Nỗi lo học phí...

Nỗi lo học phí...
Khá nhiều trường đều thừa nhận họ có ý định tăng học phí vì mức thu hiện nay của họ chưa đủ chi. Vậy, liệu điều này có đẩy những sinh viên nghèo ra khỏi giảng đường vì nỗi lo học phí cao?

Có một thực tế không thể phủ nhận: số sinh viên thuộc đối tượng chính sách được miễn giảm học phí đã chiếm khá nhiều.

Con số này tại trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) là khoảng 1/3 trong tổng số sinh viên. Năm học 2003-2004, với 5.726 sinh viên của trường có tới 1.068 sinh viên được miễn học phí hoàn toàn, 509 sinh viên được miễn 50% và 48 sinh viên được miễn 25%.

Ngoài việc thực hiện chế độ miễn giảm học phí theo quy định, nhà trường còn giảm 50% học phí cho đối tượng sinh viên là con cán bộ nhân viên trong trường. Số tiền miễn giảm học phí tính được trong năm học 2003-2004 là trên 2,3 tỷ đồng. Năm học 2004-2005 cũng với số tiền trên 2 tỷ.

Còn trường ĐH Nông lâm TPHCM, có khoảng 1/4 số sinh viên nằm trong chế độ được miễn giảm học phí. Tổng số tiền “thâm hụt” mỗi năm cho hơn 1.000 sinh viên này năm nào cũng trên dưới 3 tỷ đồng… Đó toàn là những “món” kếch sù. Lấy lại thăng bằng cho những món kếch sù này, đương nhiên chỉ là những sinh viên không thuộc diện đươc miễn giảm!

Theo GS.TS Đinh Quang Báo, muốn nâng cao chất lượng giáo dục đại học thì ít nhất phải đảm bảo mức chi 6,3 triệu đồng/sinh viên/năm mới đảm bảo được mức chất lượng đào tạo nhất định, nghĩa là phải thu học phí của sinh viên cao gấp ba lần như hiện nay. Do vậy, tăng hoc phí là cần thiết.

Còn theo Giám đốc Học viện Tài chính Vũ Văn Hoá, khoảng 50% khoản thu học phí được dùng hỗ trợ chi cho ngân sách, cò lại 50% bù vào quỹ tiền lương để phân phối thêm cán bộ công nhân viên. Mức thu hiện nay chưa đủ để chi, vì vậy không thể không tăng học phí.

Cũng cùng một quan điểm trên, ông Lê Tuấn, trưởng phòng Kế hoạch tài chính trường ĐH Kinh tế TPHCM cho biết: Mỗi năm trường được cấp 25 tỷ. Cùng với số tiền thu từ nguồn học phí, trường chi 35% để đầu tư cho cơ sở vật chất, 10% hỗ trợ giảng viên, sinh viên nghiên cứu khoa học, 20% để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và 35% dành đầu tư cho giảng dạy.

Nhưng từ tháng1/2005, trường bắt đầu chính sách tự chủ tài chính và như vậy, ngoài nguồn thu học phí ra, trường  không có nguồn thu nào đáng giá. Không tăng học phí thì không thể nào xoay sở được. Vì vậy, trường phải áp dụng biện pháp mạnh với học phí!

Hệ thống các trường dân lập vốn có mức thu học phí rất cao nhưng vẫn nhất định không ngoài cuộc. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Ngoại ngữ, tin học TPHCM khẳng định: nếu giữ nguyên mức thu học phí như năm ngoái là 3,7 triệu đồng/ năm thì gặp rất nhiều khó khăn vì trường vừa đầu tư xây dựng thêm phòng học mới và trang bị thêm cơ sở vật chất, tốn nhiều kinh phí. Phải tăng!

Rõ ràng, theo lập luận của hầu khắp các trường thì tăng học phí đã trở thành chuyện không thể không làm. Chính phủ cũng đã đề xuất cho phép Bộ GD-ĐT ban hành chính sách mới về học phí theo xu hướng tăng lên. Vậy, liệu điều này có đẩy những sinh viên nghèo ra khỏi giảng đường vì nỗi lo học phí cao?          

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.