Phải chống tiêu cực thi cử như chống dịch cúm gà!

Phải chống tiêu cực thi cử như chống dịch cúm gà!
Tại hội trường Quốc hội ngày hôm qua, 23/10, hầu hết các ý kiến đều tập trung mổ xẻ tiêu cực trong giáo dục và khoảng cách giàu nghèo giữa đô thị và nông thôn.

Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu (ĐB) Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) đã đi thẳng vào vấn đề đang được người dân quan tâm: "Nhiều năm dư luận rất bất bình về những tiêu cực xảy ra phổ biến trong thi cử, trong dạy thêm, học thêm tràn lan, trong chạy điểm, chạy trường, chuyển trường, trong tuyển dụng, tuyển sinh, trong bảo vệ luận án thạc sĩ, tiến sĩ".

ĐB Nguyễn Thị Hồng Vy (Sơn La) hưởng ứng: "Để xảy ra hiện tượng đó, trách nhiệm trước hết thuộc về ngành giáo dục, trực tiếp là các giáo viên, giảng viên, hiệu trưởng, hiệu phó".

Tuy nhiên, bà Vy cũng cho rằng, làm nên căn bệnh này có một phần lỗi của các bậc phụ huynh: "Từ đầu cấp đến cuối cấp họ đã nhờ vào trường chuẩn, lớp chọn, thậm chí còn chạy cả chỗ ngồi trong lớp học".

Đặc biệt, bà Vy đề xuất: "Vào kỳ thi, Chính phủ chỉ đạo tất cả các ngành các cấp vào cuộc, trong vòng ba ngày kiểm tra, thanh tra việc thi cử, như đã từng huy động tất cả các bộ trưởng đi dập dịch cúm gà, không chỉ tập trung vào những điểm nóng mà cần phải đến tận cả những điểm ở vùng sâu vùng xa, khen chê đúng mực để có một kết quả tương đối trung thực, công bằng. Và cũng cần chuẩn bị tâm lý khi con số tốt nghiệp có thể thấp đi nhiều so với những năm trước".

Chỉ cần đến nhà chuyên viên thu thuế...

Trong nhiều vấn đề nội dung của bốn nhóm giải pháp, Chính phủ cần chọn ra một số vấn đề nội dung có thể giải quyết dứt điểm hay hiệu quả có thể nhận thấy được trong một thời gian tương đối ngắn để cử tri có thể nhận ra tính khả thi cũng như hiệu quả hoạt động của Chính phủ...

Thủ tướng cần đưa ra các giải pháp có định lượng, các hạng mục cụ thể có thời gian, trả lời được ba đại lượng tức là cái gì, bao nhiêu và khi nào. Không định lượng thì rất khó giám sát, đánh giá...

Tôi mong muốn rằng, trong báo cáo của Chính phủ, bên cạnh những nội dung đã được thấy, Thủ tướng hãy mạnh dạn có lời đánh giá lòng dân với Chính phủ như thế nào?

Đương nhiên điều tra là phải khoa học, khách quan. Chừng nào chưa coi ý dân là một tiêu chí đánh giá hoạt động của Chính phủ thì các báo cáo của Chính phủ vẫn còn một khoảng trống dễ mang tính chủ quan và tăng thêm độ quan liêu trong nhận thức.

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai)

ĐB Huỳnh Thị Hường (Quảng Nam) làm nóng bầu không khí nghị trường khi đặt vấn đề về khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn ngày một xa.

ĐB Hường nêu con số cụ thể: "Năm 1990, khoảng cách giàu, nghèo là 4,1 lần; năm 1999 là 7,6 lần; năm 2001 là 8,1 lần; năm 2004 là 8,4 lần. Nếu chúng ta càng phát triển nữa thì khoảng cách sẽ rõ".

ĐB Trần Công Kích (Ninh Bình) xác nhận: "Một vấn đề hệ trọng nhưng nếu tới đây chúng ta không tập trung giải quyết một cách đồng bộ thì sẽ là một đại sự đáng lo ngại, đó chính là vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân".

ĐB Trần Hồng Việt (TP Cần Thơ) nghi ngờ về tỷ lệ hộ nghèo: "19% - con số này còn nhiều nghi ngờ, có phản ánh đúng thực chất hay không, phương pháp điều tra thế nào? Tôi đã phát hiện có những trường hợp xã đã giao chỉ tiêu cho ấp số lượng cụ thể về hộ nghèo, ấp thông báo về chỉ tiêu số lượng được giao trên cơ sở đó bình chọn không được vượt, vì chọn số hộ nghèo theo tiêu chí hiện hành quy định thì sẽ vượt, làm ảnh hưởng đến tiêu chí ấp văn hóa, xã văn hóa, ảnh hưởng đến thành tích thi đua, khen thưởng".

Ông Việt suy luận: "Cả nước chúng ta chắc không ít trường hợp bình chọn như trên".

ĐB Nguyễn Mạnh Đức (Yên Bái) khẳng định, biên giới giàu - nghèo trong các tầng lớp xã hội không chỉ tồn tại về mặt địa lý, bởi "nguy cơ này diễn ra ở ngay trong một ngành, trong một cơ quan. Anh làm ở khối làm kinh tế thì có đời sống khác với các sở ngành và bộ phận tiếp dân, trong công an thì đời sống, thu nhập của cảnh sát giao thông, cảnh sát điều tra khác với cảnh sát khác, hay trong quân đội thì đời sống của sĩ quan ban tài chính, ban tổ chức động viên khác thu nhập với ban bảo vệ".

Ông Đức nói thẳng: "Chỉ cần đến các cơ quan sở ngành của tỉnh với các cơ quan dân vận, đến nhà các đồng chí trưởng phòng bảo vệ và trưởng phòng tiếp dân, đến nhà những chuyên viên phụ trách thu thuế sẽ biết bề nổi ngay lập tức, chứ chưa nói đến bề chìm".

Theo Xuân Toàn
Thanh Niên

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.