Những ngành 'cửa rộng'

Những ngành 'cửa rộng'
TP -  Điểm chuẩn của các ngành này chỉ tương đương điểm sàn của Bộ GD&ĐT, còn tỉ lệ chọi có khi thấp đến mức khó tin.

Đừng tưởng chỉ có những trường ngoài công lập mới có các ngành học bị ế ẩm. Rất nhiều trường có thương hiệu vẫn đau đầu trước những ngành học mà thí sinh không đăng ký vào. Năm 2007, ngành Hải dương học – khí tượng – thủy văn (ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM) chỉ lấy điểm chuẩn NV1 bằng điểm sàn nhưng cũng vắng bóng thí sinh.

Tỉ lệ chọi của ngành này chỉ là 1/0,93. Thí sinh chỉ cần có điểm thi bằng điểm sàn là chắc chắn sẽ đỗ. Năm 2008, có lẽ ngành học này cũng không khả quan lên.

Những ngành học khác của các trường và khoa thành viên ĐHQG TPHCM có tỉ lệ chọi và điểm chuẩn thấp (gần như 1/1) có thể kể đến: Trắc địa – 1/1,99, Cơ kỹ thuật – 1/2,32 (ĐH Bách khoa TPHCM), Khoa học vật liệu - 1/1,313 (ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM), Nhân học – 1/1,97, Lưu trữ học – 1/1,88, Ngữ văn Đức – 1/1,929 (ĐH KHXH&NV TPHCM), Hệ thống thông tin – 1/0,85 (ĐH Công nghệ thông tin), Luật dân sự - 1/1,38 (Khoa Kinh tế)…

Tại trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TPHCM), những chương trình liên kết với đại học nước ngoài như ĐH Nottingham, ĐH West England, ĐH Auckland, ĐH New South Wales nộp đơn là chắc chắn đỗ vào vì tỉ lệ chọi chưa đến 1/1. Ngành Khoa học máy tính cũng có tỉ lệ chọi 1/0,2!

Trong các trường ĐH công lập tại TPHCM, ĐH Nông Lâm TPHCM là trường có nhiều ngành phải tuyển NV2 nhiều nhất vì NV1 không thể lấy đủ thí sinh thi vào. Điều này cũng không phải điều lạ vì những ngành học thuộc về nông – lâm – ngư càng ngày càng ít thu hút sự quan tâm của thí sinh hơn.

Đó là các ngành: Kinh doanh nông nghiệp, Phát triển nông thôn và khuyến nông, Cơ khí nông lâm... Với việc phát triển thiên về các ngành thiên về kinh tế, tài chính – ngân hàng… của xã hội, có thể dự đoán sự xuống cấp tiếp tục các ngành này.

Những ngành hễ thi là đỗ còn có thể kể thêm: Cử nhân Song ngữ Nga – Anh – 1/0,30, Cử nhân Vật lý – 1/0,55, Sử - GD Quốc phòng – 1/0,60 (ĐH Sư phạm TPHCM), tiếng Trung Quốc – 1/0,93, Xã hội học – 1/0,77, Toán – Tin ứng dụng – 1/0,6 (ĐH Tôn Đức Thắng)…

Nên quyết định học năm nay!

Trong trường hợp không đỗ NV1 vào các trường đã chọn, thí sinh cũng nên nhắm trước cho mình những ngành học xét tuyển NV2 dễ dàng để khỏi vuột mất cơ hội. Lý do là theo nhiều chuyên gia tuyển sinh, trong mùa tuyển sinh năm 2008, nếu không đỗ vào ĐH, thí sinh sẽ phải đối mặt khá nhiều rắc rối vì năm sau đã gộp chung hai kỳ thi (thi tốt nghiệp và tuyển sinh) làm một. Không ai có thể biết trước những quy định của Bộ GD&ĐT có bất lợi gì với những sĩ tử lỡ rớt năm nay.

Có thể nói nếu nộp đơn NV2, chỉ cần điểm thi bằng hoặc nhỉnh hơn điểm sàn, cơ hội của thí sinh có rất nhiều. Đầu tiên là các trường ĐH ngoài công lập chỉ tổ chức xét tuyển chứ không thi tuyển như ĐH Hùng Vương, ĐH Văn Hiến… và nên tránh các ngành nóng của mùa tuyển sinh, cũng như tránh các ngành thế mạnh của trường đó.

Như năm 2007, trước sự khan hiếm thí sinh, trường ĐH Hùng Vương đã phải ngưng mở các ngành Toán – Tin ứng dụng, tiếng Pháp và tiếng Trung. Trong khi đó, ngoại trừ một số ngành “hot” được “đẩy” điểm chuẩn lên cao hơn mức điểm sàn, đa số các ngành của trường đều có điểm chuẩn NV1 và NV2 ngang với điểm sàn của Bộ GD&ĐT.

Một điểm thí sinh cần lưu ý khi nộp đơn xét tuyển cho dễ đỗ là chọn các trường ĐH, CĐ vừa mới được thành lập trong năm đó. Kinh nghiệm cho thấy, thường thì các trường này chỉ có thể “vớt” thí sinh của các trường khác.

Thậm chí, các trường này sẽ xin Bộ GD&ĐT giảm điểm sàn để trường có cơ hội tuyển thêm thí sinh vào. Năm 2007, rất nhiều trường ĐH tuyển vượt cả chỉ tiêu cho phép mà ĐH Long An vượt cao nhất. Tuy năm 2008, ĐH Long An bị Bộ GD&ĐT phạt khấu trừ chỉ tiêu.

MỚI - NÓNG