Những người giữ nếp nhà xưa

Những người giữ nếp nhà xưa
TP - GS Đặng Thai Mai, GS Vũ Đình Hòe đều là những nhà giáo nổi tiếng bởi sự uyên bác, tư tưởng cách tân và đức độ. Sau Cách mạng tháng Tám, 2 ông đều từng giữ cương vị Bộ trưởng Giáo dục. Con cái của 2 vị có nhiều người theo đuổi nghiệp nhà.
Những người giữ nếp nhà xưa ảnh 1
GS Vũ Đình Hòe - Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên và bà Nguyễn Thị Bình - Bộ trưởng Giáo dục những năm 80 thế kỷ trước.

Trước hiện tượng lợi dụng ngày 20/11 để biếu tiền, tặng quà trên mức tình cảm, Tiền phong đã có cuộc trò chuyện với  bà Đặng Bích Hà (trưởng nữ của cụ Đặng Thai Mai) và nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi (trưởng nam của cụ Vũ Đình Hòe).

Bà Đặng Bích Hà: Lương tâm người thầy phải được thức tỉnh

Để được học trò yêu kính và xã hội tôn vinh, trước hết tự người thầy phải xứng đáng đại diện cho một nghề cao quý. Ngoài kiến thức, người thầy cần có đức, có tâm. Vì sao ba tôi lại được đông đảo học trò đủ mọi thế hệ yêu quý đến vậy?

Không hẳn vì cụ là người dạy văn hay nổi tiếng mà chính bởi cái đức của cụ. Nhà tôi lúc nào cũng nườm nượp học trò đến chơi. Khi thì đến hỏi ý kiến thầy một vấn đề mà họ cần giải quyết trong cuộc sống, khi thì xin thầy giảng thêm về một áng văn...

Đừng nghĩ rằng họ đến nhà tôi là sẽ mang theo quà cáp. Thậm chí, ba tôi còn nuôi cả học trò nghèo trong nhà. Chính mẹ tôi là người hàng ngày nấu cơm cho học trò của ba tôi ăn.

Tôi cũng nghe nói nhiều về xu hướng thương mại hóa trong quan hệ phụ huynh - thầy giáo, học sinh - thầy giáo hiện nay. Những người làm thầy mà lại mong ngóng quà cáp để rồi phân biệt đối xử với HS thì thật đáng xấu hổ.

Những người giữ nếp nhà xưa ảnh 2
GS Đặng Thai Mai

Nhưng tôi trách là trách những người làm cha làm mẹ tưởng rằng có thể “mua” được sự chiếu cố, sự chăm sóc, sự tích cực của thầy cô đối với con mình (tôi chưa nói đến gian lận thi cử, đánh giá thiên lệch...). Điều đó là sai trái, nhưng cấm bằng biện pháp hành chính thì không được. 

Vì thế, phải thức tỉnh lương tâm người thầy. Xã hội bày tỏ sự không đồng tình với những biểu hiện có tính chất vụ lợi trong quan hệ thầy trò thì tự khắc những người trong cuộc cũng sẽ điều chỉnh bản thân.

Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi: Tôi được không phải là cái túi bộn tiền

Trong gia tộc, đến đời tôi là đời thứ 8 làm nghề giáo. Cha tôi là tấm gương ngời sáng cho tôi giữ cốt cách và chuyên môn của người thầy. Có một thời, tiếng Nga giúp nhiều người làm giàu.

Thời ấy, tôi là người luyện thi tiếng Nga nổi tiếng, nhưng tôi không giàu. Vì sao? Vì tôi không chấp nhận dạy những cái lớp đông đến cả trăm HS. Lớp của tôi chỉ 15 – 20 em, cái đích mà tôi hướng tới là kết quả học tập của HS.

Vì thế, điều tôi được không phải là cái túi bộn tiền sau mỗi khóa luyện thi mà sự yêu quý, biết ơn và kính trọng của học trò. Các em đi học ở nước ngoài nhưng vẫn thường viết thư về cho tôi, hỏi thăm thầy có thiếu cái này cái kia không để chúng em giúp. Dù họ đã phương trưởng, nhưng thỉnh thoảng vẫn ghé thăm tôi. Có những người vì điều kiện không đến chơi được, nhưng khi nhà tôi có chuyện họ vẫn cố gắng đến để chia sẻ, điều đó làm tôi rất cảm động.

Con trai tôi mất, có người đến thắp hương về để lại trên bàn thờ 100 USD, nhưng có người cũng chỉ đơn giản là thắp một nén nhang... Với tôi, họ đáng quý như nhau bởi tấm lòng ân nghĩa với thầy xưa.

Nhưng để giữ cốt cách là điều không dễ khi người thầy không nuôi sống bản thân và gia đình bằng lao động chân chính. Hoàn cảnh khiến cho một số người thầy dễ phân tâm, hướng suy nghĩ vào sự mong đợi quà cáp, bổng lộc.

Trong khi đó, có những người thầy chưa đủ tư cách để cho người ta tôn trọng, nhưng mối quan hệ lại là quan hệ phụ thuộc nên người ta phải đi bằng con đường “trao đổi”: quà cáp, phong bì.

Mặt khác, “văn hóa phong bì” tồn tại trong xã hội chúng ta khiến cho nhiều người tuy không ham hố gì nhưng ngại từ chối vì sợ bị cho là lập dị. Tôi không cho rằng tất cả những thầy nhận phong bì đều xấu. Bên trao cứ một mực trao, bên chối cứ chối, đưa đi đẩy lại, ích gì? Vấn đề là tạo nên một cơ chế, một hệ thống thế nào đó để trong quá trình điều hành, thói quen này được điều chỉnh dần.

Mặt khác, cần phải có sự đánh giá sòng phẳng về cống hiến của các nhà giáo. Nhà giáo phải được trả lương xứng đáng với chất lượng lao động của mình. Tiền để trả lương, Nhà nước chi được đến đâu thì chi, còn lại là do người dân có con đi học đóng góp. Có như thế, phụ huynh sẽ có ý thức đòi hỏi về trách nhiệm dạy tốt của người thầy, đồng thời họ không phải tìm cách đài thọ cho thầy cô (nhân tiện, nhờ thầy cô quan tâm hơn tới cháu).  

Quý Hiên (ghi)

MỚI - NÓNG