Những nghề “nóng” trong năm 2006

Những nghề “nóng” trong năm 2006
Những nghề được dự báo “nóng” trong năm nay gồm công nghệ - viễn thông, kinh doanh, tài chính - kế toán, hành chính - nhân sự và quảng cáo...
Những nghề “nóng” trong năm 2006 ảnh 1
Người tìm việc tại siêu thị việc làm - Trung tâm DVVL thanh niên. Ảnh: Tuổi Trẻ

Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM (HEPZA) cho biết: nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp thuộc Hepza tăng đột biến.

Trong quí 1/2006, Hepza có 10.000 đầu việc đang chờ người lao động. Trong đó, khu chế xuất Tân Thuận cần tuyển gấp 7.000 lao động phổ thông với hai nghề chính: điện - điện tử và may công nghiệp.

Các khu chế xuất Linh Trung, Tân Tạo, Lê Minh Xuân... đang rao tuyển 3.000 công nhân có tay nghề thuộc ngành may, chế biến gỗ, thực phẩm, xây dựng. Riêng các vị trí quản lý về nhân sự, kinh doanh, tài chính, công nghệ thông tin luôn khan hiếm và không tìm ra người.

Hiện tại các văn phòng dịch vụ việc làm của khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM tuyển dụng hết công suất cũng chỉ đáp ứng 10 - 15% nhu cầu thực tế.

Trong khi đó, ngành nghề công nghệ - viễn thông thu hút lao động tăng trung bình 119% và ngành này luôn đứng tốp đầu trong xu hướng tuyển dụng.

Theo Hiệp hội Phần mềm Việt Nam, mỗi năm có khoảng 20.000 chuyên viên công nghệ thông tin (IT) mới tốt nghiệp cộng thêm khoảng 10.000 người Việt Nam đang hành nghề IT ở nước ngoài có nguyện vọng quay trở về Việt Nam làm việc. Do đó, nguồn cung ứng lao động IT sẽ khả quan hơn.

Các ngành nghề có số lượng tuyển dụng cao còn có: kinh doanh, tài chính - kế toán, hành chính - nhân sự.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, với mức doanh thu ước tính đạt 400 triệu USD năm 2005, dự báo ngành quảng cáo cũng sẽ có tên trong danh sách những ngành “nóng” trong năm 2006.

Theo VietnamWorks.com, khó khăn nhất của thị trường lao động vẫn là mảng nhân sự cấp cao, nguồn cung ứng mới chỉ đáp ứng được 20 - 25%.

Trong thời gian tới, sự khan hiếm ứng viên tài năng cho các vị trí cấp cao càng trở nên khó khăn hơn khi Việt Nam gia nhập WTO. Song hành với đó là sự xâm nhập của những tập đoàn kinh tế mạnh, đa quốc gia đòi hỏi nhân lực mang tính toàn cầu, trình độ lao động tầm khu vực và quốc tế.

Các nhà tuyển dụng từ các công ty nước ngoài cho rằng “thị trường lao động Việt Nam vừa thiếu vừa thừa, thiếu người có năng lực, chuyên môn, thừa người có bằng cấp nhưng không đáp ứng được công việc”.

Theo Nguyễn Bay
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG