Olympic toán học quốc tế qua một vài con số

Olympic toán học quốc tế qua một vài con số
Kỳ thi Olympic Toán học quốc tế lần thứ 48 (IMO 2007) lần đầu tiên do Việt Nam đăng cai tổ chức sẽ diễn ra tại Hà Nội từ 19 đến 31-7-2007. Với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, IMO 2007 có sự tham gia của 523 học sinh đến từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dưới đây là một vài con số về IMO qua các kỳ thi.

1959: IMO đầu tiên được tổ chức năm 1959 tại Rumani. Kể từ đó, IMO được tổ chức hằng năm, trừ năm 1980. Trong số Olympic quốc tế các môn khoa học thì IMO là kỳ thi được tổ chức sớm nhất.

6 và 7: Mỗi đoàn cử sáu học sinh. Học sinh dự thi phải dưới 20 tuổi và chưa học quá các chương trình trung học. Như vậy, một học sinh có thể nhiều lần tham gia IMO.

Đề thi IMO gồm sáu bài toán, mỗi bài bảy điểm, như vậy điểm tối đa là 42. Thí sinh làm bài trong hai ngày, mỗi ngày có bốn tiếng rưỡi để làm ba bài toán. Các thí sinh được xếp thứ hạng dựa trên kết quả bài thi, điểm tổng của cả đoàn không được công nhận chính thức.

1:2:3: Tổng số huy chương được trao không quá nửa số thí sinh dự thi. Tỷ lệ huy chương vàng, bạc, đồng là khoảng 1:2:3. Thí sinh không giành huy chương vàng, bạc, đồng nhưng có ít nhất một bài toán đạt điểm tuyệt đối (7 điểm) sẽ được nhận bằng khen.

8: Có tám thí sinh IMO sau này đã được trao giải Fields, giải thưởng danh giá được xem như “Nobel Toán học”. Ba người trong số đó là các học sinh Liên Xô: Grigory Margulis, Huy chương bạc IMO năm 1962, được trao giải Fields năm 1978; Vladimir Drinfel, Huy chương vàng IMO năm 1969, được trao giải Fields năm 1990; Grigori Perelman, Huy chương vàng IMO năm 1982, được trao giải thưởng Fields năm 2006.

Perelman- cựu thí sinh IMO từ chối nhận giải Fields.

Trong số ba cựu thí sinh IMO nói trên, gây chú ý nhiều nhất là Perelman (sinh năm 1966). Năm 2006, ông được trao giải Fields vì đã tìm ra lời giải cho bài toán “Công thức vũ trụ” do nhà toán học Pháp Poincaré nêu ra từ năm 1904. Đây là bài toán được Viện Toán Clay thuộc Đại học Cambridge xác định là một trong bảy bài toán quan trọng nhất còn chưa giải được của thiên niên kỷ và treo giải thưởng 1 triệu USD cho mỗi lời giải.

Lời giải của Grigori Perelman cho bài toán Poincaré đã được cộng đồng toán học quốc tế nhất trí thừa nhận. Nhưng Perelman đã thẳng thắn từ chối nhận giải Fields cũng như tiền thưởng với lý do nó “hoàn toàn không phù hợp với tôi. Ai cũng biết rằng, một khi bài toán đã được chứng minh thì mọi sự công nhận khác đều là thừa.” Trước đó, ông cũng đã từng khước từ học vị Tiến sĩ và mọi sự đề bạt.

2: Có hai thí sinh từng bốn lần đoạt Huy chương vàng IMO, đó là Reid Barton, thí sinh Mỹ (1998-1999-2000-2001) và Christian Reiher, thí sinh Đức (2000-2001-2002-2003). Thực tế, Reiher đã có tất cả năm lần tham gia IMO nhưng một lần chỉ đoạt Huy chương đồng, đó là lần đầu anh dự thi IMO năm 1999.

3: Có ba thí sinh từng năm lần tham gia IMO, trong đó có ba lần đoạt Huy chương vàng, tất cả đều là thí sinh của CHDC Đức, CHLB Đức và của nước Đức thống nhất.

Có ba đội tuyển từng có lần ra về với sáu Huy chương vàng, đó là Trung Quốc (tám lần: 1992-1993-1997-2000-2001-2002-2004-2006), Mỹ (một lần - 1994) và Bungari (một lần - 2003). Trong khi đó, đội tuyển Hungary và Đức là hai đội đều từng có một lần ra về mà không giành Huy chương vàng nào cả.

19: Đã có 19 thí sinh ba lần liên tiếp đoạt Huy chương vàng IMO. Ciprian Manolescu (Romania) là thí sinh duy nhất ba lần đoạt huy chương vàng với điểm tuyệt đối (42 điểm) vào các năm 1995-1996-1997.

Eugenia Malinnikova (Liên Xô) là nữ thí sinh IMO xuất sắc nhất, ba lần đoạt huy chương vàng:1989 (41 điểm),1990 (42) và 1991 (42).

Oleg Golberg là thí sinh duy nhất ba lần đoạt huy chương vàng IMO dưới danh nghĩa thí sinh của hai nước khác nhau: năm 2002 và 2003, anh giành huy chương vàng cho nước Nga và năm 2004 thì giành huy chương vàng cho nước Mỹ.

13: Năm 13 tuổi, Terence Tao (Australia) trở thành thí sinh IMO nhỏ tuổi nhất đoạt Huy chương vàng. Ngay lần đầu tham dự IMO năm 11 tuổi, Terence Tao, sinh năm 1975, mang hai dòng máu Hàn – Trung, đã đoạt Huy chương đồng. Năm 2006, anh cũng được trao giải Fields. Hiện anh là giảng viên tại ĐH California, Los Angeles (UCLA), nơi anh được phong giáo sư chính thức năm 24 tuổi.

MỚI - NÓNG