Những món quà từ chính tấm lòng

Những món quà từ chính tấm lòng
TP - Các nhà quản lý giáo dục đều có hoài niệm đẹp về ngày 20/11. Họ mong muốn tinh thần ngày 20/11 được trả về ý nghĩa đích thực. Sau đây là trao đổi giữa Tiền phong với 3 hiệu trưởng ở Hà Nội.
Những món quà từ chính tấm lòng ảnh 1

Những món quà đáng trân trọng đều xuất phát từ tấm lòng (Ảnh: Hồng Vĩnh)

Nhà giáo Đặng Đình Đại (Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội): Dư luận không nên khắt khe quá với giáo giới.

Theo thời gian, hình thức kỷ niệm ngày 20/11 trong xã hội dần dần thay đổi.

Thoạt tiên là học sinh, phụ huynh tặng giáo viên một ít hoa và quả, rồi vật dụng gia đình, sinh hoạt; hiện nay phổ biến là phong bì.

Cũng có trường hợp tặng quà. Đưa phong bì nhưng phụ huynh lại nói: “Có bó hoa tặng thầy cô...”. Nhiều giáo viên cũng muốn “tiền tươi thóc thật”.

Những cách biểu hiện tình cảm như đã nói ở trên theo tôi là tốt nếu xuất phát từ sự tự nguyện, không vụ lợi. Dân mình vốn thực tế, thích tặng và nhận quà (dù trị giá quà tặng có thể không cao) hơn là hoa.

Giáo viên thì có người nọ, người kia, nhưng đa phần không thể vì chút quà cáp mà đánh mất tư cách. Thông thường, những phụ huynh chủ động tạo mối quan hệ tốt với thầy cô thì lại có con học khá giỏi, ngoan.

Có những người rất ý thức về “đầu tư” cho con, đa phần thì chân thành; một số ít nghĩ có thể dùng đồng tiền chi phối, thao túng mọi thứ. Theo tôi, giáo viên cần nhạy cảm và dũng cảm để từ chối những món quà mình cho là không hợp lý.

Từ cuối tháng 10 đến nay chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục học sinh tinh thần “tôn sư trọng đạo”. Qua những buổi như vậy, tôi tin chắc các em sẽ hiểu hơn về nhà trường, thầy cô, bạn bè...

Trong đánh giá, dư luận xã hội không nên khắt khe quá với giáo giới. Thời trẻ, tôi là một trong nhiều nhà giáo Hà Nội lên miền núi dạy học. Bây giờ, trong các trường THPT rất nhiều thầy cô người tỉnh khác về. Vì sao?

Vì học sinh Hà Nội không chịu học sư phạm. Theo các em, chế độ đãi ngộ với nhà giáo không thoả đáng, yêu cầu lại khắt khe. Có một ngày 20/11 thì dư luận lại ầm ĩ lên. Đừng  quá xét nét! Nếu có lên án thì chỉ ở khía cạnh có sự vụ lợi.  

Nhà giáo Nguyễn Quốc Thắng (Hiệu trưởng trường THPT Hai Bà Trưng): Hương hoa dại theo mãi cuộc đời tôi.

Theo tôi, nếu việc tặng quà cho giáo viên là một hoạt động chung mang tính thống nhất của Ban đại diện cha mẹ học sinh thì không cần bàn. Cái đáng nói là tình trạng “trăm hoa đua nở” trong việc tặng quà cho giáo viên. Thầy cô bây giờ cũng đa dạng lắm.

Có những chuyện như sau 20/11, họ đứng tán gẫu với nhau rồi hỏi thăm “kết quả” thế nào(?!). Hiệu trưởng có biết về điều này cũng chỉ là khi việc đã rồi. 

Tôi đã từng công tác 7 năm ở miền núi. Học trò của tôi lúc đó mới bắt đầu làm quen với văn hóa tặng hoa. Ngày 20/11, trên đường đi học các em đã hái tặng tôi một bó hoa dại. Cảm xúc của tôi lúc đó rất đặc biệt và theo tôi mãi cho đến tận hôm nay.

Hiện nay, quan điểm về quà tặng có những thay đổi nhất định. Quà phải bao hàm giá trị vật chất nhất định nào đó. Người xưa vẫn nói, rượu ngon là bởi tay bưng. Khi học trò cứ bàn luận về việc cô thích cái gì, giá trị món quà tặng cô là cái gì... thì ý nghĩa “tôn sư trọng đạo” đã bị méo mó đi rồi.

Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm (Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng): Sống cao cả sẽ nhận được những điều cao cả.

Người xưa có câu, “hữu hằng sản tất hữu hằng tâm”, tấm lòng thì phải được thể hiện qua hình thức vật chất nào đó. Những món quà đáng quý, đáng trân trọng nếu xuất phát từ tấm lòng.

Thế nhưng, thực tế lại có hiện tượng biến việc tặng quà thành mua chuộc, đặt điều kiện, trả một món nợ... nào đó. Chống lại xu hướng này là cần thiết để trả lại sự tôn vinh trong sáng đối với người thầy.

Thực ra trong chuyện này giáo viên chỉ là nạn nhân bị cuốn vào dòng chảy xã hội. Chỉ có điều, việc đó xảy ra với người thầy thì người ta thấy xót xa hơn. Vậy thì chống bằng cách nào?

Trước hết, mỗi nhà giáo phải là một pháo đài riêng. Nếu thầy sống cao cả thì sẽ nhận được những điều cao cả. Nếu thầy tính toán thì sẽ chỉ nhận được những điều tính toán.

Sau nữa, trách nhiệm là ở bậc cha mẹ (bản thân học sinh thì rất trong sáng). Thái độ tôn trọng của phụ huynh đối với thầy cô giáo dạy con mình chính là cách giáo dục các em tốt nhất. Cuối cùng là vai trò của xã hội.

Hiện nay, công thức tổ chức ngày lễ 20/11 là: Sở, Phòng GD&ĐT tổ chức lễ tuyên dương các nhà giáo, kèm theo đó là một chút khen thưởng. Như vậy là chưa đủ!

Đừng xem nó như những ngày truyền thống các ngành khác mà phó thác việc tổ chức buổi lễ cho ngành. Tất cả mỗi người trong xã hội đều có thầy, tại sao không hợp lực để tổ chức một ngày lễ tôn vinh thầy?

Ở trường tôi, việc tặng quà ngày 20/11 cho giáo viên được Ban đại diện phụ huynh thống nhất mức độ (hình thức là tiền), nguồn chi từ quỹ phụ huynh. Cũng có những phụ huynh tặng quà riêng cho giáo viên, nhưng đúng mức độ. Quá mức thì chắc chắn sẽ bị giáo viên từ chối. Giáo viên trường tôi rất biết từ chối.

Hàng năm vẫn có những giáo viên lấy tiền phụ huynh “phong bì” cho mình để đóng học phí cho con em họ. Tôi tin rằng ở trường tôi khó mà có chuyện thầy cô giáo bị chi phối bởi chuyện quà cáp, phong bì. Thu nhập bình quân của mỗi giáo viên khoảng 3 triệu đồng/ tháng. Người nào cao có thể đạt đến 5 triệu đồng/ tháng. Giáo viên chủ nhiệm được trả thêm 700.000 đồng/ tháng.

Đặc điểm của trường tôi là học sinh rất cá tính, muôn hình muôn vẻ. Thầy cô có gì đó khuất tất là học sinh sẽ rỉ tai nhau rồi phá lớp. Lúc đó thì thầy cô khó mà dạy nổi, điều này đồng nghĩa với khả năng thầy cô mất việc làm.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.