Nước đến chân mới nhảy

Nước đến chân mới nhảy
TP - Theo nhiều hiệu trưởng trường THPT, tình trạng học lệch trong học sinh là một nguyên nhân khiến họ “ăn không ngon ngủ không yên” khi kỳ thi tốt nghiệp THPT ngày càng tiến gần. 

Cách đây một tháng, một độc giả là phụ huynh có con học lớp 12 ở một trường THPT nổi tiếng của Hà Nội tìm đến phóng viên báo Tiền Phong để nhờ tư vấn.

Con chị (tên T.) vốn là một học sinh giỏi toàn diện nhưng kể từ năm học lớp 10, T. chỉ chú tâm vào học các môn Toán, Lý, Hóa. Học kỳ II năm học này, chị được thầy giáo chủ nhiệm nhiều lần than phiền về tình trạng lơi là với các môn khối xã hội của con chị, đặc biệt là môn Văn.

Với môn này, T. đã bị giáo viên cảnh báo bằng cách cho điểm 0. Thậm chí khi kiểm tra vở bài tập, giáo viên còn phát hiện từ đầu năm học tới nay, T. chưa soạn 22 bài văn. Giáo viên chủ nhiệm nhận định, với tình trạng này, T. cầm chắc trượt tốt nghiệp.

Sau quá trình nỗ lực kèm cặp của phụ huynh, T. đã tạo được sự “bứt phá” trong môn Văn với kết quả tổng kết học kỳ II là 4,9 điểm. Trong khi đó, điểm tổng kết môn Toán của T. là 8,5 điểm, các môn Hóa và Lý cũng đều trên 8,0.

Đặc biệt, trong đợt thi thử tốt nghiệp vừa qua, T. đạt điểm 5 môn Văn và là một trong nhóm ít bạn của lớp đạt điểm trung bình trở lên với tất cả các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, Hóa, Sử, Địa. Cả lớp có khoảng hơn 20 bạn bị điểm dưới trung bình ít nhất một trong các môn xã hội.

“Cháu ít khi để bố mẹ phải nhắc nhở với những môn thi đại học khối A. Kể từ khi Bộ GD&ĐT công bố các môn thi tốt nghiệp, trong 6 môn thi chỉ có 2 môn khối A thì tôi rất lo. Tôi vẫn nhắc cháu, không đỗ tốt nghiệp thì dẫu có học tốt các môn tự nhiên đến mấy vẫn vô nghĩa nhưng cháu gạt đi, bảo mấy ai trượt tốt nghiệp đâu mà mẹ lo hão!”, phụ huynh T. tâm sự. 

Môn phụ: Học sinh mặc sức làm việc riêng

Theo thông lệ, đầu tháng 4, sau khi Bộ GD&ĐT công bố các môn thi tốt nghiệp, nhiều trường bắt đầu sử dụng liều thuốc “tăng tiết”. Đây là một hình thức tổ chức dạy học không được lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội ủng hộ.

Theo nhiều hiệu trưởng, nếu xét trên mặt bằng chương trình học, đề ra kỳ thi tốt nghiệp hằng năm không khó, thậm chí khá dễ đối với những học sinh lên lớp chăm chú nghe giảng.

Tuy nhiên, đây là một kỳ thi thách thức đối với hiệu trưởng các trường THPT bởi hiệu trưởng nào cũng kỳ vọng tỷ lệ đỗ của học sinh trường mình đạt con số càng cao càng tốt trong khi tình trạng học lệch của học sinh hiện nay là phổ biến.

“Năm nay là một năm rất căng thẳng bởi chỉ có hai môn khối tự nhiên là Toán và Hóa. Hai môn này không thể cõng nổi 4 môn còn lại”, một hiệu trưởng nhận xét.

Tại một hội nghị về chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp do Sở này tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, ông Đoàn Hoài Vĩnh, Phó Giám đốc Sở cho rằng chỉ cần thực hiện nghiêm túc hoạt động dạy và học thì với số tiết quy định của từng môn, việc thi đỗ tốt nghiệp của học sinh là đương nhiên. Nếu phải tăng tiết mới đỗ được tốt nghiệp với tỉ lệ cao thì chứng tỏ hiệu trưởng lơi là trong việc quản lý, giáo viên lơi là trong việc dạy.

Ông Vĩnh cũng chỉ đạo các trường không được vì tăng tiết mà dẫn đến việc cắt bỏ tiết, học dồn học ép các môn không thi tốt nghiệp.

Trao đổi với Tiền Phong, hiệu trưởng một trường THPT cho rằng chỉ đạo này của Sở GD&ĐT là việc chẳng đừng. “Tăng tiết các trường cũng đã tăng từ lâu rồi, chẳng phải chờ đến chỉ đạo của Sở mới tăng hay không tăng. Gần trăm trường THPT trên toàn thành phố, Sở làm sao kiểm tra cho xuể? Sở có ý kiến như vậy để cho có tiếng là đã chỉ đạo.

Với chương trình học hiện nay, thường ngày giáo viên chỉ chạy chương trình thôi là đã đủ mệt. Giờ muốn dạy học để học sinh thi tốt nghiệp đạt điểm cao thì buộc phải tăng tiết, trường nào cũng vậy”, vị hiệu trưởng này nhận xét.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, rất ít trường không áp dụng hình thức tăng tiết, kể cả những trường có điểm tuyển đầu vào cao thuộc diện nhất nhì thành phố.

Chẳng hạn trường THPT dân lập Lương Thế Vinh, từ giữa tháng 4 nhiều lớp 12 đã có điểm tổng kết các môn học. Sau thời điểm này, các lớp 12 của trường đồng loạt áp dụng thời khóa biểu mới mà các môn học gồm chỉ 6 môn thi tốt nghiệp.

Các trường công lập thì dè dặt hơn. Một học sinh trường THPT Trần Phú cho biết: “Thời khóa biểu lớp về cơ bản vẫn giữ nguyên như trước đây, nhưng tăng tiết các môn thi tốt nghiệp. Chẳng hạn trước đây. Sử, Địa mỗi môn có 1 tiết/ tuần thì nay 2 tiết/tuần/môn. Nhưng nhiều môn tuy có tên trong thời khoá biểu như Giáo dục Công dân, Công nghệ song giáo viên vào lớp thì không dạy mà cho học sinh ngồi tự do học những môn mình muốn”.

Theo các học sinh lớp 12 trường Thăng Long, học sinh muốn học môn nào thì học trong các tiết của môn không thi, miễn là học sinh phải trật tự.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.