Những khóa luận… nghìn đô

Những khóa luận… nghìn đô
TPO - Bỏ ra cả chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng, nhiều sinh viên ngành nghệ thuật cứ đến mùa ra trường lại long đong chạy… tiền làm khóa luận. Tuy nhiên, không phải bài tốt nghiệp nào đắt cũng xắt ra miếng.

Đứng đầu trong danh sách phải "chi cả nghìn đô" làm khóa luận tốt nghiệp đại học phải kể đến dân quay phim, đạo diễn, thiết kế mĩ thuật của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Bài tốt nghiệp của sinh viên trường này thường được dân ét vê nói vui là cái máy ngốn tiền.

“Tổng chi phí cho bộ phim Bóng đêm dài 23 phút của mình lên tới gần 100 triệu đồng. Đấy là mình rất tiết kiệm vì nhờ người quen làm diễn viên. Để hoàn thành bài thi tốt nghiệp này, mình mất gần 5 tháng” - Hoàng Ngọc Sơn, sinh viên thiết kế mĩ thuật, khóa 24, trường Đại học Sân khấu Điện ảnh cho biết.

Sơn nói: Giá thuê trung bình một diễn viên chính là hai triệu một ngày, nghiệp dư khoảng 500 nghìn đồng một ngày. Ngoài ra, Sơn phải vẽ năm bức tranh chính, thiết kế bìa đĩa, poster cho phim..., mất từ bảy đến mười triệu đồng.

Để có tiền làm phim tốt nghiệp, Sơn làm việc cật lực ở các shop thời trang, thiết kế cho các quán cafe, dành dụm tiền thuê máy và quay phim. “Không đi làm thêm, chắc mình hụt hơi vì bài tốt nghiệp mất” - Sơn cho biết.

Cũng phải đầu tư lớn cho bài tốt nghiệp, Nguyễn Mạnh Cường - sinh viên khóa 24, thiết kế mĩ thuật, Đại học Sân khấu Điện ảnh mất gần 30 triệu đồng để làm phim Mộng.

Còn Nguyễn Trung Dũng, sinh viên lớp A3, khoa Thời trang, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp tổn thất gần 10 triệu đồng cho đề tài khá lạ tai: “Nghiên cứu trang phục cho thanh niên dựa trên nghiên cứu bộ áo giáp thời La Mã”.

“Mình lùng sục ở các chợ để tìm vải may... Đến lúc ra sản phẩm chính, mình mất gần chục bộ trang phục nháp. Mỗi bộ mất khoảng 500 nghìn đồng. Ngoài ra, khoản tiền thuê người mẫu trình diễn cũng mất gần hai triệu” - Dũng kể lại.

Trong khi đó, Vương Quyền - sinh viên lớp 01A4, khoa Điêu Khắc, Đại học Mĩ thuật Công nghiệp chấp nhận móc túi cả chục triệu đồng đề làm tượng tốt nghiệp.

“Đấy là tượng của mình làm bằng nhựa chứ không phải bằng đồng đâu nhé. Muốn đẹp và ấn tượng, chất liệu bằng đồng, giá đội lên ít nhất 160 triệu đồng. Làm giả mà giá vẫn 10 triệu đấy” - Quyền tâm sự.

Dù những bài tốt nghiệp trên siêu tốn nhưng sinh viên rất khó bán tác phẩm, gỡ gạc vốn. Nhiều người đành ngậm ngùi cất vào tủ như cất một kỉ niệm đẹp của thời sinh viên.

“Chẳng ai mua tranh chúng mình vẽ cả. Nếu có, bán cũng chẳng thu được mấy đồng nên mình mang về nhà treo hoặc cất vào tủ, vì dù sao nó cũng là tác phẩm đầu đời” - Tiến Thị Huệ, sinh viên K12, khoa Thiết kế Đồ họa, Đại học Mở Hà Nội, nói.

Còn Vương Quyền thì mong muốn sản phẩm mình tạo ra được đi vào cuộc sống: “Chỉ mong nhà trường giữ lại tác phẩm của mình để chia sẻ phần nào đó với người khác, cũng như hi vọng trường trả một phần số tiền mình bỏ ra làm bài tốt nghiệp”.

Đập đất, thuê nhà, làm tốt nghiệp

Mùa làm khóa luận tốt nghiệp, sinh viên rất vất vả. Long đong chạy tìm thuê nhà trọ làm nơi sáng tạo, sinh viên mỹ thuật còn phải thức đêm đập đất, nặn mô hình.

Những khóa luận… nghìn đô ảnh 1

Một bài tốt nghiệp của chuyên ngành tạo dáng công nghiệp như thế này cũng tốn cả chục triệu đồng. Ảnh: Đỗ Hợp.

Với đề tài: “Tượng đặt trong khu di tích nhà tù Hỏa Lò”, mô hình là đôi bàn tay giật đứt xiềng xích, suốt một tháng, Vương Quyền chỉ… đập đất, từ những tảng đất to ở xưởng vẽ. Nặn. Chưa đạt. Phá. Làm lại. Mãi rồi bức tượng cao 1,3m, rộng 1,2m mới hoàn thành.

Trong khi đó, Tiến Thị Huệ lại khổ vì tìm thuê nhà làm chỗ vẽ bài tốt nghiệp. Nhà trọ của Huệ không đủ rộng, trường chưa đủ chỗ cho sinh viên “sản xuất” nên đành tìm thuê căn nhà cũ ở khu chung cư với giá gần 20 triệu đồng cho sáu tháng sáng tạo.

Còn sự long đong trong bài tốt nghiệp của Nguyễn Mạnh Cường là tìm bối cảnh. Trong phim cần một ngôi nhà từ thời Pháp thuộc nhưng giờ tìm ở Hà Nội thật khó.

Cường tìm được một ngôi nhà từ thời bao cấp, chưa ưng ý lắm nhưng khả năng cải tạo ngôi nhà cho đúng yêu cầu trong kịch bản thì ngoài tầm của Cường. Vì thế, vất vả lắm mới thực hiện được. 

Còn bộ phim Bóng đêm chi phí lên đến cả 100 triệu đồng nên Vũ Hoàng Sơn khổ vì... chạy tiền. Sơn đành chọn giải pháp làm phim chung, “bắt tay” cùng hai “đối tác” ở khoa đạo diễn, sân khấu cùng lên ý tưởng, viết kịch bản, quay phim và dựng.

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.