Bình Thuận:

Những ngôi trường không thân thiện

Những ngôi trường không thân thiện
TP - Có những mái trường không thân thiện và mỗi ngày đến trường không hề là một niềm vui, không có nguyên nhân từ phía học sinh mà do chính những người thầy tạo nên. Hai câu chuyện ở Tánh Linh (Bình Thuận) dưới đây là những ví dụ.

Cách đây không lâu, dư luận xã Đức Tân (huyện Tánh Linh) xôn xao về chuyện một học sinh trường THCS Đức Tân bị hai thầy giáo đánh chấn thương ngực vì nghĩ đống phân… chó là do em học sinh này phóng uế. 

Phiếu khám bệnh ngày 24/11/2008 của bác sĩ Lê Khắc Sinh cấp cho bệnh nhân Phan Minh Thiên, 13 tuổi, ghi: ”Chấn thương ngực (T) do bị đánh”.

Em Phan Minh Thiên – học sinh lớp 6D trường THCS Đức Tân (Tánh Linh) kể:

“Khoảng năm giờ chiều ngày 24/11, em đang ở ngoài sân thì thầy chủ nhiệm Lê Văn Vinh gọi vô văn phòng. Thầy Vinh tát vào mặt em, nói em phóng uế trong lớp, em không nhận. Thầy Vinh và thầy Hoàng Đức Tuấn liên tục tát, đánh em”.

Theo các em học sinh lớp 6D, bãi phân chó có từ sáng, các em không dọn mà chỉ lấy tờ giấy đặt lên trên. Nhưng vì nhìn không rõ, cho rằng em Thiên đã phóng uế trong lớp học, hai thầy giáo đã xông vào đánh một học trò nhỏ.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đình Lâm, nhà trường đề nghị hình thức kỷ luật cảnh cáo, hạ bậc lương đối với hai thầy giáo hành xử phản sư phạm. Tuy nhiên, hội đồng kỷ luật của huyện sẽ có quyết định cuối cùng.

Bức tâm thư gửi Bộ trưởng

Cuối tháng 8/2008, mười cô giáo trường Tiểu học Lạc Tánh 2 (huyện Tánh Linh-Bình Thuận) gửi bức tâm thư đến Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân.

Trong thư có đoạn: “Chúng tôi không thể yên tâm dạy học khi mà hàng ngày, hàng giờ chúng tôi phải đối mặt với sự bất công, đối mặt với sự lộng quyền của hiệu trưởng…”.

Nỗi lòng hoang mang của các cô giáo trải trên bốn trang giấy A4  sau khi gửi đơn tố cáo nặc danh đến lãnh đạo huyện và ngành giáo dục cấp trên.

Những ngôi trường không thân thiện ảnh 1
Một đoạn bức tâm thư của 10 cô giáo

Tuy là đơn nặc danh nhưng vì có yếu tố tố cáo tham nhũng, lãnh đạo huyện vẫn chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra. Bà hiệu trưởng đã lập tức có thái độ tra hỏi, đe dọa những người nghi ngờ đã làm đơn, đề nghị họ “đính chính” đơn tố cáo.

Bà hiệu trưởng kiêm bí thư chi bộ Phạm Thị Thu Hồng bị tố cáo ăn chặn, xén bớt nhiều khoản tiền chế độ của giáo viên trong nhiều năm:

Tiền phụ trội (dạy tăng giờ); tiền thưởng lao động giỏi hàng năm; tiền bồi dưỡng thanh tra tay nghề.

Bà còn bị tố cáo ăn chặn, bớt xén nhiều chế độ của giáo viên trong mùa hè như tiền phụ cấp tổ trưởng, phụ cấp dạy học sinh dân tộc thiểu số, chế độ cho giáo viên dạy học sinh dân tộc thiểu số nói tiếng Việt…

Thanh tra huyện vào cuộc cũng phát hiện Phó hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh cũng có hành vi khuất tất.

Theo cô Chu Thị Ngọc Thanh, cuối năm học 2006-2007, cô Ngọc Thanh chuyển trường nhưng mãi đến ngày 11/11/2008, khi đoàn Thanh tra vào cuộc, bà phó hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh mới đến tìm cô tại Phan Thiết để trả số tiền 2.740.000 đồng tiền dạy tăng giờ, mà bà phó hiệu trưởng nói là ký tên, nhận giùm.

Được biết, trường hợp giả chữ ký, nhận tiền cũng xảy ra đối với một giáo viên đã chuyển trường khác.

Qua các cuộc đối chất với giáo viên có đại diện đoàn Thanh tra làm trọng tài, bà hiệu trưởng Phạm Thị Thu Hồng và bà hiệu phó Nguyễn Thị Thanh đã thừa nhận hành vi sai trái và xin trả lại các chế độ của giáo viên đã “cầm nhầm” trong thời gian năm năm.

Theo các giáo viên, trong khoảng thời gian này, người thấp nhất cũng được trả lại khoảng bốn triệu đồng, người cao nhất được trả hơn mười triệu đồng. Trường Lạc Tánh 2 có 25 giáo viên, nhân viên. Một cô giáo đứng đơn tố cáo tâm sự:  “Mỗi ngày lên lớp là một nỗi ám ảnh vì bà hiệu trưởng hách dịch, cửa quyền…”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh - ông Nguyễn Đình Lâm cho biết, dự kiến ngày 16/1/2009 đoàn Thanh tra sẽ có kết luận chính thức về nội dung đơn tố cáo của các giáo viên.

MỚI - NÓNG