Những nhà giáo tâm huyết, sáng tạo

Những nhà giáo tâm huyết, sáng tạo
TP - Vừa qua, hơn 100 giáo viên, cán bộ quản lý của ngành giáo dục Hà Nội được đề xuất tham gia xét giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”. Họ là những thầy cô nhiệt tình, tâm huyết với nghề dạy học, có đóng góp xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo dạy và học” năm học 2016 - 2017.
Những nhà giáo tâm huyết, sáng tạo ảnh 1

Cô Lê Thị Mỹ Dung.

Cô Lê Thị Mỹ Dung: Không thể bỏ được nghề!

Tại trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội, từ lâu, cô Lê Thị Mỹ Dung, giáo viên dạy Sử đã là Idol (thần tượng) của các thế hệ học sinh. Dạy môn phụ, lại là môn học “khô, khó, dài, khổ” nhưng bằng phương pháp dạy học sáng tạo của mình, cô luôn cuốn hút được học sinh về phía mình. Học sinh không những không ghét, sợ môn Lịch sử mà ngược lại, còn yêu môn học này. Tâm sự về nghề, cô Dung cho biết, cô vẫn nhớ những ngày đầu mới chuyển từ miền núi về dạy học tại Thủ đô.  “Không phải dạy ở một trường nào khác mà dạy tại trường THPT Phan Đình Phùng, một trong số những trường nổi tiếng của Hà Nội, khác từ điều kiện cơ sở vật chất đến đối tượng học sinh. Chính vì vậy, tôi phải tự học hỏi rất nhiều” - cô Dung tâm sự.

Những ngày đầu mới về trường thực sự rất khó khăn với cô Dung. Cô đã từng xin nghỉ dạy để ở nhà làm công việc khác. Nhưng nhớ nghề, nhớ lũ học trò, cô đã quay lại với nghề giáo. Khi một thành viên hội đồng hỏi nếu cho cô điểm tuyệt đối về tâm huyết với nghề, cô nghĩ mình có xứng đáng không. Không ngần ngại, cô Dung khẳng định mình hoàn toàn xứng đáng. Cô luôn quan tâm tới từng học sinh để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các em. Đồng thời cải tiến, sáng tạo trong dạy học, tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp với các lớp, các đối tượng học sinh. Tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, sử dụng công nghệ thông tin vào bài giảng, nghiên cứu khoa học; xử lý các tình huống sư phạm.

Cô còn tham mưu với BGH nhà trường xây dựng chương trình vừa học, vừa tham gia hoạt động ngoại khóa bổ ích nhằm phát huy tiềm năng của học sinh. Năm học 2016-2017 cô đã đoạt giải Nhất thi giáo viên giỏi cấp Thành phố môn Lịch sử.

Những nhà giáo tâm huyết, sáng tạo ảnh 2 Cô Nguyễn Thị Chín.

Cô Nguyễn Thị Chín: Vượt qua “thân phận” môn phụ

28 năm gắn bó với nghề giáo, đôi khi, cô Nguyễn Thị Chín, giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, trường THPT Trần Hưng Đạo, Hà Đông, Hà Nội không khỏi ngậm ngùi với “thân phận môn phụ”. “Thân phận” ấy không chỉ xuất phát từ học sinh phụ huynh mà đôi khi còn xuất phát từ chính đồng nghiệp trong trường. Có lần cô đã bật khóc tại trường vì sự coi thường của đồng nghiệp. Nhưng không vì thế mà cô từ bỏ nghề giáo, xa rời học sinh. Ngoài giảng dạy chuyên môn, cô luôn là người mẹ, người chị thứ hai đối với các học sinh. Cô Chín cho biết, có em học sinh lớp 10 vào trường là học sinh cá biệt, nhưng đến lớp 12 là một học sinh giỏi toàn diện. Cô học sinh đó giờ là đồng nghiệp với cô Chín tại trường. Nắm bắt được thực tế đang diễn ra với tuổi học sinh  cấp THPT, cô Chín đã xin thành lập phòng tư vấn. Rồi từ một người không thông thạo về máy tính, cô đã học hỏi từ con trai và tự học. Vừa qua, cô đã mạnh dạn đăng ký cuộc thi E - Learning và đoạt giải nhì. Hiện cô đang cùng với học sinh thực hiện đề tài về “sự vô cảm học đường - thực trạng và giải pháp”. “Khi cho học sinh tham gia vào đề tài này, các em có thời gian trải nghiệm thực tế. Các em phỏng vấn phụ huynh, phỏng vấn chính các bạn học của mình để rút ra được kinh nghiệm, được bài học cho bản thân” – cô Chín cho hay.

Trong giảng dạy, cô luôn đổi mới phương pháp, mạnh dạn vận dụng giáo án tích hợp để bài giảng đạt hiệu quả cao. Cô đã có 3 sáng kiến kinh nghiệm cấp ngành, đạt danh hiệu “Cô giáo người mẹ hiền” 5 năm (2008-2013). Năm học 2014-2015 cô đạt giải Nhất Thành phố cuộc thi thiết kế giáo án tích hợp nội dung phòng chống tham nhũng. Năm học 2016-2017 cô đoạt giải Nhì cuộc thi Dạy học theo chủ đề tích hợp cấp thành phố, giải Nhất hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố.

Những nhà giáo tâm huyết, sáng tạo ảnh 3

Thầy Trần Xuân Hiệp.

Thầy Trần Xuân Hiệp: Say mê sáng tạo đồ dùng dạy học

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Tiến Thịnh, Mê Linh, Hà Nội, khi còn ngồi trên ghế trường phổ thông thầy Hiệp từng có ước mơ trở thành sinh viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Nhưng do hoàn cảnh không cho phép, thầy Hiệp theo học sư phạm. Rất may sau khi ra trường, trở về quê hương, thầy được gắn bó với trường THPT Tiến Thịnh.  Trong quá trình công tác, thầy Hiệp cũng như các giáo viên của trường luôn giúp đỡ học sinh vượt khó. Các thầy cô trong trường đã thành lập CLB Khoa học tự nhiên, chia sẻ kinh nghiệm học tập với học sinh, bồi dưỡng không thu tiền và đặc biệt tối thứ 6 hàng tuần các thầy cô thường hỗ trợ trực tuyến giảng bài cho các em. 

Với cá nhân mình, thầy Hiệp còn nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như em Nguyễn Thị Lụa (hiện Lụa là sinh viên của ĐH Kinh tế quốc dân). Không chỉ luôn đau đáu trong lòng làm thế nào học trò được đến trường, thầy Hiệp còn là người rất say mê sáng tạo trong quá trình giảng dạy. Trong những năm học vừa qua thầy Hiệp có nhiều sáng kiến, chuyên đề góp phần đổi mới và nâng cao hiệu quả dạy và học của nhà trường. Trong đó phải kể đến đồ dùng dạy học tự làm  là “Thiết bị chiếu phiếu học tập”. Thiết bị này đã đạt giải nhất tại hội thi Thiết bị đồ dùng dạy học tự làm ngành GD&ĐT. Với lợi thế gọn nhẹ, giá thành lại rất hợp lý (350.000 đồng đến 500.000 đồng) nên thiết bị của thầy Hiệp đã được một số trường THPT sử dụng. Trong suốt nhiều năm qua thầy Hiệp luôn đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường trong các kỳ thi giáo viên giỏi hàng năm được nhà trường tổ chức. Thầy cũng đã được Thành Đoàn Hà Nội, Trung ương Đoàn tặng bằng khen vì những thành tích đã đạt được.

MỚI - NÓNG