Những phát ngôn 'đình đám' về giáo dục năm 2017

Những phát ngôn 'đình đám' về giáo dục năm 2017
TPO - Cùng nhìn lại những phát ngôn của các nhân vật giáo dục được công chúng quan tâm trong năm 2017.

Sẽ thí điểm bỏ biên chế giáo viên

Ngày 16/5/2017, khi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tiếp xúc với cử tri tỉnh Bình Định đã nói về việc “sẽ thí điểm bỏ biên chế giáo viên ”.

Bởi theo Bộ trưởng Nhạ, phần nhiều giáo viên có tâm lý vào biên chế cho ổn định nên rất khó khăn trong việc nâng cao chất lượng, đáp ứng được chương trình mới. Vì vậy Bộ mới đặt vấn đề chuyển dần từ công chức viên chức sang hợp đồng.

Mặc dù chỉ là ý kiến chủ quan của người đứng đầu ngành giáo dục và ý định đó chưa hình thành đề án chi tiết, cụ thể nhưng đã khiến hàng triệu giáo viên lo lắng, dư luận dậy sóng.

Sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình phải đính chính, giải thích vấn đề này là “Việc bỏ biên chế mới chỉ là đề xuất của bộ GD&ĐT”.

Những phát ngôn 'đình đám' về giáo dục năm 2017 ảnh 1 GS.TS Phạm Tất Dong
Bộ GD&ĐT không phải đề xuất tốn kém đến hàng chục nghìn tỷ đồng cho chương trình biên soạn GSK mới

Câu chuyện bỏ biên chế ngành giáo dục kéo theo hàng loạt vấn đề, trong đó có tăng lương cho giáo viên. Tuy nhiên, chúng ta lấy nguồn tiền ở đâu để tăng lương cho giáo viên? 

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, vấn đề quan tâm ở đây là chúng ta lấy tiền đâu để tăng lương cho giáo viên? Theo ông Dong, nếu bớt đi một trong số những dự án đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng hoạt động không hiệu quả thì chúng ta sẽ có được số tiền dành để tăng lương cho giáo viên.

Nói là Nhà nước đã đầu tư 20% ngân sách cho giáo dục là sự nỗ lực lớn rồi, còn phải dành tiền đầu tư vào những lĩnh vực khác nhưng nếu ngân sách đầu tư vào những dự án hoạt động không hiệu quả thì lại là sự lãng phí. Nhiều địa phương đua nhau làm sân golf, sân bay, tượng đài nhưng có mấy dự án hiệu quả.

Nếu chúng ta không thể lấy được tiền từ các lĩnh vực khác để trả lương cho giáo viên thì ngay trong ngành Giáo dục cũng phải tính toán số tiền chi tiêu. Ví dụ như Bộ GD&ĐT không phải đề xuất tốn kém đến hàng chục nghìn tỷ đồng cho chương trình biên soạn sách giáo khoa mới mà hãy đề xuất một phần số tiền đó để trả lương cho giáo viên.

Những phát ngôn 'đình đám' về giáo dục năm 2017 ảnh 2
Ngành sư phạm phải học hỏi theo ngành An ninh quân đội

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 được Bộ GD&ĐT tổ chức, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng ngành sư phạm cũng sẽ phải học hỏi theo ngành an ninh, quân đội, là đào tạo có địa chỉ, đảm bảo đầu ra. Từ đó, sẽ tác động ngược lại đầu vào, nâng điểm chuẩn sư phạm lên cao hơn.

“Nhưng có nhiều chính sách lại không thuộc phạm vi của Bộ GD&ĐT, chúng tôi phải làm việc với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính để tham mưu với Chính phủ,” ông Nhạ phân trần.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng liệu chính Bộ trưởng có tự mâu thuẫn khi đầu năm 2017, ngay trước mùa tuyển sinh, vị tư lệnh ngành giáo dục đã bày tỏ quan điểm bỏ công chức, viên chức với giáo viên, chuyển sang chế độ hợp đồng. Và chính điều này đã khiến không ít thí sinh, phụ huynh hoang mang.

Những phát ngôn 'đình đám' về giáo dục năm 2017 ảnh 3 Cố PGS Văn Như Cương
Sư phạm lấy 9 điểm, đổi mới giáo dục lâm nguy

“Không nên tuyển ngành sư phạm bằng mọi giá để đủ chỉ tiêu, đủ kinh phí trả giảng viên. Không nên thế chút nào. Cả một thế hệ chỉ 9-10 điểm đào tạo 3 năm ra dạy học thế nào, lấy đâu ra người giỏi nữa. Thầy kém thì trò kém, trò kém vào trường đại học thì lại càng kém”- Cố PGS Văn Như Cương đưa ra nhận định.

Theo cố PGS Cương, chúng ta đang tiến hành đổi mới cơ bản và toàn diện, chúng ta thay đổi chất lượng giáo dục. Ai là người làm việc ấy, ngoài những chủ trương đề, ngoài việc thay đổi sách giáo khoa thì giáo viên là những người xung kích đi đầu.

Với một lực lượng giáo viên đầu vào chỉ có 9-10 điểm thì 3 năm nữa thì  sao cáng đáng công việc đổi mới giáo dục được? Đổi mới giáo dục lâm nguy nếu chúng ta có đội ngũ xung kích chất lượng không có. Điều này được báo trước”- Cố PGS Cương nhận định.

Những phát ngôn 'đình đám' về giáo dục năm 2017 ảnh 4 TS Lê Trường Tùng
Mong thí sinh đạt 12,75 điểm không làm giáo viên

Trước việc ĐH Thái nguyên, ĐH Huế chấp nhận lấy điểm sàn, TS Trần Nam Dũng nói:  "Tôi rất đồng cảm với câu cảm thán 'mong thí sinh đạt 12,75 điểm không làm giáo viên". Tuy câu nói hơi sốc và gây tổn thương nhưng thực tế là nên như vậy".

Năm 2017, điểm thi THPT quốc gia cao dẫn tới điểm chuẩn nhiều ngành tăng kỷ lục. Bức tranh tuyển sinh 2017 bộc lộ rõ 2 cực tương phản: Một cực là điểm chuẩn cao ngất ngưỡng cho các trường công an, quân đội, y dược và một cực là điểm chuẩn đặt ở mức không thể thấp hơn cho một số trường đào tạo sư phạm. Nhiều trường sư phạm chỉ lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn (15,5). Không ít trường cao đẳng ở địa phương có mức điểm chuẩn cho tổ hợp 3 môn chỉ "loanh quanh" 9, 10.

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Đại học FPT cũng phải thốt lên: “Tôi cầu mong các sinh viên sư phạm những năm qua với đầu vào là điểm sàn 15,5 - hoặc điểm quy chuẩn 12,75 - sau này không làm việc trong ngành sư phạm mà chọn việc khác, nếu không thì chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.

Những phát ngôn 'đình đám' về giáo dục năm 2017 ảnh 5 PGS.TS Đỗ Văn Dũng
Cần bỏ ngay chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm

Việc miễn học phí cho sinh viên sư phạm là bất công với những sinh viên khác, do đó, cần bỏ chính sách này ngay lập tức”, đó là ý kiến của PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.

Theo ông Dũng, hiện nay, việc cấp bù kinh phí quá ít khiến các trường đào tạo sư phạm rất khó khăn, không đủ nguồn lực để đào tạo “ra ngô, ra khoai”. “Không những thế, chính sách này còn tạo bất công ngay trong trường học khi trường phải lấy học phí của những sinh viên không học sư phạm để "nuôi" những sinh viên theo học sư phạm, trong khi đó, có khoảng 90% sinh viên khối sư phạm tốt nghiệp giỏi giang đều đi làm công ty, xí nghiệp.”, ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, thu nhập bình quân đầu người của người dân Việt Nam đã khá hơn. Với các gia đình ở nông thôn, vấn đề họ lo lắng là việc làm sau khi ra trường chứ không phải học phí.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đề xuất bỏ ngay chính sách miễn giảm học phí ngành sư phạm.

MỚI - NÓNG