Ôsin đến lớp

Ôsin đến lớp
Những tưởng cánh cửa học tập sẽ khép hẳn lại với những mảnh đời sớm phải nghỉ học khi bước chân vào "bến ôsin", thế nhưng, khi đã được xem như một thành viên của gia chủ, họ lại tiếp tục đến trường.

Một ngày của Thủy bắt đầu với những công việc được mặc định: sáng thức dậy dọn nhà cửa, giặt quần áo, trưa và tối vào bếp chuẩn bị bữa cơm cho cả gia đình. Thời gian còn lại, Thủy phải trông đứa trẻ lên 2 tuổi.

Mẹ mất sớm, bố đi bước nữa, mấy sào ruộng ở quê không đủ nuôi bốn chị em Thủy ăn học. Cảnh dì ghẻ con chồng nhiều lúc cơm không lành canh chẳng ngọt với cô bé.

16 tuổi, Thủy lên Hà Nội làm ôsin cho nhà một bà cô có họ hàng xa. Ngày từ quê ra phố, Thủy gạt nước mắt vì phải bỏ dở chuyện học hành, bỏ dở ước mơ vào đại học.

"Mới xa nhà, đêm nào em cũng khóc. Nhớ nhà, nhớ trường, nhớ bạn. Cứ nghĩ đến việc không được đi học là em tủi thân" - Thủy bùi ngùi.

Nhớ chữ, mượn được tập sách cũ, hai tháng đầu, Thủy vừa làm công cho nhà chủ, vừa tranh thủ học bài. Thấy thế, bà chủ nhà xin cho Thủy vào học lớp 10 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) quận Ba Đình, Hà Nội.

Trong lớp học buổi tối, Thủy đã gặp Phượng cũng là một ôsin. Lớn hơn Thủy hai tuổi, cô bé quê ở huyện miền núi Anh Sơn, Nghệ An thật thà nói: "Nghỉ học hai năm, giờ học môn toán thấy khó lắm. Bao nhiêu công thức đều đã quên hết cả”.

Phượng kể, tốt nghiệp THCS, em "tình nguyện" nghỉ học để anh trai có cơ hội học tiếp. "Bố mẹ làm ruộng thì làm răng mà nuôi nổi hai anh em học bán công được" - Phượng giải thích lý do mình nghỉ học.

Năm học vừa rồi Phượng được chủ nhà mua cho chiếc xe đạp và hằng ngày đến lớp để cố kiếm cho được bằng THPT.

"Cô chủ bảo học xong sẽ xin việc cho" - Phượng chia sẻ.

Không lụi tắt ước mơ

Giang, bây giờ đang là nhân viên cho nhà trẻ Cầu Vồng, cho tôi hay: "Sẽ tiếp tục học thêm trung cấp sư phạm để được làm cô giáo dạy trẻ”.

Lớp 10C với sĩ số gần 40 người thì có bốn cô giúp việc đang theo học. TTGDTX quận Ba Đình nói riêng, và các TTGDTX trên địa bàn Hà Nội nói chung, từ nhiều năm nay đã có nhiều ôsin theo học.

Thông cảm với hoàn cảnh của người giúp việc trên nẻo đường kiếm chữ, hầu hết các trung tâm này có chế độ đãi ngộ thời gian hơi… thoáng.

Riêng với những đối tượng là ôsin, giờ vào lớp có thể được phép muộn tối đa là 15 phút.

Bà Nguyễn Thị Vân Thái, nguyên giám đốc TTGDTX Ba Đình, cho biết: "Có khoảng 30% số HS đang theo học ở trung tâm đang hoặc từng làm ôsin".

Giang xuất phát là một cô gái thôn quê ít học, được người quen giới thiệu đến giúp việc cho một gia đình người nước ngoài ở Hà Nội.

Biết rõ hoàn cảnh, họ tạo điều kiện cho cô đến trường để nâng cao trình độ. Tiền học được gia chủ cho, Giang đã học hết lớp 12, đồng thời qua một thời gian "cắm bản" nhà Tây, tiếng Anh giao tiếp của cô đã không tồi.

Còn cô gái hơn 20 tuổi La Thị Hợi đã biết dẹp bỏ mặc cảm… tuổi nhiều để bắt đầu "chiến đấu" với chương trình của sách giáo khoa lớp 10.

Hằng ngày, buổi sáng đưa con của chủ đến trường xong, cô rẽ ngang vào lớp để ngồi nghe giảng. Khó nhất là khi học các môn tự nhiên với những người mới "khởi động" lại sách vở như Hợi.

Trích lương để nộp học phí mỗi tháng tròn 100.000 đồng, Thủy bảo: "Mình tự kiếm tiền để nuôi mình học thì thấy việc học thêm ý nghĩa. Em muốn sống tự lập ngay từ bây giờ". Khi hỏi đến tính cách của bà chủ nhà, đôi mắt cô bé cười hiền khô: "Dạ, người ta tốt bụng và nghiêm khắc có giới hạn".

Biết sắp xếp công việc trong một ngày để có thời gian học bài là một trong những "chủ đề” mà các ôsin - học sinh hay "mách nước" cho nhau. Với Thủy và Phượng thì sau bữa cơm trưa là thời điểm nhàn rỗi nhất để tranh thủ ôn lại kiến thức, chuẩn bị bài vở.

Buổi tối, sau khi từ trường về, khoảng 9g hơn là lại ngồi vào bàn học. Những ngày sau tết dù muốn ở nhà thêm ít ngày nhưng các ôsin tuổi "teen" này lại vội vàng chen xe trở lại Hà Nội cho kịp với buổi học đầu tiên của năm mới.

Theo Trần Anh - Lê Phan
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG