“Sách giáo khoa nên có một hay nhiều bộ”:

Phản biện GS Nguyễn Lân Dũng

Phản biện GS Nguyễn Lân Dũng
TP- Là một người ủng hộ chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa nên tôi đọc rất kỹ các bài viết của các tác giả tham gia diễn đàn nên có một hay nhiều bộ sách giáo khoa trên báo Tiền Phong.

Bên cạnh những ý kiến tôi tán thành cũng có nhiều ý kiến tôi chưa tán thành, trong đó có một số ý kiến của giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa là vấn đề hoàn toàn không xa lạ. Ở Pháp người ta thực hiện từ một thế kỷ nay. Trung Quốc thực hiện từ hai chục năm nay. Hàn Quốc cũng gần như thế. Ở ta, từ những năm 1990, ở cấp tiểu học có bốn chương trình và bốn bộ SGK khác nhau. Ở cấp THPT đã từng có hai bộ sách văn và ba bộ sách toán.

Về lực lượng làm sách, chúng ta từng huy động trong và ngoài ngành giáo dục. Cụ thể, Hội Nghiên cứu Giảng dạy Văn học TPHCM, Hội Toán học TPHCM từng tham gia chủ trì biên soạn các bộ sách. Các tác giả cũng đủ thành phần, từ các nhà khoa học kỳ cựu trong lĩnh vực của mình như thầy Lê Trí Viễn, Hoàng Như Mai (văn), thầy Văn Như Cương, thầy Phan Đức Chính, Ngô Thúc Lanh, Trần Văn Hạo (toán)... đến các giáo viên phổ thông như các anh Lương Duy Cán, Nguyễn Sĩ Bá, Nguyễn Nhật Chiêu... Do đó, đề xuất của GS Nguyễn Lân Dũng (các hội khoa học tham gia làm chương trình, viết SGK) là không có gì mới.

Thời điểm này đặt lại vấn đề một chương trình nhiều bộ SGK là rất phù hợp và tôi tán thành với GS Nguyễn Lân Dũng: một chương trình nhiều bộ SGK là hiển nhiên. Nghĩa là bản thân vấn đề này không có gì để phải tranh cãi. Nhưng oái oăm ở chỗ, bất cứ vấn đề lớn nhỏ nào, cụ thể nào, dính đến chuyện một chương trình nhiều bộ SGK được đưa ra, là lập tức có nhiều ý kiến khác nhau. 

Về vai trò quan trọng của chương trình, tôi tán thành với ý kiến GS Nguyễn Lân Dũng: trước khi viết nhiều bộ SGK phải có một chương trình phù hợp hiện nay chúng ta chưa có.

Thứ hai, về hệ thống giáo dục, trước khi nói đến chuyện một chương trình nhiều bộ SGK, đề nghị quốc hội bàn lại một lần cuối xem việc phân ban như hiện nay đã hợp lý chưa. GS Nguyễn Lân Dũng có đưa ra phương án phân ban của Nepal để tham khảo. Tôi muốn GS cũng  nên nói rõ thêm phương án phân ban của Nepal thúc đẩy sự phát triển giáo dục, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế xã hội của Nepal thế nào! Theo tôi, mỗi nước đều có một phương án phân ban riêng. Tôi biết rõ phương án phân ban của Trung Quốc và thấy phương án đó cũng có nhiều cái hay, ta có thể tham khảo. Họ chỉ có hai ban như lúc ta tiến hành thí điểm (không phải ba như ta hiện nay) lý khoa (tên gọi ban Khoa học tự nhiên) và văn khoa (tên gọi ban Khoa học xã hội), theo mô hình tạm gọi là 3 + X.

Phản biện GS Nguyễn Lân Dũng ảnh 1
Theo GS Nguyễn Khắc Phi, cần nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau là bởi phải có chỗ khác nhau, trên cơ sở giống nhau những chỗ cơ bản  Ảnh: Hồng Vĩnh

Con số 3 ở đây là ba môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ. Theo họ, đây là ba môn công cụ chủ yếu và học sinh ban nào đã gọi là phổ thông cũng đều có dung lượng kiến thức như nhau. Do đó, chương trình và SGK của ba môn toán, văn, ngoại ngữ hai ban lý khoa, Văn khoa y hệt nhau. X là các môn phân hóa. Với lý khoa là vật lý, hóa học, sinh học. Với văn khoa là địa, sử, tư tưởng chính trị. Quan điểm đó của họ suốt gần 20 năm nay không thay đổi.

Vấn đề thứ ba, chương trình như hiện nay, với môn ngữ văn, chưa thể viết nhiều bộ sách.  Cứ hình dung thế này, với bốn câu trong Nam quốc sơn hà tương truyền của Lý Thường Kiệt và bốn câu trong Đoạt sáo chương dương độ của Trần Quang Khải mà có năm, sáu cuốn sách thì không hiểu các tác giả sẽ viết thế nào cho khác nhau. Bây giờ chỉ có một bộ SGK thôi mà các bộ sách tham khảo đã chép của nhau loạn xạ rồi.

Theo tôi, sở dĩ cần nhiều bộ sách khác nhau là bởi phải có chỗ khác nhau. Nếu giống nhau cả thì hà tất cần nhiều bộ. (Số lượng in càng lớn thì giá thành càng rẻ, người dùng càng có lợi). Đã là các bộ sách khác nhau thì phải có chỗ khác nhau trên cơ sở giống nhau những chỗ cơ bản.

Với chương trình môn ngữ văn hiện nay, chỗ nào SGK phải giống nhau, chỗ nào được và nên khác nhau? Chưa rõ! Để trả lời câu hỏi này, một mặt, chương trình phải chi tiết hơn trên những điểm cứng. Đồng thời chương trình phải có những điểm mở, chỗ mềm để các tác giả thi thố tài năng của mình. 

(Còn nữa)

GS Nguyễn Khắc Phi
Quý Hiên (ghi)

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.