Phân luồng để giảm áp lực học, rủi ro thi cử

Phân luồng để giảm áp lực học, rủi ro thi cử
TP - Tại nhiều trường trung học phổ thông (THPT) ở tỉnh Vĩnh Phúc có chủ trương không khuyến khích học sinh kém thi đại học, cao đẳng. Lãnh đạo nhà trường bày tỏ lo ngại số đơn đăng ký thi đại học (ĐH) quá nhiều trong khi đăng ký học nghề quá ít.

>Bộ vẫn ra đề nhưng bỏ chấm chéo tốt nghiệp

Thi khảo sát 10 điểm/3 môn không nên thi ĐH

Hiệu trưởng một trường THPT ở huyện Vĩnh Tường cho biết, cả trường chỉ có ba học sinh nộp hồ sơ học nghề. Trong khi đó, kết quả các lần khảo sát tại không chỉ trường này cho thấy, một tỷ lệ không nhỏ học sinh nếu thi ĐH sẽ không đỗ và nhận định này, về cơ bản, phù hợp với kết quả thi ĐH thực tế.

Như Tiền Phong đã đưa tin, mấy ngày nay ở Vĩnh Tường xôn xao về việc các trường THPT trong huyện không nhận hồ sơ đăng ký dự thi đại học của những học sinh có kết quả kém trong kỳ thi, thi khảo sát. Tuy nhiên, nhiều hiệu trưởng cho rằng, học sinh đã hiểu sai ý tốt của các trường trong nỗ lực làm tốt chủ trương phân luồng của tỉnh.

Thầy Phan Hữu Tươi, Hiệu trưởng Trường THPT Đội Cấn, huyện Vĩnh Tường, cho hay: “Tôi đã đối chiếu với điểm thi từng năm, mức chênh tối đa giữa kết quả khảo sát và điểm thi thực tế chỉ 3 điểm là cùng. Chẳng em nào thi khảo sát ở trường tôi được 10 điểm/3môn mà thi đại học lại được trên 13 điểm cả”.

Theo quy định, điểm sàn để được xét tuyển vào đại học là 13 cho ba môn thi. Nhưng thực tế, vẫn theo thầy Tươi, nhiều em thi khảo sát hết lần này đến lần khác chưa được 10 điểm, thậm chí 6 7 điểm cho cả ba môn.

“Các em này nộp hồ sơ đăng ký dự thi và đi thi đại học không chỉ gây lãng phí thời gian tiền bạc cho chính gia đình các em mà còn tạo áp lực cho xã hội”, thầy Tươi nói tiếp. “Đành rằng các em có quyền hy vọng vào may rủi, nhưng trách nhiệm của người thầy là phải giải thích cho các em hiểu muốn trông chờ vào sự may rủi cũng phải xuất phát từ cơ sở khoa học, năng lực thực tế của các em. Đó cũng là căn cứ để tôi khuyên những em nào chưa được 10 điểm/môn thì đừng nên nghĩ đến việc thi ĐH”.

Quyết định hướng từ phổ thông

Cũng vì lẽ đó, thầy Tươi đề nghị, đã đến lúc, các trường phổ thông phải thể hiện rõ vai trò hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.

Để thực hiện đồng bộ các giải pháp phân luồng học sinh, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt đề án về dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2020. Theo đó, việc phân luồng học sinh bắt đầu được tiến hành từ sau cấp THCS. Hằng năm, số học sinh tốt nghiệp THCS sẽ được học bổ túc văn hoá có học nghề đạt 25 - 30%; học sinh tốt nghiệp THPT đi học nghề đạt từ 35 - 50%. Để nâng cao chất lượng tư vấn hướng nghiệp trong các trường phổ thông, giáo viên hướng nghiệp sẽ được đào tạo chính quy, các doanh nghiệp cũng sẽ tham gia hướng nghiệp.

Mặt khác, học sinh học nghề sẽ được hỗ trợ để học nghề tại các làng nghề, gia đình nghệ nhân, hoặc các trường đào tạo nghề với các mức khác nhau tuỳ theo bậc học. Giai đoạn 2011 - 2015, người học CĐ nghề được hỗ trợ 400.000 đồng/tháng; trung cấp nghề, bổ túc văn hoá + nghề mức 350.000 đồng/tháng. Thời gian hỗ trợ tối đa với mỗi học sinh là 20 tháng.

Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, hằng năm, Vĩnh Phúc tuyển 80% số học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT nên đó cũng là một trong những nguyên nhân tạo áp lực cho các trường THPT khi thực hiện nhiệm vụ phân luồng. Nhằm giúp các trường giảm áp lực, năm học 2012 - 2013, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường THPT sẽ giảm để chỉ còn 75% số học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT. Những năm tiếp theo sẽ giữ mức ổn định khoảng 70% học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT.

Cô Trần Thị Tân, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Viết Xuân nói: “Các em thi vào một trường trung cấp chuyên nghiệp, sau này, nếu có nghị lực thì vẫn có thể phấn đấu học liên thông lên cao đẳng hoặc đại học”.

* Dù miệt mài tư vấn hướng nghiệp cho học sinh nhưng, thống kê ban đầu cho thấy, số lượt hồ sơ đăng ký dự thi của học sinh các trường THPT trên địa bàn huyện Vĩnh Tường không thay đổi là bao so với năm ngoái. “Năm ngoái trường tôi có hơn 1.000 hồ sơ, năm nay số đã nhận cũng tương đương. Có những em nộp đến sáu hồ sơ”, hiệu trưởng một trường ở huyện Vĩnh Tường chia sẻ.

* Học sinh các trường THPT khác trên địa bàn huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, như Trường THPT Vĩnh Tường, THPT Hồ Xuân Hương, THPT Nguyễn Viết Xuân… đều cho biết, các em cũng bị ban giám hiệu nhà trường gây khó dễ trong những ngày đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi đại học. “Điểm thi khảo sát của em không cao nên các thầy cô bảo thi đại học làm gì, lo mà thi tốt nghiệp cho tốt rồi đi học nghề”, một học sinh trường THPT Vĩnh Tường nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG