Nữ tiến sĩ kết nối kinh tế học với hoạt động cộng đồng

Nữ tiến sĩ trẻ Nguyễn Tuệ Anh may mắn khi có gia đình luôn ủng hộ nghiên cứu khoa học. Ảnh: NVCC
Nữ tiến sĩ trẻ Nguyễn Tuệ Anh may mắn khi có gia đình luôn ủng hộ nghiên cứu khoa học. Ảnh: NVCC
TP - Không chỉ có những công trình nghiên cứu trong lĩnh vực dịch vụ công và cơ sở hạ tầng, TS Nguyễn Tuệ Anh - chuyên gia nghiên cứu tại ĐH Oxford (Anh) còn có nhiều hoạt động hỗ trợ những bạn trẻ yêu thích khoa học nói chung và kinh tế học nói riêng có cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn với kiến thức và môi trường nghiên cứu.

Không nên giới hạn mình

Tiếp xúc với Tuệ Anh dễ dàng bị cô thu phục bởi vốn kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ những điều khó hiểu cô cũng dễ dàng kéo dần về những câu chuyện giản dị, dễ hiểu cho người nghe nắm được bản chất vấn đề. 

“Không nên giới hạn mình, học và tìm hiểu nhiều điều khác nhau” là phương châm nghiên cứu khoa học của Tuệ Anh. Vốn là người được đào tạo về kinh tế, cô tham gia nghiên cứu đa lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Ngoài việc liên tục trau dồi qua các khoá đào đạo và tự học, đọc sách là một cách học hiệu quả của nữ tiến sĩ trẻ này.

Vào trang Facebook cá nhân của Tuệ Anh dễ ngợp hình ảnh gắn liền với những không gian sách nhà riêng, thư viện. Đặc biệt ở đây cô đăng tải nhiều bài viết giới thiệu, nhận xét về sách; từ đánh giá về cuốn sách kinh tế học hay nhất năm của hai giáo sư đoạt giải Nobel Kinh tế - George Akerlof và Robert Shiller cho đến những cuốn sách giáo khoa, sách dạy trẻ em... Nguyễn Tuệ Anh là một trong số ít người được nhận những cuốn sách chưa xuất bản để đọc, nhận xét, cũng như trao đổi với tác giả để giới thiệu sách đến độc giả ở Oxford.

Không chỉ điểm sách, Tuệ Anh còn thông tin về các chương trình hội thảo khoa học, chủ đề nghiên cứu và học bổng dành cho các bạn trẻ yêu thích khoa học. Đặc biệt, cô luôn chia sẻ về các kỹ năng học tập, làm việc và nghiên cứu, chẳng hạn: “Cách viết email hiệu quả”, “Ngàn lẻ 1 điều học qua youtube”, “Cách bố mẹ dạy con”... từ trải nghiệm của chính bản thân. 

Lan tỏa kiến thức

Từ năm 2015, Tuệ Anh đã đảm nhận vai trò Điều phối viên trưởng chuyên ngành Phát triển kinh tế thuộc Tổ chức học giả trẻ thế giới (Young scholars Initiative). Thông qua sự hỗ trợ của mạng lưới 9.000 nghiên cứu sinh, tiến sĩ, sau tiến sĩ và giáo sư trong ngành kinh tế trên thế giới, Tuệ Anh đã kiến tạo và tổ chức thành công nhiều khóa học đào tạo, hội thảo và hội nghị quốc tế về các đề tài chuyên ngành tại New York, Boston (Mỹ), Oxford, London, Edinburgh (Anh), Trento (Ý), Bloomfontein (Nam Phi), Budapest (Hungary)… 

Các sự kiện và chương trình này kết hợp chặt chẽ với các trường ĐH hàng đầu thế giới như ĐH Công nghệ MIT, ĐH Oxford,… và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, UNDP… “Hàng trăm nghiên cứu viên trẻ đã nhận được học bổng hỗ trợ của YSI. Tôi vui vì là một phần nhỏ tạo nên đội ngũ nghiên cứu kinh tế học trong tương lai. Tôi mong nhìn thấy nhiều gương mặt Việt Nam trong đội ngũ này trong những năm tới”, Tuệ Anh cho biết. 

Tuệ Anh luôn mong muốn hỗ trợ các bạn trẻ Việt Nam yêu thích kinh tế học có điều kiện tiếp xúc với những phương pháp nghiên cứu mới, kỹ năng mới. Cuối năm 2017, khi đang làm việc tại Harvard, Tuệ Anh cùng nghiên cứu sinh Kinh tế học tại Harvard- anh Châu Thanh Vũ sáng lập Trường hè Nghiên cứu Việt Nam  (Vietnam Summer School in Research). Cô cho hay, ý tưởng trường hè xuất phát từ mong muốn chung của cả hai về việc lan tỏa tri thức kinh tế. 

Trường hè được thành lập để truyền tải kiến thức, phương pháp nghiên cứu ở bậc đại học, sau đại học cho các sinh viên và chuyên viên nghiên cứu trong và ngoài nước. Mỗi năm, trường hè có chủ đề tập trung vào những chuyên ngành và lĩnh vực khác nhau; từ những kiến thức vĩ mô đến những ứng dụng cụ thể trong quản lí kinh tế, kinh doanh, cho đến những lý thuyết mô hình áp dụng cho khoa học xã hội. Trường hè còn hướng đến trách nhiệm cộng đồng khi dành toàn bộ học phí để góp phần giúp đỡ các gia đình bệnh nhân và hỗ trợ máy móc thiết bị y tế ở Bệnh viện Nhi Trung ương. 

Năm 2018, được sự hỗ trợ của ĐH Y Hà Nội và ĐH Fulbright tại TPHCM, trường hè đã thu hút hơn 100 học viên, với ba khoá học về các phương pháp định lượng trong kinh tế vĩ mô; phân tích mạng lưới xã hội; các phương pháp tạo mô hình và minh họa thực tiễn. Giảng viên của các khóa học này là anh Châu Thanh Vũ, chị Nguyễn Tuệ Anh và Katherina Hương Nguyễn - chuyên viên phân tích kiến thiết mô hình số liệu tại ĐH Harvard. 

TS Nguyễn Tuệ Anh cho biết, năm 2018, trường hè đã tặng 2 suất học bổng toàn phần gồm ăn ở, đi lại cho 2 học viên xuất sắc theo gói học bổng ĐBSCL-Mekong. Bên cạnh đó, trường hè thăm và hỗ trợ các gia đình bệnh nhi với tổng giá trị 86 triệu đồng. Năm 2019, trường hè tiếp tục được tổ chức, Tuệ Anh mong muốn có sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm để giảm thiểu chi phí và cấp học bổng cho các bạn trẻ đam mê nghiên cứu khoa học.

Mong muốn nâng cao vị thế phụ nữ làm khoa học

Nguyễn Tuệ Anh chia sẻ bước đầu đạt những bước tiến trong hành trình nghiên cứu khoa học có phần may mắn khi được thừa hưởng nền tảng từ gia đình. Cô có bố giáo sư kinh tế, mẹ là chuyên gia tài chính kế toán. Đồng thời chồng cô cũng luôn ủng hộ, chia sẻ trước những khó khăn của vợ. 

Tuệ Anh cho hay, số lượng nữ giới học đại học, thạc sĩ trong ngành khoa học không ít hơn so với nam giới, nhưng đến bậc nghiên cứu tiến sĩ, giáo sư thì có sự chênh lệch nhiều. Bên cạnh những lý do liên quan đến đồng hồ sinh học, về độ tuổi, đòi hỏi nữ giới lựa chọn công việc hay gia đình... thì có rất nhiều yếu tố ẩn sâu liên quan đến văn hoá, gia đình, xã hội. Hiện trạng này đã được cô nêu ra tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu được tổ chức ở Đà Nẵng mới đây. “Tôi cảm thấy rất xúc động sau diễn đàn có vài bạn gái đã tìm đến tôi để chia sẻ những khó khăn họ gặp phải trên con đường theo đuổi khoa học và cân bằng cuộc sống gia đình, công việc. Điều họ cần trước tiên là sự hỗ trợ về tâm lý. Tôi tin tưởng ngày càng có nhiều hơn các nhà khoa học nữ thành công và hạnh phúc”, Tuệ Anh chia sẻ.

Tuệ Anh cho rằng những hoạt động nâng cao vị thế phụ nữ làm khoa học “là trách nhiệm xã hội cần quan tâm hơn”. Trong những chương trình, sự kiện mà cô đứng đầu, cô đều cố gắng tạo nên sự cân bằng về giới. Khi lựa chọn những bài phát biểu, cô cố gắng tăng tỉ lệ phụ nữ hơn. Tuệ Anh còn cùng 3 đồng nghiệp khác là các nữ kinh tế gia tại Anh, Pháp và Mỹ, đồng sáng lập tổ chức “Vì sự đa dạng ngành kinh tế”. Tổ chức này liên kết với các trường ĐH tại nhiều quốc gia để tạo nên một cơ sở dữ liệu về các chuyên gia nữ và các chuyên gia đến từ các nước đang phát triển nhằm giúp các đơn vị tuyển dụng có thể sử dụng nhiều  phụ nữ hơn.

Nguyễn Tuệ Anh là thạc sĩ và tiến sĩ tại ĐH Greenwich, Vương quốc Anh với học bổng toàn phần và được trao giải “Luận văn tốt nghiệp xuất sắc nhất” (Best Postgraduate Dissertation) năm 2012. Cô nhận được học bổng và giải thưởng danh giá. Hiện cô là thành viên của Viện Hàn lâm Giáo dục bậc ĐH và sau ĐH của Vương quốc Anh với nhiều năm giảng dạy tại nước Anh, Mỹ và châu Âu. 



MỚI - NÓNG