Nước mình hầu như chẳng giống nước nào...

Nước mình hầu như chẳng giống nước nào...
TP - Theo GS - TS Nguyễn Lân Dũng, việc cần có nhiều bộ sách giáo khoa là hiển nhiên, nhưng với chương trình hiện nay mà cho biên soạn thêm nhiều bộ sách giáo khoa thì sẽ lãng phí rất lớn.
Nước mình hầu như chẳng giống nước nào... ảnh 1

Khi đã có chương trình chuẩn, sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa để học sinh và giáo viên lựa chọn. Ảnh: Hồng Vĩnh

Về quan điểm nên có một hay nhiều bộ SGK, GS Nguyễn Lân Dũng nói:

Theo tôi, trong thời điểm hiện nay, một bộ SGK hay nhiều bộ SGK chưa quan trọng lắm. Vấn đề ở chỗ, chúng ta đã có một chương trình phổ thông tốt hay chưa.

Mà chuyện để có một chương trình phổ thông tốt thì theo tôi đâu có khó khăn gì lắm đâu. Các nước trên thế giới người ta có đầy chương trình tốt, và hầu như rất giống nhau. Các môn khác không hiểu thế nào chứ môn sinh học thì tôi thấy chương trình của ta chả giống với nước nào cả.

Người ta có bề dày nghiên cứu kỹ càng hơn ta, học sinh ta cùng tuổi với học sinh nước khác, số năm học như nhau, trí tuệ đâu có thua kém ai.

Vậy sao ta không thể tham khảo nhiều hơn các chương trình giáo dục phổ thông của thế giới, nhất là với các môn khoa học tự nhiên như toán, lý , hóa, sinh….

Tất nhiên cần thay đổi cho phù hợp với điều kiện tự nhiên và trình độ tiếp thu của học sinh ta. Ngay cả các môn khoa học xã hội ta cũng nên tham khảo chương trình của các nước khác.

Có nên bắt học sinh học những tác phẩm tuy có giá trị trong lịch sử văn học nước nhà nhưng rất trúc trắc, xa lạ với văn chương hiện đại hay không? Các tác phẩm này, theo tôi nên để dành cho bậc đại học.

Được biết, Bộ GD&ĐT cũng đã có kế hoạch  xây dựng chương trình mới?

Xây dựng như thế nào thì cần phải được thảo luận kỹ.

Rồi chuyện phân ban. Phải quyết định chuyện phân ban thế nào cho thật hợp lý rồi mới có thể soạn chương trình chuẩn được. Tôi rất muốn ta xem xét thật khách quan kiểu phân ban của Nepal.

Họ coi học hết lớp 10 là đầy đủ kiến thức phổ thông rồi, cho nên hai lớp 11 và 12 được phân thành bốn ban (quản trị kinh doanh, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên 1 - toán lý, khoa học tự nhiên II - sinh hóa).

Mỗi phân ban chỉ học có bốn môn cho nên mỗi môn có thể học rất sâu. Sách giáo khoa sinh học mỗi lớp dầy tới gần 700 trang. Rồi còn chuyện học ngoại ngữ.

Không có lý gì sau 12 năm học phổ thông và thêm bốn, năm năm học đại học mà sinh viên ra trường không thành thạo được bất kỳ một ngoại ngữ nào.

Theo tôi nên để cho các hội khoa học chuyên ngành đứng ra tổ chức việc xây dựng chương trình, vì đó là nơi tập trung mọi chuyên gia thuộc chuyên ngành đó và là nơi rất dân chủ trong thảo luận, bàn bạc.

Mặt khác, vì chuyện này rất hệ trọng cho nên chương trình cần thông qua Quốc hội trước khi chính thức ban hành.

Học sinh quyết định chọn sách giáo khoa

Lúc nào nên có nhiều bộ SGK, thưa Giáo sư?

Khi đã có một chương trình chuẩn sẽ có nhiều bộ SGK như ở các nước khác. Hầu như không có nước nào SGK do chính phủ bỏ tiền ra in.  Đây là chuyện của các nhóm tác giả và các nhà xuất bản.

Về nguyên tắc, nội dung các bộ SGK phải bám sát chương trình chuẩn và phải được thông qua bởi một hội đồng kiểm định về chất lượng khoa học. Nhóm tác giả nào viết giỏi thì thầy trò dạy tốt, học tốt, thi đạt kết quả cao. Và ngược lại chả ai mua và lỗ vốn. Thế mới là xã hội hóa giáo dục.

Theo giáo sư, ai sẽ là người có quyền chọn sách giáo khoa?

Quyền quyết định là học sinh. Giáo viên có thể đưa ra lời khuyên (không phải bắt buộc) với học sinh nên chọn sách nào. Nếu do giám đốc sở hay hiệu trưởng quyết định tất yếu dẫn đến hiện tượng móc ngoặc.

Vậy sẽ có chuyện một trường, một lớp có thể học nhiều bộ SGK khác nhau?

Hãy để cho học sinh và giáo viên được thoải mái lựa chọn. Dạy có nhất thiết theo SGK đâu! Thi cũng đâu có theo SGK như kiểu hiện nay. Thi và dạy đều theo chương trình chuẩn.

Qua đó, cách dạy của giáo viên cũng sẽ rất linh hoạt, phong phú, mỗi người một kiểu, miễn sao học sinh hiểu sâu, nắm chắc và dễ dàng vượt qua các kỳ kiểm tra, thi cử.

Dù Bộ GD&ĐT vẫn khẳng định đề thi căn cứ vào chương trình nhưng sau kỳ thi, nếu có việc tranh cãi về đề thi/đáp án thì Bộ GD&ĐT cũng như dư luận vẫn lấy SGK ra làm căn cứ?

Thế thì tôi mới nói rằng nước mình hầu như chẳng giống nước nào khi chỉ có một bộ sách giáo khoa, dạy theo SGK, thi theo SGK. Giáo viên chả cần sáng tạo gì.

Tài năng của đất nước không được tận dụng. Sai sót trong sách giáo khoa bắt mọi học sinh hứng chịu!  Nếu dạy theo chương trình, thi theo chương trình thì sẽ khác hẳn. Nếu không phân ban thì chất lượng tốt nghiệp phổ thông sẽ rất thấp vì học sinh cấp III phải học quá nhiều môn.

Phân ban theo kiểu chênh nhau 10 phần trăm thì thật là phi lý! Môn sinh học chẳng hạn, sách giáo khoa lớp 12 mỏng tèo tèo. Nếu thực hiện quy định không được ra đề trùng với các đề thi cũ thì thật là không biết xoay xở thế nào?

Cảm ơn giáo sư!

Quý Hiên
Thực hiện

MỚI - NÓNG