Thu tiền đóng góp của phụ huynh học sinh ở Hà Nội:

Phải đủ năm chữ ký, bốn con dấu?

Phải đủ năm chữ ký, bốn con dấu?
TP - Sở GD&ĐT Hà Nội dự kiến, kinh phí tự nguyện đóng góp của phụ huynh để nâng cấp cải tạo cơ sở vật chất của trường cần phải có sự đồng ý bằng văn bản của UBND quận/huyện. Tuy nhiên, yêu cầu này bị lãnh đạo nhiều phòng GD&ĐT phản đối.
Phải đủ năm chữ ký, bốn con dấu? ảnh 1
Theo dự thảo của Sở GD&ĐT Hà Nội, kinh phí tự nguyện đóng góp của phụ huynh để nâng cấp cải tạo cơ sở vật chất của trường phải có sự đồng ý bằng văn bản của UBND quận/huyện - Ảnh: Công Đạt


Để chấn chỉnh hoạt động ban đại diện cha mẹ học sinh, hôm qua, lần đầu tiên, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị về vấn đề này.

Sở trưng cầu ý kiến các phòng GD&ĐT về hai dự thảo: hướng dẫn tăng cường quản lý thu chi trong các trường học; hướng dẫn tổ chức đại hội cha mẹ học sinh năm học 2009 – 2010.

Hội nghị dành dung lượng lớn cho vấn đề sử dụng, quản lý đối với những đóng góp của cha mẹ học sinh. Theo đó, đây là khoản thu tự nguyện, không bắt buộc. Cha mẹ học sinh có quyền từ chối mọi khoản đóng góp khi được ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường yêu cầu nếu không đảm bảo nguyên tắc tự nguyện.

Đặc biệt, theo dự thảo hướng dẫn, kinh phí tự nguyện đóng góp của phụ huynh để nâng cấp cải tạo cơ sở vật chất của trường phải rõ nội dung, mục đích, tiến độ thực hiện đầu tư, mức kinh phí cần huy động.

Tất cả những nội dung này phải được thể hiện trên văn bản, có đủ năm chữ ký và bốn con dấu của ban đại diện cha mẹ học sinh, hiệu trưởng, UBND phường/ xã, phòng GD&ĐT, UBND quận/huyện. Ngoài ra, các khoản đóng góp của phụ huynh phải được gửi tại kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng, do chủ tài khoản là một phụ huynh được bầu đứng tên...

Chưa đồng thuận

Về hướng dẫn tổ chức đại hội cha mẹ học sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra một quy trình đại hội gồm nhiều bước, trong đó bước cuối cùng là sở hoặc phòng GD&ĐT chuẩn y danh sách ban đại diện cha mẹ học sinh (danh sách này là kết quả bầu cử tại đại hội).

Hình thức tổ chức đại hội này cũng bị nhiều đại biểu phản đối.

Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo các phòng GD&ĐT đều thừa nhận, những bức xúc của dư luận xã hội trong những năm qua về việc thu chi trong nhà trường hầu hết đều liên quan tới các khoản thu nhân danh đại diện cha mẹ học sinh.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu tỏ ý hoài nghi về tính khả thi của quy định phải có đủ năm chữ ký và bốn con dấu trong văn bản thống nhất về kinh phí tự nguyện của phụ huynh để nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất nhà trường.

Ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm nói: “Những năm trước chúng tôi có làm điều này nhưng khi báo cáo với huyện thì không đồng chí lãnh đạo nào ký. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động các nguồn lực, chỉ cần quy định cấp phòng báo cáo lên và được lãnh đạo UBND quận/huyện nhất trí về chủ trương”.

Nhiều đại biểu cũng băn khoăn, với những trường vùng nông thôn, vùng khó khăn, kinh phí hoạt động của ban đại diện rất ít, liệu có cần phải gửi kho bạc hoặc ngân hàng.

Nhiều đại biểu khác thì cho rằng, quy định chủ tài khoản phải là một đại diện trong phụ huynh là cứng nhắc và tiềm ẩn nguy cơ rủi ro. Do đó, ban đại diện cha mẹ học sinh nên ủy nhiệm để lãnh đạo nhà trường đứng tên chủ tài khoản.  

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.