Nỗi niềm du học Pháp

Nỗi niềm du học Pháp
TPCN - Chuyến đi công tác lần này, tôi nhận trọng trách ghé thăm và tìm hiểu cuộc sống của cô cháu gái và con của mấy người quen đang học đại học ở Paris. 
Nỗi niềm du học Pháp ảnh 1

Xuống sân bay Charles De Gaulle lúc 6h, còn quá sớm đối với người Pháp nhưng các bạn SV đã có mặt đầy đủ để nhận quà của gia đình gửi sang. Vì phải đi theo đoàn nên tôi chỉ kịp trao quà và thư từ cho họ rồi lại hối hả chuyển máy bay đi Lyon kèm theo lời hẹn cô cháu gái xuống chơi vào cuối tuần.

Đúng hẹn, cô bé sinh viên năm thứ 4 đã đáp chuyến TGV (tàu tốc hành) cuối cùng trong ngày xuống thành phố Chambéry chơi với dì. Tôi đã có một đêm thức trắng cùng cô bé, nghe những tâm sự của một sinh viên xa xứ.

Cháu tôi tên là M.N., sau khi tốt nghiệp phổ thông, gia đình và bản thân M.N. có nguyện vọng được đi du học ở Pháp. Khi được hỏi ý kiến về việc này, tôi thực sự lo ngại vì gia đình chị gái tôi không phải thuộc loại khá giả, chỉ là công chức nhà nước, lo cho con cái ăn học trong nước cũng đã là một nỗ lực lớn rồi. Thế nhưng chị tôi lại khẳng định như đinh đóng cột là con chị N., cháu bác B… ở cùng cơ quan  đều đi du học mà gia đình họ cũng không phải chật vật lắm vì chỉ phải lo chi phí cho các cháu trong năm đầu tiên thôi. Những năm sau các cháu có thể tự kiếm sống và trang trải các chi phí...

Thời gian đầu, cũng như các bạn, M.N. yên tâm học hành vì có nguồn tài trợ hoàn toàn từ “hậu phương” vững chắc. M.N. thường xuyên thông báo kết quả học tập khiến cha mẹ rất yên lòng. Nhưng hết năm thứ nhất thì các cuộc điện thoại và gặp gỡ trên mạng cứ thưa dần...

Nhiều gia đình thắc mắc tại  sao con mình nói là kiếm được việc làm, thu nhập tính ra tiền Việt khoảng 6-7 triệu một tháng, vậy mà lại lười gửi thư, lại ít tâm sự với cha mẹ? Họ đâu biết rằng số tiền mà gia đình chi phí cho năm đầu tiên đã trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi nên hầu như SV du học tự túc nào cũng cố kiếm việc làm để không phải làm khổ cha mẹ thêm nữa.

M.N. thở dài khi nói rằng trong đầu đa số các bạn SV chưa bao giờ dứt được chữ  “tiền”. Có những đêm giật mình thức giấc, M.N. hốt hoảng vơ vội chiếc balô vì tưởng đã đến giờ đi làm. Tôi xót xa nghe M.N. ước sao có một buổi sáng trở dậy, sung sướng nghĩ rằng hôm nay mình không phải lao đầu đi đến chỗ làm cho kịp giờ. Việc làm thêm của SV không được đa dạng lắm. Đối với những SV có khả năng giao tiếp tốt thì đi trông nom hoặc làm gia sư cho con cái các gia đình người Pháp, đọc sách, kể chuyện cho các ông bà già sống một mình.

Với những SV tiếng Pháp còn hạn chế thì thường xin các việc như: rửa bát, dọn dẹp, phục vụ bàn v.v... ở các nhà hàng Việt Nam. SV nữ có vẻ dễ kiếm việc hơn. Công việc làm thêm phổ biến đối với SV nam thường là đưa hàng, hoặc chờ đến những ngày nghỉ (vacances) để đi tỉnh xa thu hoạch nho, táo, hái cà chua, lựa cà rốt… trong các trang trại. Sau mỗi kỳ nghỉ dài như hè hoặc Noel, mỗi SV có thể kiếm được một món kha khá để lo các “việc lớn” như đóng tiền học, mua vé đi lại. Cuộc sống cứ như vậy mà quay vòng.

Còn chuyện học hành thì sao? M.N. im lặng khá lâu rồi cười buồn: “Dì là giáo viên, còn lạ gì ạ? Buổi tối đi làm về quá khuya, mệt bã người, quơ vội bát mì tôm, sáng hôm sau mà  dậy đi học được là cả một sự dũng cảm rồi, nói chi đến chuyện học tốt, học giỏi !” ở nhà, M.N. đã thi đỗ đại học, có những bạn  của M.N. còn đạt thủ khoa nữa, nhưng sang bên này học thì gần như ai cũng nhờ nhờ như ai vì tất cả đều phải lo đi làm, không thể hoặc không đành lòng ngửa tay xin tiền gia đình. Mà đã đi làm thì sao có thể có thời gian và chuyên tâm học hành được!

Đã hai năm nay, không ai thấy H.P đến trường cả. Hóa ra bạn này phải đi làm, nên bảo lưu kết quả các môn đã học cho đến khi nào có tiền sẽ học tiếp. Giống như H.P, rất nhiều SV đã bỏ học một cách có hệ thống mà gia đình không hề hay biết. Đã hết năm thứ tư kể từ ngày sang Pháp nhưng số bạn có bằng licence1(1) là không nhiều. Nhiều SV nhắc tới một cô bạn tên là T.T, sau gần ba năm tốn không ít tiền bạc của cha mẹ, T.T. đã trở về, lấy chồng và an phận nuôi con, phụ giúp công việc trong ga-ra ô tô của gia đình nhà chồng.

Ngoài những khó khăn mà các SV phải đối mặt hằng ngày như nơi ăn, chốn ở và các chi phí cá nhân lặt vặt, còn có một việc khá nặng nề là gia hạn thẻ cư trú (carte de séjours) mỗi năm một lần. Việc này đòi hỏi một khoản tiền không nhỏ (từ 3.500 đến 4.000 euros) mà thường là SV phải dành dụm từ những giờ làm việc vất vả, cùng nhau dồn lại cho một người nộp vào tài khoản để chứng minh khả năng tài chính, sau đó tiếp tục “quay vòng” khi đến lượt bạn khác.

Tôi quyết định ghé Paris vài ngày trước khi về nước để tận mắt thấy cuộc sống của các em SV du học tự túc. H.P, cậu SV hai năm nay không hề đến trường nằm trong “tầm ngắm” của tôi. Không có thang máy, tôi phải leo bộ những bậc thang xoáy trôn ốc đến chóng mặt để lên được căn chòi trên tầng 7 của một chung cư cũ kỹ. Lúc đó khoảng gần 2 giờ chiều, trong phòng có tất cả 4 thanh niên đang ngủ, khi tôi đến họ cũng không buồn dậy. Xung quanh họ là vỏ những hộp rượu vang và cả những chai rượu mạnh nằm lăn lóc cùng mấy bộ bài tú-lơ-khơ. M.N. từng kể, nhiều bạn SV nam sang bên này sinh hoạt như vậy: uống rượu, đánh bài ăn tiền tối ngày và đương nhiên là không thể đến trường một cách đều đặn được.

Tới chỗ ở của M, con chị hàng xóm bán xôi, cảnh tượng nơi này đã thực sự làm tôi bị sốc. Căn hộ ở quận 13 Paris giống một cái nồi lẩu thập cẩm, cả nam lẫn nữ  gồm 16 người cùng sinh sống. Họ ở nhiều độ tuổi, học tại các trường khác nhau, đến từ nhiều miền quê… quần tụ trong một không gian chừng 30m2, có duy nhất một buồng vệ sinh với diện tích rất khiêm tốn và một khu bếp chật chội.

Nếu trong các ký túc xá SV ở Việt Nam còn có tấm ri-đô che chắn những chiếc giường như nhiều bài báo từng đề cập thì ở đây, tấm “vải màn thưa” đó không cần có để che mắt ai cả. Có người sống một mình, có người mang bạn khác giới về tự nhiên ăn ngủ trước mắt người khác. Một vài vỉ Regulon, Lyndynette (2) cùng Amoxiciline, Panadole “made in Vietnam” nằm vương vãi trong nhà vệ sinh. Khu bếp thì nồng nặc mùi thức ăn, đồ uống đã bị phân hủy.

Thấy tôi là khách lớn tuổi đến chơi, lịch sự lắm thì có người đưa mắt nhìn, còn hầu như không ai quan tâm đến những gì đang tồn tại xung quanh. Họ đi về, lăn ra đệm nghỉ cái đã, rồi đi nấu ăn, hoặc tắm rửa. Thắc mắc tại sao M. lại có thể ở đây, em nói tìm được một chỗ như thế này cũng không phải dễ, cuộc sống không ai cần biết đến ai cũng có cái hay và điều quan trọng là bớt được một chút tiền thuê nhà.

Chỉ có P.L và D.K là ung dung hơn cả khi không cần gia đình tiếp tế gì ngoài mấy gói ô mai. Bố mẹ các em ở nhà hoàn toàn yên tâm khi nghe con mình nói là tự lo được mọi chi phí, thậm chí còn đi du lịch được rất nhiều nơi. Tôi xuýt xoa khen các bạn ấy giỏi thì nhận được cái mỉm cười đầy ý nhị của M.N và T.H.

Thì ra, hai cô bạn này cũng như một số sinh viên nữ khác đã tìm được “nguồn” tài trợ nơi các chàng trai có học bổng đi du học của Nhà nước Việt Nam hoặc của các tổ chức khác. Trong khi các bạn nai lưng dọn dẹp, bưng bê trong nhà hàng, hay trông trẻ, hái hoa quả, bán xăng, đưa bánh pizza… để kiếm chút tiền nuôi thân, đỡ đần cha mẹ thì các bạn này mùa đông đi Chamonix, xuống Grenoble… trượt tuyết, mùa hè thì tắm nắng ở Venise, hoặc đi ngắm hoa ở Amsterdam... Có những anh làm xong nghiên cứu sinh rồi nhưng không chịu về nước mà cứ tìm cách nấn ná ở lại bởi không nỡ để “một nửa” của mình chịu cảnh bơ vơ, không quen lao động kiếm sống như bao bạn đồng lứa khác.

Giai thoại của T.G được nhiều người nhắc đến bởi ngay khi sang Pháp, cô đã nhanh chóng được một anh cựu sinh viên Đại học Giao thông Hà Nội có học bổng làm tiến sỹ của AUF (Agence Universitaire Francophone) chăm sóc,  giúp cô nguôi đi những ngày tháng bỡ ngỡ mới xa nhà. Nhưng chỉ hai năm sau,  anh đã phải chứng kiến cảnh người yêu mình cặp kè với một anh chàng mắt xanh, trên chuyến tàu mà mới ngày nào anh và cô cùng nhau đến trường. Mục đích của T.G là còn phải ở lại Pháp lâu dài, trong khi anh chàng tiến sỹ kia lại sắp hết học bổng, phải về nước mất rồi!

Rất ít SV Việt Nam có TV hoặc radio, mặc dù đó là các phương tiện thu nhận thông tin không quá xa xỉ mà lại rất hiệu quả trong việc học tiếng. Thỉnh thoảng mới có một vài em kết nối internet tại nhà. Nếu em nào không đến trường thường xuyên để có thể vào mạng thì có lẽ cũng chỉ có thể chi vài euros để thăm hỏi, viết thư cho người thân vài ba tuần một lần, bởi một giờ vào mạng ở quán Net mất từ 1,5 đến 3 euros (tương đương từ 30.000 đến 60.000 đồng), mà không phải ở đâu cũng có.

Đó là một lý do tại sao các gia đình càng ngày càng ít nhận được tin tức của con cái. Thêm nữa, vì không muốn cha mẹ quá lo lắng, các em đã không nói hết những khó khăn trong cuộc sống. Tôi dám chắc, nếu biết sự thật một cách cặn kẽ, nhiều bậc cha mẹ sẽ day dứt vì cảnh “đem con bỏ chợ” của mình. Vì thế tôi không hiểu tại sao bố mẹ H.P vẫn có ý định đưa nốt cô em đang học lớp 12 sang với anh, H.P bảo: “Cháu sẽ đi làm nuôi em, hai anh em ở với nhau còn hơn ở với người ngoài. Lúc nào em cháu đi làm được thì  cháu lại đi học. ở bên này có anh có em cũng đỡ bơ vơ hơn”.

Tiễn tôi ra sân bay, như nhận thấy ở tôi sự ái ngại, M.N hồn nhiên nói: “Dì ơi, nhịp sống của người Paris gói gọn trong ba từ: “Métro - Boulot- Dodo” (tàu điện ngầm- công việc- ngủ) mà! Dì phải tự hào là cháu của dì đã được Paris hóa rồi chứ!” Không hiểu M.N. nói thế để trấn an tôi hay là tự động viên chính mình?

Khoảng gần chục năm trở lại đây, khái niệm đi du học không còn xa lạ đối với học sinh tốt nghiệp phổ thông. Những gì tôi viết trong bài này chỉ là những điều tai nghe mắt thấy khi tìm hiểu về những SV con các gia đình có thu nhập trung bình ở nước ta, đang du học tự túc tại Pháp. Mặc dù có những em đã thành công trong học tập, nhưng số đó không nhiều. Trao đổi với thầy giáo Q. (ĐHBK Hà Nội), thầy cho rằng nên để các em học xong đại học trong nước đã, lúc đó các em mới đủ nhận thức, bản lĩnh để tiếp cận và hòa nhập với cuộc sống trong môi trường làm việc khác với Việt nam.

C.D., một nghiên cứu sinh ở Toulouse cũng nhận xét rằng, không phải cứ học đại học ở nước ngoài thì mới có kiến thức tốt và mới có cơ hội thành công trong sự nghiệp sau này. Trường hợp của L.Y là một ví dụ. Hết năm đầu tiên ở Paris, thấy không phù hợp em đã quyết định trở về  học ĐH Ngoại thương, nơi em đã đỗ trước khi đi Pháp. Sau 2 năm nỗ lực phấn đấu, em đã thi được học bổng đi Nhật.

Điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ trong bài viết này là, các bậc phụ huynh cần biết rõ sự thật về đời sống và học tập của con em mình, và khi đã biết thì không vì bất kể lý do gì lại giấu đi sự thật, để chuyện đi du học chỉ được hiểu như là đi đến một chân trời đầy hứa hẹn.

Nên cho các em được sống và học tập như lứa tuổi chúng đáng được hưởng chứ không phải ra nước ngoài và luẩn quẩn trong vòng mưu sinh vất vả với nhiều nguy cơ rình rập. Dẫu biết rằng tuổi trẻ thật diệu kỳ, dẫu tin rằng tuổi trẻ có thể đương đầu với bao sóng gió, nhưng tuổi trẻ cũng qua đi rất nhanh không bao giờ trở lại. Hãy dành cho con cái chúng ta những gì tốt nhất có thể từ những hiểu biết và định hướng đúng đắn của các bậc làm cha, làm mẹ.

Hà Nội, 4/7/2006

(1): Cấp học được dịch là Cử nhân

(2): Regulon, lyndynette: tên các loại thuốc tránh thai

MỚI - NÓNG