“Nói không với tiêu cực trong thi cử” bắt đầu từ đâu?

“Nói không với tiêu cực trong thi cử” bắt đầu từ đâu?
Tân Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Thiện Nhân đã vận động phong trào “Nói không với tiêu cực trong thi cử”, hy vọng chấn chỉnh kỷ cương học đường và lấy lại lòng tin trong nhân dân.
“Nói không với tiêu cực trong thi cử” bắt đầu từ đâu? ảnh 1

Kiểm tra phiếu báo danh của thí sinh trước giờ thi tại Hội đồng thi Trường CĐ Sư phạm TP Hồ Chí Minh.

Trước hết, cần thấy rõ thực trạng và nguyên nhân tiêu cực để “bốc cho đúng thuốc”. Trong các năm trước đây, tiêu cực đã xảy ra rất trầm trọng, lợi dụng bộ đề thi in sẵn, nạn quay cóp tràn lan, “phao thi rải trắng sân trường”.

Có thể nêu vài con số minh chứng như sau: Trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 1997 đã có 10.984 thí sinh bị xử lý kỷ luật trong đó có 7.233 em bị đình chỉ thi vì sử dụng tài liệu quay cóp. Tình hình tương tự kéo dài cho đến năm 2001: 10.810 thí sinh bị xử lý kỷ luật trong đó có 7.918 em bị đình chỉ thi.

Nhưng đến năm 2002, năm đầu tiên thực hiện cải tiến tuyển sinh theo ba chung, số thí sinh bị kỷ luật chỉ còn 6.445 và giảm dần qua mỗi năm, đến năm 2006 còn chưa đầy 1.600. Điều đó chứng tỏ tiêu cực trong thi tuyển sinh ĐH, CĐ tuy tinh vi hơn nhờ lợi dụng tiến bộ của công nghệ thông tin, nhưng ngày càng giảm. Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ được dư luận đánh giá là nghiêm túc.

Ngược lại, trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT, tiêu cực đã trở thành căn bệnh trầm kha, thỉnh thoảng bùng phát lên và mãi đến năm 2006, nhờ sự dũng cảm tố cáo của thầy giáo Khoa, nó mới được đưa ra ánh sáng.

Xin nêu một số thí dụ điển hình: Năm 1998, Bộ GD-ĐT thí điểm tuyển thẳng vào ĐH, CĐ dựa trên kết quả tốt nghiệp THPT của học sinh bốn tỉnh: Yên Bái, Hòa Bình, Ninh Thuận, An Giang và trường phổ thông vùng cao Việt Bắc. Qua kiểm tra đều thấy có hiện tượng tăng điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp của nhiều học sinh lên hơn hai lần. Thí điểm buộc phải dừng.

Năm 2000, Bộ GD-ĐT tiến hành thẩm định kết quả chấm thi tốt nghiệp tại năm tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tiền Giang, Bến Tre, đã phát hiện nhiều trường hợp sửa chữa học bạ, viết thêm vào bài thi để nâng điểm tốt nghiệp ở ba tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên. Do đó 30 học sinh bị tước danh hiệu tốt nghiệp loại giỏi, không được tuyển thẳng và hàng chục giáo viên bị kỷ luật.

Năm 2002, năm đầu tiên thực hiện thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo đề thi chung với độ khó trung bình, dư luận một phen giật mình vì thấy kết quả thi tuyển sinh ĐH, CĐ khác xa với kết quả thi tốt nghiệp THPT: một đằng chỉ có khoảng 13,3% thí sinh đạt điểm trung bình trở lên, một đằng 80%-90% đạt điểm tốt nghiệp. Rõ ràng kết quả thi tốt nghiệp THPT không phản ánh đúng thực chất học lực của học sinh.

Cũng do tiêu cực trong thi tốt nghiệp THPT không kiểm soát được nên từ năm 2001 đã bỏ việc tuyển thẳng vào ĐH, CĐ những học sinh tốt nghiệp loại giỏi, họ chỉ còn được cộng điểm thưởng vào kết quả thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ và đến năm 2006 phải bỏ luôn cả việc cộng điểm thưởng này.

Tưởng rằng bỏ chế độ tuyển thẳng và cộng điểm thưởng đối với học sinh tốt nghiệp THPT loại giỏi sẽ triệt tiêu động lực tiêu cực, nhưng thực tế ngược lại, tiêu cực đã trở thành công nghệ có tổ chức diễn ra trong nhiều năm, điển hình là những sự kiện ở Hà Tây năm 2006.

Có rất nhiều thí dụ cụ thể khác mà nhiều người có lương tâm sẽ tiếp tục nêu ra, nhưng trong khuôn khổ bài báo này chúng tôi muốn đề cập đến những nguyên nhân đã dẫn đến tiêu cực.

Trước hết là ở sự quá tải như nhiều người nói “đại học hóa phổ thông” và sự khô cứng của chương trình, sách giáo khoa phổ thông, cùng với cách dạy và học theo kiểu áp đặt, nhồi nhét làm thui chột khả năng sáng tạo đa dạng và sự say mê của học sinh. Một khi học sinh không thể học thuộc lòng được mớ kiến thức khô khan thì sẽ chọn biện pháp quay cóp và nhờ sự hỗ trợ của giám thị và gia đình.

Tiếp đến là áp lực điểm số và thi cử tạo ra bởi phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập bằng điểm số đã biến quá trình học ở phổ thông trở thành chuỗi ngày nhọc nhằn nhằm đối phó với thi cử chứ không phải là những ngày hội vui vẻ, bổ ích của tuổi trẻ: học để hiểu biết, để thực hành, để làm người.

Một nguyên nhân nữa là căn bệnh thành tích. Bệnh này xuất phát từ chỉ tiêu thi đua của giáo viên, tỷ lệ lên lớp để thực hiện kế hoạch phổ cập, tỷ lệ học sinh giỏi để đánh giá thành tích của giáo viên, của trường và của địa phương… Mục tiêu phấn đấu là cần nhưng biến nó thành tiêu chuẩn đánh giá cá nhân và tập thể, giống như việc lấy bằng cấp làm chuẩn để đề bạt cán bộ, tất sẽ dẫn đến tiêu cực.

Nhân nói đến chỉ tiêu thi đua cũng nên nói đến sự ràng buộc của chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ vốn là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tiêu cực. Cách đây chục năm, chỉ tiêu tuyển sinh được coi là pháp lệnh, nay quan niệm đã nhẹ nhàng hơn nhưng việc mở rộng quy mô - tăng chỉ tiêu tuyển sinh phải đi đôi với nâng cao chất lượng. Giao cho các trường tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở các tiêu chí bảo đảm chất lượng là cách làm đúng. Chỉ nói đến bỏ quy định chỉ tiêu mà quên nói đến chất lượng là sai.

Một điều nữa dư luận đòi hỏi là phải cải cách thi cử theo hướng “gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực”, giảm bớt các kỳ thi, đặc biệt phải đổi mới cách ra đề thi, đòi hỏi thí sinh phải phân tích, tổng hợp hoặc trình bày quan điểm riêng của mình về một vấn đề nào đó, hạn chế tối đa các câu hỏi bắt thí sinh phải học thuộc lòng.

Tóm lại, để cuộc vận động “nói không với tiêu cực trong thi cử” trở thành hiện thực, không thể chỉ kêu gọi sự tự giác của học sinh, ý thức kỷ luật của giáo viên và cán bộ quản lý, sự tẩy chay của dư luận mà điều quan trọng là phải bắt đầu từ nhiều biện pháp đồng bộ trong cả hệ thống, cơ chế, chính sách và phải kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm.

Đối với những trường hợp “bắt tận tay, day tận trán” như ở Hà Tây mà chỉ xử lý như quét trần phủi bụi thì không bao giờ có thể “nói không với tiêu cực trong thi cử”.

Theo SGGP

MỚI - NÓNG