Nữ sinh lớp 7 tự tử tại trường: Do lứa tuổi dễ manh động nhất?

Hiện trường nơi xảy ra sự việc
Hiện trường nơi xảy ra sự việc
TPO - Trước trường hợp nữ sinh lớp 7 ở Hà Tĩnh tử vong trong lớp học, TS Vũ Thu Hương (Khoa Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng đây là lứa tuổi dậy thì, mong manh nhất, dễ gây ra sự cố  đáng tiếc nếu không có sự quan tâm của người lớn.

Sáng 3/1, nhà trường và các em học sinh bàng hoàng phát hiện em T.T.P.L. học sinh lớp 7 Trường THCS Tân Lâm (xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) tử vong trong lớp học. Được biết, sự việc xảy ra khi các bạn học sinh trong lớp đi học môn tin học tại phòng máy, riêng em L. ở lại lớp.

Khi giờ học kết thúc, các em học sinh trở lại lớp thì phát hiện L. đã tử vong. L. để lại bức thư tuyệt mệnh bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt.

Theo thông tin từ nhà trường, trước khi xảy ra sự việc, em L. không có xích mích hay mâu thuẫn gì với bạn bè. Đặc biệt, L. học rất tốt, nhiều năm là học sinh giỏi của trường. Các cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của nữ sinh này.

Trường học có là nơi an toàn nữa không?

TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết có một số sai lầm mà các bạn tuổi teen thường mắc phải. Có khi, chỉ là một vụ việc nhỏ xíu, xích mích vớ vẩn cũng có thể gây ra một vụ tự tử rồi. 

Qua sự việc của nữ sinh vừa tự tử tại Hà Tĩnh, bà Hương đặt câu hỏi: Tại sao lại nghĩ lớp học là nơi trẻ không thể tự tử? Tại sao lại có suy nghĩ đến trường để được bao bọc an toàn? Nếu học sinh đó  ức chế ở nhà và đến lớp tự tử thì điều đó liên quan gì đến nhà trường?

“Tôi thấy bây giờ cứ cái gì không ổn là đổ hết cho trường. Vụ tự tử như thế này tôi không ngạc nhiên lắm đâu. Tuổi 13, 14 là tuổi dậy thì, đúng lứa mong manh nhất, dễ gây ra sự cố nhất. Đó cũng là lứa tuổi manh động nhất, sống theo cảm xúc nhiều nhất. Chỉ có một vụ việc nhỏ xíu, xích mích vớ vẩn cũng có thể gây ra một vụ tự tử rồi”- bà Hương cho hay.

Bà Hương cũng cho biết, có nữ sinh có bố mẹ kì vọng, đến khi thi bị điểm kém về tự tử luôn. Thứ nhất, hoocmon trong người con đang rất nhiều, con không kiểm soát được cảm xúc và hành vi của mình tốt như thời điểm khác. Mặt khác, lứa tuổi teen hay hiểu nhầm nhiều thứ, cha mẹ không gần gũi là dễ tự tử”- Bà Hương nhấn mạnh.

Cũng theo bà Hương, tư vấn tâm lý vào trường học đã có ở nhiều trường. Tuy nhiên, nếu trường hợp như nữ sinh sinh này vấn đề nếu nằm ở gia đình thì rất khó để giải quyết, đặc biệt với lực lượng tư vấn viên còn chưa có kinh nghiệm và còn mỏng.

“Một trường có cả nghìn học sinh mà có một tư vấn viên thì có đủ không. Hơn nữa, các học sinh không có thói quen tìm đến tư vấn viên thì họ cũng không giúp nổi”- bà Hương nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG