Nữ sinh mồ côi thi đỗ hai trường đại học

Ngoài thời gian đến lớp, Nga luôn chăm lo việc nhà cho gia đình dì dượng.
Ngoài thời gian đến lớp, Nga luôn chăm lo việc nhà cho gia đình dì dượng.
Cha mẹ lần lượt qua đời, cô học trò nhỏ Lô Thị Nga (Qùy Châu, Nghệ An) được gia đình dì ruột nuôi dưỡng luôn nỗ lực không ngừng trong học tập để thi đỗ hai trường ĐH Y khoa Vinh và ĐH Vinh.

Nghị lực vượt khó của nữ sinh dân tộc Thổ

Trong những ngày qua, Lô Thị Nga chưa kịp vui trong kết quả thi đậu hai trường đại học thì phải lo lắng cho ước mơ của mình có thể thực hiện được hay không? Nỗi lo lắng không có tiền để nhập học dường như làm em cạn nước mắt mấy ngày qua.

Cô học trò nghèo quê xã Châu Bình (huyện Qùy Châu, Nghệ An), em là học sinh lớp 12C2 Trường THPT Diễn Châu 4. Kỳ thi đại học vừa qua, Nga thi đỗ vào ngành điều dưỡng Trường ĐH Y khoa Vinh với 19 điểm và ngành Kế toán, Trường ĐH Vinh với 17,5 điểm.

Nữ sinh mồ côi thi đỗ hai trường đại học ảnh 1

 Dì dượng là người luôn động viên Nga tiếp tục đến trường, vay tiền cho em đi học.

Nga sinh ra trong hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Bố em là người dân tộc Thổ, không nói được tiếng Kinh. Mẹ là người miền xuôi lên miền ngược mưu sinh. Trong cái nghèo, cái khó, hai người nên duyên vợ chồng rồi sinh được ba người con (hai trai, một gái).

Ngày mẹ Nga mang thai em hai tháng, thì người bố mất trong một vụ tai nạn. Rồi năm Nga lên 4 tuổi, mẹ em cũng đột ngột qua đời vì không có tiền chữa bệnh.

Cuộc đời côi cút của ba anh em không nhà cửa, anh em họ hàng cũng rơi vào hoàn cảnh chết dần vì bệnh tật nên chẳng ai giúp đỡ, nuôi nấng. Dì ruột thấy thương tình, đưa ba anh em về quê ngoại (xóm 11, xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, Nghệ An) sinh sống.

Được một thời gian, nhà dì đói kém, mất mùa, hai anh ở lứa tuổi 12, 13 phải vào Đồng Nai đi làm thuê. Còn Nga nhỏ tuổi nhất được dì cho đi học và cưu mang. Những năm bắt đầu đi học, thầy cô phát hiện cô bé sáng dạ, thông minh nên luôn động viên dì cho cháu được tới lớp, đến trường.

Kể về con đường học gian nan, Nga buồn bã cho biết: “Nhà dì đông con, nuôi ăn đã khó, việc học lại càng khó hơn. Gắng cho em đi học đến năm lớp 4, em nghỉ học một năm ở nhà. Sau thầy cô động viên mãi, em lại được tiếp tục đến trường.

Năm em học lớp 7, dì dượng vào nam làm công nhân, em cũng theo vào miền Nam học hai năm, đến lớp 9 lại theo dì dượng về quê học tiếp. Niều lần em định nghỉ học cho dì đỡ vất vả, nhưng dì luôn động viên và bảo cố gắng mà học sau này có nghề đỡ vất vả. Mỗi lần như thế, em luôn tự bảo mình phải chăm học, học thật giỏi để không phụ lòng mong mỏi của dì dượng”.

Nữ sinh mồ côi thi đỗ hai trường đại học ảnh 2

Em Lô Thị Nga bên góc học tập đơn sơ.

Những cố gắng không mệt mỏi, với tinh thần ham học hỏi, chăm ngoan, 12 năm liền Nga luôn đạt học sinh giỏi toàn diện. Đồng thời Nga cũng là một lớp trưởng năng nổ, nhiệt tình, tham gia tích cực các hoạt động trường, lớp đề ra. Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Nga là 1 trong số 35 học sinh đạt điểm tổng loại giỏi.

Tuổi thơ lớn lên trong thiếu thốn tình cảm cha mẹ, Nga luôn ý thức trong học tập cũng như đảm đang mọi công việc trong nhà dì dượng.

Nữ sinh mồ côi thi đỗ hai trường đại học ảnh 3

Lô Thị Nga luôn là học sinh giỏi toàn diện và nhận được quỹ học bổng “Tiếp bước tương lai” của ban liên lạc hội cựu học sinh.

Chị Lê Thị Lý - dì Nga chia sẻ: “Cháu nó ham học lắm. Ở nhà cháu giúp hai vợ chồng tôi việc đồng, công nhà. Buổi đêm cháu vẫn miệt mài học đến sáng. Thấy cháu ham học, hai vợ chồng đi vay mượn cho cháu học. Đi họp phụ huynh thầy chủ nhiệm luôn tuyên dương cháu về tinh thần hiếu học.

Kỳ thi đại học vừa qua cháu đỗ hai trường đó. Để có tiền cho Nga nhập học, hai vợ chồng tôi cũng xoay xở nhưng không được là bao. Còn bà con lối xóm thấy hoàn cảnh Nga mồ côi nên người cho cháu một ít, số còn lại phải vay để cháu đi nhập học đó. Biết là khó khăn nhưng không dám để cháu thất học khi mình còn sống”.

"Em sẽ cố gắng học tốt để trở thành cô y tá giỏi cứu người"

Tâm sự về thầy cô bạn bè, Nga cho biết, thầy cô, mọi người là nguồn động lực giúp em mạnh mẽ hơn, tự tin hơn rất nhiều. Thầy cô luôn tạo điều kiện tốt nhất, giảm tiền học thêm, giảm các khoản quỹ ở lớp.

Bạn bè thì giúp đỡ nhau trong học tập, chia sẻ cho nhau khi em gặp khó khăn. Có được kết quả này một phần là nhờ thầy cô và bạn bè đã luôn động viên, giúp đỡ. Và em cũng luôn biết ơn công nuôi dưỡng của dì dượng.

Khi biết trở thành sinh viên em có thể vay vốn ngân hàng để trang trải một phần việc học. Không bỏ lỡ cơ hội, không sợ gánh nặng nợ nần, em quyết tâm đến với giảng đường dù có phải vay ngân hàng.

Nữ sinh mồ côi thi đỗ hai trường đại học ảnh 4

Nga bảo: Dù có vất vả thì em cũng sẽ cố gắng học. 

Nga chia sẻ: “Bốn năm học em biết mình sẽ gặp rất nhiều khó khăn, cũng có thể em sẽ không có tiền để tiếp tục học. Nhưng khi có cơ hội, em sẽ không từ bỏ nó đâu. Trước mắt em nhờ dì dượng vay tiền cho em nhập học, rồi cuối năm có tiền vay sinh viên em sẽ trả. Vào hòa nhập với cuộc sống sinh viên em sẽ kiếm việc làm thêm để chi tiêu hàng ngày. Em nghĩ mình sẽ làm được và vượt qua được hết…”.

Những lời tâm sự đầy tâm huyết và bản lĩnh của cô học trò nghèo khiến chúng tôi không khỏi cảm phục, xúc động. Vì con chữ, vì khao khát muốn trở thành một người có ích cho xã hội, muốn vượt qua những khó khăn của cuộc sống khi mồ côi cha mẹ, cô học trò nghèo không từ bỏ ước mơ, Nga luôn tin rằng mình sẽ vượt qua.

Điều Nga trăn trở và suy nghĩ nhiều nhất là hình ảnh người mẹ mãi mãi ra đi vì bệnh tật, không được chăm sóc chu đáo. Vì vậy, từ nhỏ em luôn mơ ước trở thành một nữ y tá chăm sóc cho người bệnh, người thân của mình.

Nói về cô học trò ngoan của mình, thầy giáo chủ nhiệm Phạm Xuân Thiệu cho biết: “Em Nga là lớp trưởng ba năm liền. Hoàn cảnh Nga đặc biệt khó khăn so với bạn bè trong lớp nhưng em luôn là một học sinh lạc quan, ham học. Ba năm cấp 3 là học giỏi toàn diện, cán bộ lớp gương mẫu, nghiêm chỉnh chấp hành tốt các nội quy của lớp nhà trường.

Ngoài ra, em sẵn sàng giúp đỡ những bạn học yếu vươn lên trong học tập. Thầy cô và bạn bè luôn tạo điều kiện tốt nhất để em được tới trường như giảm học phí, học bổng cho học sinh nghèo vượt khó... Năm lớp 12, bị mất xe đạp, em nghỉ học hơn một tuần vì không có xe tới trường, thầy cô và bạn bè đã quyên góp tiền mua cho em chiếc xe mới”.

Hiện Nga đã nhập học Trường ĐH Y khoa Vinh với chi phí hết gần 6 triệu đồng. Nhưng số tiền này, hai vợ chồng dì dượng phải đi vay ở nhà anh em, họ hàng để Nga nhập học.

Nga đã nhập học, nhưng phía trước còn đó 4 năm đại học với cô học trò nghèo thì tương lai sẽ còn nhiều khó khăn, vất vả. Tin rằng cô học trò mồ côi luôn giữ vững được nghị lực vượt khó, đạt kết quả cao ở giảng đường đại học.

Theo Nguyễn Duy - Tâm Nhi

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.