ngàn đồng. Duy chỉ có bức tranh tĩnh vật đặc tả một loài hoa dại. Bức tranh thuốc nước được vẽ bằng những nét cọ đăm chiêu, thể hiện khát vọng cháy bỏng.

My Kha là học sinh giỏi toàn diện nhiều năm liền và ngay từ bé em đã thích vẽ. Bằng những hộp màu là phần thưởng học sinh giỏi, em đã vẽ nhiều bức tranh nhưng chỉ có tiền mua được một cái khung để treo bức tranh này. Năm nay, em thi tốt nghiệp phổ thông đạt điểm cao và quyết tâm thực hiện nguyện vọng thi vào trường ĐH Mỹ thuật Huế.

Những học sinh sợ... vào đại học ảnh 1
Nhà của em Nguyễn Thị My Kha

My Kha tâm sự : Khi nhận được giấy báo nhập học khoa vẽ trường Đại học Mỹ thuật Huế, em rất lo lắng. Bởi lẽ, cha em mặc dù đã bị cắt 2/3 dạ dày và luôn đau ốm nhưng hàng ngày vẫn phải đi lên rừng kiếm củi gánh ra chợ bán; mẹ em vừa phải chăn bò thuê vừa phải làm ruộng nuôi ba chị em ăn học. Khi em đi thi, bà con xóm giềng người nải chuối, người đào luống khoai... mang ra chợ bán, mỗi người góp một ít để em có tiền lộ phí ra Huế dự thi. Giờ đậu rồi, em lại thấy... sợ !

Ở tổ 6 (phường Nam Dương, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), Bùi Thị Hồng Ân là học sinh giỏi 12 năm liền. Năm nay, em thi đậu cả hai trường ĐH Kinh tế ngành Ngân hàng và ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng.

Nghe con báo tin đậu cả hai trường, bố em bị bại liệt cả hai chân, nằm bất động dòng nước mắt bất lực chảy dài trên đôi gò má; mẹ em - người đàn bà làm lao công giúp việc thẫn thờ đưa bàn tay chai sạn còn dính đầy bọt xà phòng lên lau mồ hôi trên trán, trộn lẫn với dòng nước mắt. 

Phép màu

Có một “phép màu” mang tên “Vì ngày mai tươi sáng”- là chương trình của tổ chức Trẻ em Việt Nam (Children of Viet Nam).

Thông qua chương trình, gia đình Trần Thị Bích đã được giúp đỡ kinh phí để dỡ bỏ ngôi nhà cũ nát và xây dựng một ngôi nhà mới. Riêng hai chị em Bích, mỗi người nhận được một chiếc xe đạp, chấm dứt chuỗi ngày đi bộ bốn cây số đến trường. Riêng Bích, em được nhận học bổng hằng tháng cho đến khi tốt nghiệp khoa Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm Huế.

Nguyễn Thị My Kha đã nhận được học bổng toàn phần 5 triệu đồng hằng năm. Bên cạnh đó, gia đình em cũng được giúp đỡ kinh phí để xây dựng lại căn nhà mới. Mẹ em được nhận một con bò để chăn nuôi nhằm cải thiện cuộc sống gia đình.

Bùi Thị Hồng Ân một suất học bổng toàn phần trị giá 6.000.000 đồng cho đến khi Ân tốt nghiệp đại học ...

Bà Lương Thị Hương - Trưởng đại diện tổ chức Trẻ em Việt Nam tại Đà Nẵng- cho biết: Khi xúc tiến chương trình bảo trợ xã hội ở TP Đà Nẵng, các nhân viên xã hội của tổ chức này đã tiếp cận được nhiều học sinh có thành tích cao trong học tập nhưng có nguy cơ không được học đại học vì gia đình quá nghèo. Vì vậy, tổ chức Trẻ em Việt Nam có sáng kiến tổ chức ngay dự án cấp học bổng “Vì ngày mai tươi sáng” cho những đối tượng học sinh này. Trong đợt đầu, dự án học bổng này đã tiếp cận tận nhà và cấp cho 50 học sinh với tổng số tiền là 250 triệu đồng.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.