Ôn tập môn Văn: Đừng học lan man

Ôn tập môn Văn: Đừng học lan man
TP - Lời khuyên của cô giáo Trần Thị Lan Anh, giáo viên trường THPT Thăng Long, Hà Nội về phương pháp ôn tập và thi môn Văn hiệu quả.

Trong các môn thi tốt nghiệp, môn Văn là môn khó đạt điểm cao nhất. Tuy nhiên, đây lại là môn mà thí sinh có thể đạt kết quả cao hơn mong muốn nhờ tâm lý thoải mái khi ngồi trong phòng thi. Tất nhiên, nền tảng là phải được ôn tập tốt.

Ôn tập môn Văn: Đừng học lan man ảnh 1
Đừng lan man khi học Văn

Học như thế nào để dễ nhớ?

Những năm gần đây, đề thi trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT rất sát kiến thức cơ bản mà học sinh được học trong nhà trường. Chương trình Văn học lớp 12 gồm Văn học Việt Nam, Văn học nước ngoài.

Về hình thức có hai thể loại: Văn xuôi và thơ. HS khi ôn tập nên tập trung vào chương trình cơ bản. Không học rộng. Nhiều HS học miên man, khi làm bài cứ liên tưởng tràn lan khiến cho bài viết bị loãng, khó có điểm cao.

Các em nên chia kiến thức ra thành những đơn vị nhỏ để dễ nhớ: Tác giả, tác phẩm, giai đoạn văn học, phong cách. Chia “ngang” rồi lại chia “dọc”: Thơ, văn xuôi.

Ngoài những điểm chung phải nhớ cho một tác phẩm văn học, kiến thức phải nhớ của thơ và văn xuôi có những cái riêng. Những kiến thức HS phải nhớ với văn xuôi gồm: Tư tưởng chủ đề, đề tài. Nó là giá trị nhân đạo hay nó nói về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nói về con người đánh Mỹ, hay là luận đề. Đã là văn xuôi thì phải có tóm tắt tác phẩm, tìm những dẫn chứng và phải nhớ dẫn chứng.

HS hãy gạch chân những đoạn văn làm sáng tỏ những nội dung hoặc đề tài mà tác phẩm đề cập tới rồi ghi nhớ. Ví dụ: Nhà văn Nguyễn Tuân miêu tả con sông Đà vừa dữ dội, vừa trữ tình. Vậy chi tiết nào thể hiện sự dữ dội? Chi tiết nào thể hiện nét đẹp trữ tình?

Với thơ, thì HS phải nhớ được cảm hứng chủ đạo (văn học hiện đại không nặng về đánh giá tư tưởng chủ đề trong tác phẩm thơ). Sau đó các em tách ra từng đoạn, nhớ rõ cảm hứng chủ đạo của từng đoạn.

Tiếp theo là chọn câu nào hay hoặc độc đáo để học thuộc. Không cần thuộc cả đoạn hay cả bài. Cách ra đề bây giờ không đòi hỏi HS phải thuộc cả bài thơ mà chỉ cần thuộc dẫn chứng.

Văn xuôi cũng như thơ, HS nên hệ thống lại và chọn vừa đủ kiến thức để học phục vụ việc ôn thi. Học quá nhiều sẽ mệt, đuối sức. Các em phải thi 6 môn chứ không chỉ môn Văn. Trong khi đó với môn Văn, nếu các em học không tập trung vào kiến thức cơ bản thì đủ cảm thấy việc học quá mênh mông.

Cần chú trọng kỹ năng trình bày

Khi tiếp cận một đề bài, bao giờ HS cũng phải đọc kỹ để nhận diện đúng yêu cầu của đề. HS phải xác định đề bài yêu cầu dạng nghị luận nào: Chứng minh, phân tích, giải thích...? Theo đó để chọn đúng hình thức diễn đạt cho phù hợp. Nếu chứng minh thì phải diễn dịch, quy nạp cho sinh động. Nếu phân tích thì phải sử dụng thao tác tổng – phân – hợp nhiều hơn...

Sau khi xác định được đề và viết ra nháp các ý chính là đến lúc HS bắt tay vào viết bài. Đến đây, HS phải thể hiện một kỹ năng rất quan trọng: Trình bày.

Bố cục một bài văn góp phần rất lớn để người đọc (giám khảo) định hình được đây có phải là người có học văn hay không. Một bài văn có 3 phần: Đặt vấn đề, giải quyết vấn đề và kết thúc vấn đề.

Mỗi phần ta chia thành từng ý. Mỗi ý là một đoạn. Giữa các ý phải có chuyển đoạn. Phải có xuống dòng. Lùi vào đầu câu. Viết mà liền tù tì làm cho người đọc thấy rối mắt, không thấy có sự mạch lạc trong tư duy của người viết. Viết như thế sẽ không tạo được thiện cảm với người đọc. 

Có một điều HS nên lưu ý, học văn là phải có cảm xúc. Cảm xúc càng trung thực, càng chân thành càng dễ làm người đọc đồng cảm. Các em đừng nghĩ rằng cảm xúc là những từ cảm thán, là những ngôn từ sáo rỗng, bóng bẩy.

Cảm xúc nó thể hiện ở cách diễn đạt, ở các loại câu khác nhau (tương ứng với các góc tiếp cận vấn đề). Nhiều HS tưởng rằng, trong đáp án môn Văn có biểu điểm cho từng ý là giám thị cứ vậy đếm ý mà cho điểm.

Bài làm nào có thể hiện được ý thông qua cảm xúc thì bài đó được điểm cao. Còn những bài tuy đủ ý nhưng không trình bày được cảm xúc, hoặc có cảm xúc mà chưa rõ ý... thì điểm sẽ thấp hơn là điều chắc chắn.

Dung lượng của một bài làm nên tương ứng với thời gian làm bài cho phép. Nếu viết quá ngắn thì giám khảo sẽ cảm nhận rằng, đó là bài làm của một người không có gì để viết, không biết triển khai một bài văn như thế nào.

Một bài văn không bao giờ chỉ có một đoạn cũng như chỉ có một luận điểm. Ngược lại, nếu quá dài thì lan man, thì không đủ thời gian để đáp ứng những yêu cầu khác trong một đề thi.

Lan man là một bệnh khá phổ biến ở những em học khá môn Văn. Các em phải sắp xếp thời gian hợp lý để tập trung vào yêu cầu chính, không viết lan man, dẫn đến bỏ lửng. Bỏ lửng ý nào là các em mất điểm ý đó.

Môn Văn là môn thi đầu tiên trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT.  Do đó, tâm lý khi làm bài thi rất quan trọng. Hơn nữa, môn Văn là môn mà nếu  nhờ có tâm lý làm bài tốt, thí sinh có thể đạt được kết quả cao hơn mong muốn. Đây là nét đặc thù của môn Văn so với các môn thi khác.  

Quý Hiên ghi

MỚI - NÓNG