Phân luồng học sinh tại TPHCM: Cố ép HS vào đại học?

Phân luồng học sinh tại TPHCM: Cố ép HS vào đại học?
TP - Hiệu trưởng một trường THPT tại TPHCM cho rằng với sự chỉ đạo 57% học sinh phải vào đại học, Sở GD&ĐT TPHCM đang cố ép học sinh vào ĐH chứ không phải cố gắng phân luồng.
Phân luồng học sinh tại TPHCM: Cố ép HS vào đại học? ảnh 1
85 - 90% học sinh THCS muốn được tiếp tục học lên - ảnh minh hoạ

Ông Hồ Đắc Anh - Hiệu trưởng trường THPT Võ Trường Toản - cung cấp kết quả của một đề tài khoa học cấp nhà nước KX-05-09 mang tên “Giáo dục phổ thông và hướng nghiệp nền tảng để phát triển nguồn nhân lực đi vào CNH - HĐH” tiến hành khảo sát học sinh, giáo viên, phụ huynh, cán bộ quản lý trên 8 tỉnh, thành.

Theo đó, có 85 - 90% học sinh THCS muốn được tiếp tục học lên, chỉ có 6,1% muốn được thôi học để đi làm. Trong khi đó, có đến 76,8 - 90,1% số học sinh muốn có nghề ổn định.

Nhưng thực tế cho thấy, nhiều học sinh cứ phải vào lớp 10 để rồi 1,2,3 năm bỏ dở nửa chừng ở trình độ phổ thông hoặc tốt nghiệp phổ thông rồi vào đời. Những học sinh đó chưa chắc nhanh chóng tìm được nghề ổn định như mong muốn trước đây.

Theo bà Trần Thúy Vĩnh - Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Thời Nhiệm, vừa qua Sở GD&ĐT chỉ đạo 57% học sinh vào ĐH. Trong khi đó, theo GĐ Sở GD&ĐT TPHCM Huỳnh Công Minh, ở các nước tiên tiến, chỉ có 1/3 HS phổ thông được vào học ĐH.

Điều này, theo bà Vĩnh khiến các trường phổ thông vẫn cố đưa các em vào ĐH chứ không phải cố gắng để tư vấn phân luồng.

Về vấn đề này, UBND Quận 6 thành lập ban chỉ đạo tư vấn phân luồng học sinh từ cấp quận đến phường và tổ chức điều tra nắm tình hình học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm vào học các trường ĐH, CĐ, TCCN, TC Nghề, đi làm... để có biện pháp phân luồng sau THCS, THPT.

Từ đó, Quận sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện công tác tuyển sinh phân luồng, phân công thành viên giúp đỡ các phường, giao chỉ tiêu phân luồng cụ thể...

UBND Quận 8 còn kiến nghị thành lập ban chỉ đạo giáo dục hướng nghiệp phân luồng, xuyên suốt luôn từ thành phố đến quận, phường và đề nghị phải định hướng phân luồng học sinh ngay từ cấp THCS.

Tiếp tục cắt giảm chỉ tiêu đào tạo TCCN

Ngày 23 - 1, lần đầu tiên Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức hội thảo “Đổi mới và phát triển giáo dục chuyên nghiệp (GDCN) TPHCM”.

TS. Hoàng Ngọc Vinh cũng cho biết năm ngoái đã cắt giảm chỉ tiêu đào tạo TCCN từ 15 – 20% các trường ĐH, CĐ không có truyền thống đào tạo TCCN. Năm nay sẽ tiếp tục cắt giảm để các trường TCCN có điều kiện thu hút học sinh vào trường nhiều hơn.

Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp vẫn còn chê học sinh tốt nghiệp các trường TCCN, TC nghề. Phát biểu tại hội thảo, TS. NGƯT Nguyễn Bác Dụng cho rằng các trường GDCN cần nghe ý kiến của các doanh nghiệp nhiều hơn để đào tạo học sinh tốt hơn.

Chỉ cần các nhà tuyển dụng trân trọng, nhận nhiều học sinh thì tự khắc luồng học sinh vào TCCN sẽ rất nhiều.

Bà Lê Thúy Hóa - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Thái Bình cho rằng, trường TCCN nên vừa là nơi cho học sinh học tập vừa là nơi làm việc.

“Tôi đang vận động một doanh nghiệp mở trường TCCN. Chỉ có những trường như thế mới có xưởng, có công ty cho các em vào học, thực tập, làm việc luôn” - Bà Hóa nói

MỚI - NÓNG