Nữ tiến sĩ tiên phong nghiên cứu thần kinh học

TS. Hà Thị Thanh Hương (ngoài cùng bên phải) cùng các học trò trong buổi học Ảnh: Văn Minh
TS. Hà Thị Thanh Hương (ngoài cùng bên phải) cùng các học trò trong buổi học Ảnh: Văn Minh
TP - Tiến sĩ Hà Thị Thanh Hương (31 tuổi, Trưởng bộ môn Kỹ thuật Mô và Y học tái tạo, khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM) và 15 nhà nghiên cứu trẻ trên toàn thế giới vừa được Tổ chức quốc tế Nghiên cứu về khoa học thần kinh (trụ sở tại Pháp) trao giải thưởng Early Career Award năm 2020. Cô là nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng này. 

Ði để trở về

Khi còn là học sinh trường THPT Năng khiếu (ĐHQG TPHCM), Hà Thị Thanh Hương đã có ước mơ được du học để nghiên cứu về não bộ, thần kinh học. Học hết cấp 3, Hương phải gác lại ước mơ khi gia đình có người thân bị bệnh. Cô chọn học trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM cho gần nhà để tiện chăm sóc người thân.

Cơ hội thực hiện ước mơ đến với Hương khi năm 2012 cô giành được học bổng sang Mỹ làm nghiên cứu sinh chuyên ngành thần kinh học tại trường ĐH Stanford. Sau 6 năm miệt mài học tập, nghiên cứu và hoàn thành luận án tiến sĩ, năm 2018 Hương cùng chồng - một tiến sĩ về nông nghiệp công nghệ cao tại Mỹ, trở về Việt Nam phát triển các dự án nghiên cứu khoa học. Hương luôn tâm niệm, đi học hỏi để trở về điều trị bệnh cho người thân và hơn thế nữa, phát triển ngành thần kinh học ở Việt Nam vốn còn rất mới mẻ. Hương chọn đầu quân cho trường ĐH Quốc tế để phát triển nghiên cứu chẩn đoán bệnh Alzheimer (bệnh mất trí nhớ). Còn chồng Hương chọn trường ĐH Tự nhiên để tập trung nghiên cứu các dự án về nông nghiệp công nghệ cao.

Dù biết trở về Việt Nam bắt đầu hành trình nghiên cứu về lĩnh vực thần kinh học vô cùng gian nan, đặc biệt là căn bệnh Alzheimer nhưng Hương vẫn quyết tâm. “Vợ chồng mình rất hiểu nhau, có ông bà hỗ trợ chăm sóc hai cháu nên mình toàn tâm toàn ý cho dự án nghiên cứu vô cùng mới mẻ này tại Việt Nam”, TS. Hương chia sẻ.

Tiên phong nghiên cứu Alzheimer

Bắt tay vào nghiên cứu căn bệnh Alzheimer (gây chứng giảm trí nhớ ở người già) với TS. Hà Thị Thanh Hương còn có các cộng sự trẻ tuổi khác, gồm: TS. Ngô Thành Hoàn, TS. Ngô Thị Lụa (Trường ĐH Quốc tế TPHCM), TS. Nguyễn Thanh Đức (Trường ĐH Khoa học kỹ thuật Gwangju - Hàn Quốc ) và TS.BS Trần Tiến Tài (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch). Đây đều là những nhà khoa học trẻ cùng chung một đam mê nghiên cứu về bệnh Alzheimer.

TS. Hương kể, tại Việt Nam chưa có bệnh nhân Alzheimer nên nhóm phải bắt đầu từ con số 0 bằng việc gõ cửa các bệnh viện tìm kiếm. Sau hai năm, nhóm thiết lập được mối quan hệ nghiên cứu với Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM và Bệnh viện 30/4. Trong suốt thời gian nghiên cứu, nhiều lần nhóm phải tự bỏ tiền túi hàng trăm triệu đồng để thuê các thiết bị máy móc phục vụ nghiên cứu. “Hai công cụ chẩn đoán Alzheimer là dựa trên trí tuệ nhân tạo phân tích ảnh MRI và giải trình tự RNA trong mẫu máu. Ở Việt Nam chưa có, nhóm phải đi thuê máy móc của Google, Amazon để xử lý công việc này”, TS. Hương cho biết.

Theo TS. Hương, Alzheimer là một căn bệnh gây tử vong cao nhất ở người lớn tuổi. Trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam, hướng nghiên cứu về Alzheimer ngày càng trở nên cấp thiết. Nhóm đang phát triển các công cụ giúp tăng cao độ chính xác, giảm tính xâm lấn và giảm giá thành cho chẩn đoán căn bệnh này. “Nhóm chúng tôi giải bài toán này với hướng tiếp cận đa chiều, vừa ứng dụng trí tuệ nhân tạo lên phân tích ảnh MRI, vừa sử dụng các công cụ sinh học phân tử có tính đột phá lớn như giải trình tự RNA trong mẫu máu”, TS. Hương nói.

Chia sẻ về tính khả thi của dự án, TS. Hương cho biết, nhóm đang tập trung nghiên cứu để sớm cho ra những công cụ ứng dụng có thể sử dụng trong các bệnh viện. Hiện nhóm nghiên cứu phát triển công cụ trên bộ dữ liệu của người Việt Nam. Sau đó đưa phần mềm đó vào quy trình khám, chữa bệnh Alzheimer ở các bệnh viện. “Việc chẩn đoán sớm và chính xác Alzheimer giúp hạn chế những tác động không mong muốn từ căn bệnh đứng vị trí thứ năm trong danh sách các nguyên nhân gây tử vong ở người cao tuổi”, TS. Hương nói.

Ngoài nghiên cứu về căn bệnh Alzheimer, TS. Hương còn làm chủ nhiệm hai đề tài: Các phương pháp phát hiện stress và Các phương pháp can thiệp để giảm stress, đồng thời tham gia vào công trình nghiên cứu của Bộ Khoa học và Công nghệ về lĩnh vực xây dựng cơ sở dữ liệu điện não của người Việt Nam.

"Với TS Hà Thị Thanh Hương cũng như nhiều nhà khoa học giỏi khác đang làm việc ở trường Đại học Quốc tế, nhà trường luôn tạo điều kiện làm việc tốt nhất, thuận lợi nhất cho thầy cô từ nước ngoài trở về tham gia giảng dạy và nghiên cứu như chế độ trả lương, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công việc. Đó cũng là cách thu hút nhân tài về với trường".
TS. Trần Tiến Khoa, Hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế

MỚI - NÓNG