Nộp hồ sơ ĐKDT: Kỹ thuật, kinh tế chiếm ưu thế

Nộp hồ sơ ĐKDT: Kỹ thuật, kinh tế chiếm ưu thế
TP - Với số lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) ĐH, CĐ năm 2009 mà các trường THPT nhận được cho đến thời điểm này, có thể bước đầu nhận định ngành kỹ thuật, kinh tế chiếm ưu thế.

Ông Nguyễn Quốc Cường – chuyên viên tư vấn tuyển sinh Bộ GD tại TPHCM tổng kết: Tại địa điểm tiếp nhận hồ sơ 33C Lê Thánh Tôn, các thí sinh đến nộp hồ sơ rải rác. Những ngày đầu, chủ yếu vẫn hỏi về các ngành nghề và điểm chuẩn vào trường của các năm.

Ông cũng cho biết, qua nhiều câu hỏi, hướng chọn trường của thí sinh năm nay vẫn nghiêng về khối ngành cơ khí và kỹ thuật. Đặc biệt, ngành công nghệ hóa là thông tin nhiều thí sinh quan tâm nhất vì sự phát triển ngành công nghệ hóa dầu tại khu công nghiệp Dung Quất – Quảng Ngãi gần đây.

“Bên cạnh những ngành có tiếng thuộc ĐH Kinh tế, Ngoại thương, năm nay nhiều câu hỏi của thí sinh gửi về trường đều đặc biệt quan tâm đến hai trường ĐH FPT và ĐH Quốc tế thuộc ĐH Quốc gia TPHCM” - Ông Hoàng Minh Thịnh – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Qúy Đôn, cho biết thêm.

Ghi nhận tại một số trường THPT tại TPHCM, lượng hồ sơ của thí sinh gửi về trường không ồ ạt như mọi năm. Theo bà Trương Thị Kim Ánh, phụ trách tuyển sinh trường THPT Marie Curie, đến thời điểm này, có khoảng 1.600 hồ sơ gửi về trường.

Các hồ sơ đăng ký năm nay vẫn tập trung vào khối ngành kinh tế và kỹ thuật đặc biệt thuộc các trường Đại học Hoa Sen, ĐH Mở TPHCM và ĐH Tôn Đức Thắng.

Tại trường THPT Lê Quý Đôn, bà Huỳnh Thị Liễu, phụ trách tuyển sinh của trường cho hay trường nhận được khoảng 300 hồ sơ trên tổng số gần 1.000 học sinh. Cũng như mọi năm, ngành đăng ký dự thi trong hồ sơ vẫn nghiêng về lĩnh vực kinh tế và kỹ thuật.

Trong khi đó, trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, nhận được khoảng 1.000 hồ sơ của thí sinh. Thông tin từ văn phòng Bộ GD&ĐT phía Nam cho biết, mới có khoảng 200 hồ sơ được gửi về.

Theo nhận định chung của nhiều trường THPT tại TPHCM, so với các năm, năm nay thí sinh mắc ít sai sót khi điền hồ sơ ĐKDT. Theo bà Huỳnh Thị Liễu, đó là do công tác tư vấn tuyển sinh được chuẩn bị kỹ, chu đáo so với các năm.

Bà cũng cho biết: Nếu như mọi năm, thí sinh bị vướng mắc ở nhiều mục thì năm nay chỉ vướng ở mục số 3 trong hồ sơ và những trường ĐH có hệ CĐ nhưng không tổ chức thi tuyển. Để khắc phục tình trạng này, đại diện các trường cho biết nếu phát hiện sai sót sẽ trả lại hồ sơ để thí sinh làm lại ngay.

Trong khi đó, bà Xuân Mai, phụ trách tuyển sinh trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai lại cho rằng tâm lý thoải mái khi chọn trường khiến hồ sơ các thí sinh năm nay mắc ít lỗi.

Nhiều hình thức đào tạo như đào tạo liên thông, liên kết với các trường nước ngoài khiến các thí sinh an tâm vì có nhiều cơ hội học tập.

Hà Nội: Những câu hỏi ngạc nhiên

Một cán bộ Phòng Giáo dục quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, sau hơn 10 ngày nộp hồ sơ, điểm thu này mới thu được khoảng 10 hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT). Thí sinh tự do sẽ chỉ nộp hồ sơ ồ ạt vào một vài ngày cuối cùng trước hạn chót.

Về nhiều sai sót trong hồ sơ ĐKDT như diễn ra mọi năm, bà Song Hà - Phó phòng Giáo dục Chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Hà Nội, khẳng định thí sinh không tìm hiểu kỹ các hướng dẫn làm hồ sơ ĐKDT. Các trường phổ thông đều có hướng dẫn cụ thể mục khai trong hồ sơ nhưng, sai sót vẫn xảy ra nhiều.

Cho đến thời điểm này, khi thời hạn nộp hồ sơ ĐKDT đã được nửa chặng đường, hàng ngày, báo Tiền Phong vẫn nhận được rất nhiều câu hỏi cho thấy sự mù mờ của thí sinh về việc ĐKDT như khối A thi những môn gì, môn văn năm nay có thi trắc nghiệm không, muốn làm bác sĩ thì thi ngành nào... 

Theo bà Song Hà, sai sót trong hồ sơ ĐKDT (thường là ghi không đúng tên trường, mã ngành, thậm chí nguyện vọng…), ngoài nguyên nhân nêu trên còn có nguyên nhân khách quan như phần mềm tuyển sinh là phần mềm mở, có khi thiếu dữ liệu ở phần nguyện vọng vào trường không tổ chức thi…

Bên cạnh đó, một nguyên nhân phải kể đến là công tác tư vấn hướng nghiệp hiện nay còn yếu kém.

Tại Thừa Thiên-Huế, các trường sau khi thu nhận hồ sơ đều có dán danh sách trên bảng công khai để học sinh tự kiểm dò. Ở một số trường, một số học sinh ký xác nhận sau khi đã kiểm dò nên sai sót ít xảy ra.
Theo kế hoạch, sau 20/4, các trường bắt đầu nộp hồ sơ tới Phòng Giáo dục Chuyên nghiệp (Sở GD&ĐT) để các hồ sơ được xử lý trong khâu tiếp theo. Ngoài mạng lưới thu nhận hồ sơ trong các trường học, Hà Nội có 28 điểm thu nhận hồ sơ cho thí sinh tự do, tăng gấp đôi so với thời điểm chưa mở rộng diện tích.

MỚI - NÓNG