"Phao chìm" trước mùa thi

"Phao chìm" trước mùa thi
Hai ngày sau khi Bộ giáo dục chỉ đạo kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động tại các lò luyện thi, 6/4, các điểm photocopy, chợ phao Tạ Quang Bửu vẫn... náo nhiệt.
"Phao chìm" trước mùa thi ảnh 1
Phao môn văn được giao bán. Ảnh: CAND

Mới đến đầu phố, nhận thấy xi nhan của khách hướng về bên phải, ngay lập tức những người đang đứng trên vỉa hè, trước các trung tâm luyện thi, photocopy nhao nhao hỏi tôi: "Mua gì, cần gì"?

Dừng xe được một chị áo đen tiếp thị: "Mua "phao" về đọc trước, cam đoan là dễ hiểu, dễ thuộc và có tất cả các đề". Thấy khách bảo nếu như vậy tốn thời gian, chị liền nói: "Không thích đọc thì mua vài bộ đem vào phòng thi mà quay".

Khi đề nghị cho xem, chị ta đồng ý rồi nhắc khách nói nhỏ thôi. Nói rồi, chị ta chỉ tôi đi về phía một gốc cây và gọi tên cô gái đang đứng ở đấy.

Đến nơi, hỏi "phao" môn văn, cô gái liền hỏi, loại từ A đến Z hay chọn lọc. Khi thấy khách có nhu cầu muốn xem tất, cô liền lấy chiếc túi xách nhỏ từ tay một người đàn ông rồi lấy cho tôi loại "phao" có đủ 100% các loại đề.

Đó là một tập giấy khổ nhỏ rộng khoảng 5cm, dài 20cm, in chữ nhỏ trên có đề "Tài liệu luyện thi đại học 125 bài văn năm 2002".

Lướt qua, khách hàng tỏ ý nhiều thế biết giấu vào đâu, "quay" thế nào thì cô gái hướng dẫn ngay. Cô bảo phải để 3 tờ có câu hỏi ở chỗ dễ tìm. Đọc đề xong, giở ra xem đó là câu thứ mấy. Nhớ là các đáp án cũng phải chia ra nhiều nơi để tiện giở.

Khi "quay", cho đáp án vào lòng bàn tay cầm bút là kín đáo nhất. Nói rồi, cô cho xem một bộ đề thi khác có 43 câu và bảo đây là đề của “các thầy sư phạm”, người ta chỉ sử dụng khi biết chắc chắn đề thi từ trước. Theo cô, nên mua cả hai bộ vì tốn một tí nhưng tiện đôi đường.

Mà cả mãi, cuối cùng mua được bộ "phao" có 125 bài văn với giá 15.000 đồng. Cô gái bảo đến lúc thi tốt nghiệp cấp III, hay thi đại học thì 30.000 đồng cũng khó mà mua.

Về nhà giở tài liệu được người bán quảng cáo là "bùa hộ mệnh" trong phòng thi ra đọc, mới ở phần đề bài, tôi đã phát hiện nhiều câu hỏi không rõ nghĩa hoặc chung chung.

Ví dụ, câu 98 "chứng minh một nhận định của Hoài Thanh qua 3 bài thơ của Xuân Diệu". Hoài Thanh là một nhà phê bình nổi tiếng nên có nhiều nhận định. Chỉ riêng trong tập "Thi nhân Việt Nam", không ai đếm được ông có bao nhiêu nhận định xác đáng về thơ của các nhà thơ mới. Đặt ra một câu hỏi như vậy là chung chung, đánh đố và không có mục đích rõ ràng.

Trường hợp câu hỏi 47 cũng vậy "Bát cháo hành liều thuốc giải độc". Một đề văn mà chỉ có chừng ấy ký tự với nghĩa chưng hửng như vậy không biết nên hiểu thế nào.

Có thể ai cũng biết "bát cháo hành" này trong tác phẩm "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao nhưng với cách đặt vấn đề như vậy vừa ngô nghê vừa không có thật. Không thầy cô giáo nào ra một cái đề như vậy trong một bài kiểm tra nào chứ nói gì đến thi đại học.

Đây chỉ là hai trong vô số cách ra câu hỏi vô lối trong bộ tài liệu này, thứ mà nhiều thí sinh trước khi bước vào phòng thi không quên đem theo "phòng thân".

Đọc nội dung đáp án, thì nếu bê được y nguyên vào bài thi, thí sinh sẽ… trượt vỏ chuối. Cứ đến mùa "phao", công an các phường sở tại lại ra quân và có lần đã thu hàng mấy bao tải "phao" như phường Bách Khoa (Hai Bà Trưng, Hà Nội), thế mà nó vẫn tồn tại và phát triển.

Theo Cao Hồng
Công an Nhân dân

MỚI - NÓNG