PGS.TS Lê Hiếu Học: Tôi ủng hộ xét tốt nghiệp THPT

TPO - PGS.TS Lê Hiếu Học cho rằng, trong bối cảnh năm nay, nên chăng chúng ta phải chấp nhận những giải pháp mang tính tình thế: hoặc công nhận xét tốt nghiệp với các em học sinh lớp 12, giống như thừa nhận kết quả học trực tuyến với học sinh các lớp dưới; hoặc lùi toàn bộ việc học của các em học sinh phổ thông 1 năm học.

Trước tình hình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3 ngày 1/4, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp đối với thi THPT quốc gia năm nay.

Trước đó, như Tiền Phong đã đưa tin, một số chuyên gia giáo dục cho rằng Bộ GD&ĐT cần tính đến các phương án của kỳ thi THPT quốc gia năm nay trong bối cảnh dịch COVID-19 đang hoành hành. 

Về vấn đề này, PGS.TS Lê Hiếu Học - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho rằng, trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp đến mức không thể tổ chức thi THPT quốc gia năm 2020 vì lý do an toàn sức khoẻ của cả cộng đồng thì việc tranh luận thi đầy đủ các môn bao gồm cả tổ hợp hay chỉ thi 3 môn chính (Toán, Văn, Ngoại ngữ) sẽ không còn ý nghĩa. Khi đó, có thể xem xét việc xét tốt nghiệp THPT dựa trên kết quả của quá trình học của học sinh.

PGS.TS Lê Hiếu Học: Tôi ủng hộ xét tốt nghiệp THPT ảnh 1

PGS.TS Lê Hiếu Học

Khó có thể có phương án cụ thể nào?

PV: Có ý kiến cho rằng, năm nay nên bỏ kì thi THPT quốc gia hoặc giảm bớt môn thi cho phù hợp tình hình thực tiễn nghỉ dịch Covid-19 quá dài ngày? Quan điểm của ông thế nào?

PGS.TS Lê Hiếu Học: Đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh kế hoạch năm học 2019-2020, quyết định và chỉ đạo giảm tải khối lượng kiến thức trong học kỳ 2 của năm học này và dự kiến vẫn tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia từ 8-11/8/2020. Đề thi tham khảo dựa trên khối lượng kiến thức giảm tải cũng đã được Bộ ban hành. Trước tiên, tôi (và chắc đa số các thầy, cô giáo, phụ huynh và học sinh lớp 12) mong rằng dịch bệnh sẽ sớm kết thúc để mọi việc diễn ra được đúng như kế hoạch.

Trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp đến mức không thể tổ chức thi THPT quốc gia năm 2020 vì lý do an toàn sức khoẻ của cả cộng đồng thì việc tranh luận thi đầy đủ các môn bao gồm cả tổ hợp hay thi 3 môn chính (Toán, Văn, Ngoại ngữ) sẽ không còn ý nghĩa.

PGS.TS Lê Hiếu Học: Tôi ủng hộ xét tốt nghiệp THPT ảnh 2 Độc giả lựa chọn phương án thi THPT quốc gia năm 2020 trên Báo điện tử Tienphong.vn.

Khi đó, có thể xem xét việc xét tốt nghiệp THPT dựa trên kết quả của quá trình học của học sinh. Tuy nhiên, phương án cụ thể như thế nào thì phải có hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với sự tham mưu, tư vấn của các cơ quan, ban ngành liên quan.  

PV: Có ý kiến lo ngại, nếu năm nay bỏ kì thi THPT quốc gia thì sẽ gây xáo trộn, xảy ra hiện tượng “tháo khoán”, gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục?

Thực tế chúng ta đều biết, trong quá trình học các em học sinh đều phải trải qua các “kỳ thi” nhỏ: bài thi 15 phút, kiểm tra miệng, kiểm tra 1 tiết, kiểm tra giữa học kỳ, kiểm tra cuối học kỳ và thi kết thúc năm học. Cuối mỗi lớp học đều phải đảm bảo đáp ứng điều kiện thì mới được lên lớp. Chuyển từ THCS lên THPT các em cũng phải qua kỳ thi chuyển cấp. Do vậy, nếu nói các em không trải qua kỳ thi nào thì không hoàn toàn chính xác.

Việc có ý kiến băn khoăn về hiện tượng “tháo khoán” là do dư luận thiếu niềm tin ở  quá trình giáo dục phổ thông. Để thay đổi hay tạo dựng được niềm tin này, ngành giáo dục nước nhà sẽ còn phải mất rất nhiều công sức và tâm huyết.

Trong bối cảnh năm nay, nên chăng chúng ta phải chấp nhận những giải pháp mang tính tình thế: hoặc công nhận xét tốt nghiệp với các em học sinh lớp 12, giống như thừa nhận kết quả học trực tuyến với học sinh các lớp dưới; hoặc lùi toàn bộ việc học của các em học sinh phổ thông 1 năm học. Triển khai phương án nào sẽ tuỳ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh. Chắc hẳn ngành giáo dục sẽ phải tính nhiều phương án, cho những tình huống khác nhau.

Tôi ủng hộ việc giao các địa phương xét tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT chỉ nên giám sát

PV: Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ GD&ĐT xây dựng phương án thi THPT quốc gia phù hợp. Dưới góc độ cá nhân, ông có đề xuất phương án thi như thế nào?

Việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia được tổ chức nhiều năm nay cũng là giải pháp cho những vấn đề ở thời điểm trước đó khi tách biệt 2 kỳ thi: tốt nghiệp và thi đại học, đặc biệt trong việc giảm thiểu sự khó khăn, phức tạp cho thí sinh và phụ huynh.

Theo dự kiến, năm sau Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những điều chỉnh cho kỳ thi này. Cá nhân tôi ủng hộ việc giao việc xét/tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương. Bộ Giáo dục và Đào tạo và UBND các Tỉnh/Thành phố cần thực hiện tốt vai trò chỉ đạo, giám sát, thanh tra để việc này được thực hiện đúng quy định, đảm bảo chất lượng và trách nhiệm với xã hội.

Về phương án thi THPT Quốc gia năm nay, tôi ủng hộ phương án hiện nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo: vẫn tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia (dự kiến ngày 8-11/8/2020) làm cơ sở cho việc xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học.

Bên cạnh đó, các trường đại học cũng đã có phương án tuyển sinh riêng của mình. Một số trường khác cũng đã đề xuất bổ sung hình thức thi đánh giá năng lực và các trường có thể tham khảo.

PV: Bộ GD&ĐT cũng thông tin, trong năm 2021 sẽ cải tiến kì thi THPT quốc gia. Theo ông, đã đến lúc bỏ kì thi THPT quốc gia thay bằng một kì thi toàn quốc cho đại học, còn xét tốt nghiệp nhẹ nhàng, giao cho các địa phương không?

Như đã trao đổi ở trên, cá nhân tôi ủng hộ việc giao các địa phương xét tốt nghiệp THPT, nhưng phải gắn trách nhiệm ở mức cao nhất với từng địa phương; đồng thời phát huy tối đa vai trò thanh tra, giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Triển khai phương án này cần có hành lang pháp lý phù hợp đi kèm.

Về tuyển sinh đại học, để trả lời câu hỏi “có nên có một kỳ thi toàn quốc để xét tuyển vào đại học hay không?” sẽ phụ thuộc vào nội dung, hình thức và cách thức tổ chức kỳ thi này như thế nào. Nếu chúng ta có được một ngân hàng đề thi đủ lớn, hạ tầng CNTT để tổ chức thi phân tán ở nhiều nơi, tổ chức vào nhiều đợt thi như các kỳ thi SAT hay ACT… thì hoàn toàn nên triển khai.

Xin cảm ơn ý kiến của Ông!

Thăm dò ý kiến
Thi THPT Quốc gia 2020, chọn phương án nào?
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.