Những thủ khoa nghị lực tuổi Mùi

Người bắt đầu bằng điểm số 0 khi là học viên cử tuyển, người phải nghỉ học một năm kiếm tiền để tiếp tục ước mơ đi học, những chàng trai sinh năm 1991 vẫn trở thành thủ khoa xuất sắc các trường quân đội.
Những thủ khoa nghị lực tuổi Mùi ảnh 1

Kiều Cao Mạnh (giữa) là học viên người dân tộc cử tuyển đầu tiên đạt thủ khoa xuất sắc của Học viện Phòng không Không quân. Ảnh: NVCC.

Tết năm nay có nhiều ý nghĩa với Kiều Cao Mạnh, chàng thủ khoa xuất sắc Học viện Phòng không Không quân sinh năm Tân Mùi (1991) khi trở thành sĩ quan quản lý học viên trong trường. Bước vào đại học với xuất phát điểm là con số 0 (không có điểm thi đầu vào), tốt nghiệp thủ khoa với 8,07 điểm, Mạnh trở thành người dân tộc cử tuyển đầu tiên của Học viện đạt thủ khoa xuất sắc.

Bố là bộ đội biên phòng, ông ngoại là chiến sĩ Điện Biên nên từ nhỏ Mạnh đã mong ước được khoác trên mình bộ quân phục. Học xong lớp 10, cậu làm hồ sơ và trúng tuyển vào trường Thiếu sinh quân Việt Bắc. Tốt nghiệp, chàng trai dân tộc Tày nằm trong danh sách sinh viên cử tuyển vào Học viện Phòng không Không quân. 

Lớp Mạnh có tất cả 13 học viên người dân tộc theo chế độ cử tuyển. "So với các bạn thi vào, mặt bằng chung của học viên cử tuyển bọn em được đánh giá thấp hơn, lại bị người ngoài nhìn vào là học yếu, hay nghịch ngợm. Ban đầu điều này khiến em rất tự ti, nhưng cũng là động lực để phấn đấu, thay đổi cái nhìn của mọi người", Mạnh chia sẻ.

Ngày tốt nghiệp cầm tấm bằng đỏ, Mạnh không ngăn nổi giọt nước mắt tự hào. Cậu viết thư tâm sự với mẹ: "Con nhớ mãi lời mẹ, ấy là con người ta học cả đời, không chỉ ngày một ngày hai là đạt được như ý muốn mà đó là cả quá trình phấn đấu lâu dài và gian khổ. Con luôn khắc ghi, kết quả học tập, rèn luyện của con ngày hôm nay đều thấm đẫm giọt mồ hôi, nỗi khắc khoải lo lắng, lời yêu thương chân thành của cha mẹ, đồng đội". 

Ở lại Học viện Phòng không Không quân công tác, trung úy trẻ có nhiều thuận lợi vì đã 4 năm học viên nên quen với môi trường làm việc. Công việc đối với Mạnh suôn sẻ nhưng cũng áp lực, bởi "là thủ khoa xuất sắc mà làm việc không tốt thì mọi người sẽ đánh giá nên phải nỗ lực nhiều hơn".

Những thủ khoa nghị lực tuổi Mùi ảnh 2

Vào Long An công tác được nửa năm, Nguyễn Trọng Long cảm thấy yêu quý con người nơi đây bởi sự chân chất. Ảnh: NVCC.

Sinh ra ở miền quê nghèo Tĩnh Gia (Thanh Hóa), đi học xa nhà hơn 30 km, Nguyễn Trọng Long phải trọ học từ năm lớp 10. Hồi đó, Long cùng bạn học hay ghé đồn biên phòng đóng ở gần biển chơi. Thường thấy những người lính mang quân hàm xanh tuần tra trên biển, giúp dân thu hoạch mùa vụ, có lúc là vật lộn trong mưa bão để cứu hộ thiên tai, nam sinh lớp 10 rất cảm kích và đã nói với các bạn rằng: "Sau này, mình sẽ quyết tâm thi vào Học viên Biên phòng, cố gắng để về đồn này công tác".

Năm đầu thi trượt, Long vào trường dân sự học, nhưng nuôi ước mơ trở thành người lính nên quyết tâm thi lại. Đỗ rồi, cậu lại tự nhủ mình xuất thân từ quê nghèo, phải luôn vươn lên để thực hiện ước mơ của bố và có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tốt nghiệp xuất sắc với quân hàm trung úy, Long được điều động về công tác tại Đồn biên phòng Long Khốt, thuộc Bộ đội biên phòng tỉnh Long An. "Không làm việc ở đồn biên phòng gần bờ biển như ước nguyện năm xưa, nhưng em cũng đã trở thành một người lính. Nơi em đóng quân giờ cách xa gia đình, quê hương cả nghìn cây số. Được công tác ở đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân càng khiến em có động lực phấn đấu hơn", Long chia sẻ.

Chọn vào quân đội bởi hoàn cảnh khó khăn và mong muốn học thay cả phần của anh chị, Nguyễn Văn Trình (quê Thái Bình) trở thành thủ khoa xuất sắc của Học viện Hậu cần. Nhà Trình có 5 anh chị em nhưng lần lượt phải nghỉ học, đi làm để phụ giúp cha mẹ. Bản thân Trình cũng phải nghỉ một năm, xuống vùng biển Quảng Ninh để cào giun, vọp, kiếm tiền để tiếp tục đi học.

Cậu chọn thi vào quân đội bởi học trường ngoài không kham nổi học phí, sợ sẽ phải nghỉ học lần nữa. "Hoàn cảnh khó khăn có thể khiến con người ta nhụt chí, nhưng cũng là động lực để vươn lên", Trình nói.

Đồng đội ấn tượng về Trình bởi vẻ ngoài đen, gầy và khi tiếp xúc lại thấy một nghị lực mạnh mẽ, luôn tìm cách vươn lên nghịch cảnh. 4 năm học trong trường, Trình luôn giữ được thành tích giỏi như hồi cấp 3. Tốt nghiệp, cậu được giữ lại trường làm cán bộ quản lý học viên.

Những thủ khoa nghị lực tuổi Mùi ảnh 3

Thủ khoa Học viện Hậu cần Nguyễn Văn Trình. Ảnh: Hoàng Phương.

Nhận công tác về nhiều miền đất nước, đây là cái Tết đầu tiên các thủ khoa đón Tết xa nhà trên cương vị là sĩ quan trẻ. Mạnh và Long đều phải ở lại trực đón năm mới cùng đồng đội, còn Trình thì được về đón giao thừa cùng bố mẹ rồi lại lên đơn vị trực với anh em.

Với Mạnh, kỷ niệm trực Tết nhớ nhất là khi còn học năm thứ 3. Hôm đó, trời lạnh buốt, học viên phải trực ngoài trận địa mưa phùn, gió rét nhưng vẫn duy trì rất nghiêm túc. Đến trưa, giám đốc học viện đi kiểm tra, động viên những người lính trẻ làm nhiệm vụ vàà còn lì xì cho mỗi người hẳn 200.000 đồng.

Khi đó, cậu chỉ phải canh trực và được tham gia các hoạt động đón xuân. Giờ làm cán bộ kiêm phó bí thư chi đoàn, Mạnh phải lên kế hoạch đón Tết ở đơn vị sao cho học viên được vui nhất. Biết đứa cháu trai không được ăn Tết ở nhà, bà nội cứ nhắc mãi "Thằng Mạnh nó không về đón giao thừa làm bà cứ thấy thiếu thiếu" làm sĩ quan trẻ cứ rưng rưng nước mắt.

Vào Long An mới được nửa năm, nhưng Long cảm nhận được con người nơi đây sống rất chân chất, thật thà. Cậu xác định rõ bộ đội biên phòng không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới mà còn là người thầy giáo, thầy thuốc, người thân của nhân dân. Long kể, mỗi lần cùng chỉ huy xuống địa bàn làm việc được người dân rất quý mến và coi như người thân của mình.

"Ngày giáp Tết, các bà, các má vào thăm đơn vị còn mang con gà, cân rau đến tặng các chiến sĩ cùng ăn Tết cho vui. Đây cũng là lần đầu tiên em được gói bánh chưng cùng người dân", Long cho biết.

Năm nay, mấy anh em Long đều ăn Tết ở xa, chỉ còn mình mẹ ở nhà. Là con trai út, sống tình cảm nên cậu luôn lo lắng không biết cuối năm mẹ sắm Tết thế nào. Trái lại, mẹ Long còn gọi điện động viên để con trai yên tâm công tác. Cậu dự định để dành ngày nghỉ phép đến tháng 6 năm sau mới về để có nhiều thời gian bên mẹ hơn.

Những tháng lương dành dụm được đầu tiên, Trình sẽ mang về cho bố mẹ sắm Tết, sửa sang nhà cửa. Giờ Trình đã là đại đội phó, phải làm công tác tư tưởng, động viên các học viên mới lần đầu ăn Tết xa nhà. Cậu bảo, năm nay mình may mắn hơn đồng đội khi được đón giao thừa bên người thân. Trình mong muốn gửi lời chúc mạnh giỏi nhất đến đồng đội mùa xuân này đang giữ đất biên cương và các chiến sĩ đang đứng gác ngoài đảo xa.

Theo Hoàng Phương

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG