Những mảng tối học đường đáng lo ngại

Những mảng tối học đường đáng lo ngại
TPO - Không chỉ bỏ học, kết băng đảng, cướp giật..., nhiều học sinh, sinh viên còn tham gia những đường dây buôn bán dâm. Đáng chú ý, đã xuất hiện tình trạng nam sinh viên bán dâm.
Những mảng tối học đường đáng lo ngại ảnh 1

Em Phạm Việt Tú (dấu X) - lớp 8 trường THCS Nguyễn Du, TP Pleiku (Gia Lai) phạm tội giết người vì sợ bị mách bố

Đó là báo cáo nhận định của Vụ công tác Học sinh - Sinh viên, Bộ GD&ĐT trong buổi họp mới đây giao ban một số vấn đề về công tác an ninh, trật tự trong trường học.

Trong cuộc họp có sự tham gia của 10 sở GD&ĐT và hơn 20 trường đại học này, nhiều vấn đề về an ninh học đường gây bức xúc dư luận trong thời gian qua đã được đề cập. Trong báo cáo của mình, ông Phùng Khắc Bình, Vụ trưởng Vụ công tác Học sinh - Sinh viên, Bộ GD&ĐT đã liệt kê hàng loạt các “mảng tối học đường” bị báo chí phanh phui trong thời gian qua.

Theo đó, bên cạnh những vụ việc thầy giáo đánh học sinh, dư luận đã hết sức bất bình khi hay tin một thầy giáo ở Kim Sơn, Ninh Bình đi... cướp về đêm trên đường phố. Không chỉ cướp đêm, nhiều thầy còn bắt học sinh, sinh viên đi “chùa thầy”.

Mới đây nhất, trường hợp của giảng viên Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng bộ môn Cơ sở thiết kế máy, ĐH Bách khoa, Hà Nội đã được Tiền Phong và các báo khác phản ánh.

Về phía học sinh, sinh viên, vì nhiều nguyên nhân, tình trạng vi phạm pháp luật đã và đang diễn biến phức tạp. Thật kinh hãi khi biết rằng, chỉ vì sợ bà hàng xóm mách bố về lỗi của mình mà một học sinh lớp 8 ở Gia Lai dám đâm chết người.

Tương tự, do tức giận vì không được bạn cho đi nhờ xe đạp mà một học sinh ở Ninh Bình đã đâm chết một học sinh khác học trường bên cạnh.

“Mảng tối học đường” còn được đề cập dưới góc độ nữ sinh viên làm gái bao, gái gọi cao cấp, thậm chí tổ chức quảng cáo, rao bán dâm trên mạng Internet.

Trong đó, đáng chú ý, Bộ GD&ĐT đã được báo cáo có cả hiện tượng sinh viên nam bán dâm. Ngoài ra, tình trạng trấn lột trong học đường, ký túc xá, cờ bạc, tiêm chích ma túy, tự tử vì thất tình... cũng là những vấn đề bức xúc đang tồn tại như một góc khuất trong các môi trường sư phạm.

Để nhằm từng bước đẩy lùi bạo lực trong học đường, Bộ GD&ĐT đã đề ra nhiều giải pháp như tăng cường giáo dục toàn diện, tổ chức đối thoại giữa sinh viên và nhà trường, tạo ra những sân chơi bổ ích, lành mạnh cho học sinh, sinh viên...

Trong số đó, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Văn Nhung nhấn mạnh đến mối quan hệ tam giác giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong việc làm lành mạnh hóa môi trường sư phạm trong các trường học.

MỚI - NÓNG