Ông Hiệu trưởng tiếp tục đối phó với Bộ GTVT

Ông Hiệu trưởng tiếp tục đối phó với Bộ GTVT
Tiền Phong số 55 ra ngày 18/3/2005 có đăng  hồi  âm loạt bài điều tra ở trường Cao đẳng giao thông vận tải 3 (CĐGTVT3): Vẫn thu học phí ở mức “cắt cổ”. 

Ngay sau khi báo phát hành, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GTVT  đã đề nghị lãnh đạo trường CĐGTVT3 giải trình những gì báo nêu. Ngày 21/3/2005, ông Nguyễn Đức Tư, Hiệu trưởng trường CĐGTVT 3 đã có công văn 54 giải trình sự việc với  Bộ GTVT.

Sau khi viện dẫn lý do nguồn kinh phí Ngân sách Nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp khác không đủ hoạt động, ông Hiệu trưởng Nguyễn Đức Tư khẳng định: “Với mức thu đó (cao hơn gấp đôi so với Quyết định 70/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ-PV), mới có thể đảm bảo mọi hoạt động tối thiểu của trường”.

Rõ ràng, cách giải trình này không thể chấp nhận được bởi đến thời điểm hiện tại, Quyết định 70/1998/QĐ-TTg ngày 31/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ vẫn còn nguyên giá trị. Tất cả các trường ĐH, CĐ, THCN công lập trong cả nước khi thu học phí đối với sinh viên, học sinh buộc phải tuân theo.

Và khi tuân theo quyết định  này, tất cả các trường ĐH, CĐ, THCN công lập trong cả nước vẫn hoạt động bình thường, vậy thì tại sao trường CĐGTVT 3 phải thu học phí cao gấp 2 lần mới có thể hoạt động được? Phải chăng, tình hình hoạt động tài chính ở trường CĐGTVT 3 có vấn đề?

Cũng cần nhắc lại, trước đây, khi báo Tiền Phong chưa đăng loạt bài “Học phí “cắt cổ” sinh viên” và khi Thanh tra Bộ GTVT, Bộ GD-ĐT chưa tiến hành thanh tra, ông Nguyễn Đức Tư- Hiệu trưởng và ông Đinh Công Tâm - Hiệu phó chưa bị kỷ luật thì học phí ở trường CĐGTVT 3 cao gấp 3 lần so với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng trong bản giải trình gửi Bộ GTVT, ông Nguyễn Đức Tư lấy tổng số tiền thực thu từ sinh viên, học sinh  là 7.425.762.000 đồng chia cho tổng số học sinh, sinh viên, công nhân hiện có của trường là 5.154 em, cho ra mức thu bình quân cho mỗi đầu học sinh - sinh viên là 1.440.776 đồng.

Từ đó, ông Nguyễn Đức Tư khẳng định với Bộ GTVT là “Mức thu này thấp hơn mức thu theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 1.500.000 đồng/sinh viên cao đẳng”! Tuy nhiên, khi tính toán, ông Nguyễn Đức Tư đã cố tình quên một điều rằng: Trong tổng số 5154  sinh viên, học sinh hiện có ở trường CĐGTVT 3, thì chỉ có 1529 em là sinh viên CĐ, còn lại có đến 2.674 em đang học THCN và 951 em đang theo học hệ Công nhân kỹ thuật.

Mà theo Quyết định 70 của Thủ tướng Chính phủ, mức thu học phí một năm đối với học sinh THCN không quá 1.000.000 đồng/học sinh; Công nhân kỹ thuật không quá 1.200.000 đồng/học sinh. Ông Nguyễn Đức Tư chẳng lẽ không biết điều này?

Trường CĐGTVT3 là trường công lập nhưng sinh viên- học sinh theo học trường này phải đóng học phí cao gấp nhiều lần so với các trường công lập khác trong cả nước. Đây thực sự là một nghịch lý. Thiết nghĩ, lãnh đạo Bộ GTVT cần phải giải quyết dứt điểm  nghịch lý này để trả lại công bằng cho học sinh- sinh viên.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.