Cuộc vận động "2 không" trong ngành Giáo dục : 

Phát hiện 2,1 triệu học sinh yếu kém trên cả nước

Phát hiện 2,1 triệu học sinh yếu kém trên cả nước
Tình trạng có quá nhiều học sinh yếu kém đã trở thành vấn đề “nóng'' tại hội nghị giao ban 64 Giám đốc Sở GDĐT trong cả nước tổ chức qua cầu truyền hình tại 4 địa điểm tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ sáng nay (7/3).

>> Bộ trưởng GD&ĐT : “Bệnh” ngồi nhầm lớp có từ lâu!

Phát hiện 2,1 triệu học sinh yếu kém trên cả nước ảnh 1

Các em học sinh  trường tiểu học Kim Long (Huế). Cuối năm 2006, trường tiểu học Kim Long vẫn còn 22 em học sinh lớp 4 và 5 “chữ biết người, người không biết chữ”. Ảnh : Gia Ngọc

Hội nghị dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân và các Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai, Nguyễn Văn Vọng.

Kết thúc học kỳ I năm học 2006-2007 theo tinh thần cuộc vận động “Không có bệnh thành tích và không gian lận trong thi cử”, cả nước đã phát hiện hơn 2,1 triệu học sinh từ tiểu học đến THPT xếp loại học lực yếu, kém.

Trong đó cấp tiểu học có 417.115 em, chiếm 5,7%; THCS: 1.025.975 em, chiếm 16,9%; THPT: 694.099 em, chiếm 23,16%. Tỷ lệ học sinh yếu, kém này cao hơn hẳn so với cùng kỳ cách năm học trước (gần 10%).

Số học sinh yếu kém tập trung nhiều ở các vùng khó khăn, dân tộc, con em cư dân làng chài ven biển chưa có đủ điều kiện tối thiểu để học tập hoặc chưa có đủ thời gian học do bị gián đoạn và diện học sinh học hòa nhập.

Hội nghị đã dành thời gian phân tích kỹ lưỡng nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ học sinh yếu kém tăng cao để từ đó đề xuất các giải pháp giải quyết.

Ngoài 8 nguyên nhân do Bộ Giáo dục Đào tạo nhận định về: hạn chế trong công tác chỉ đạo, quản lý, trình độ giáo viên, điều kiện kinh tế xã hội địa phương,... nhiều giám đốc Sở GD- ĐT khu vực phía nam cho rằng: Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến số học sinh yếu kém nhiều là do việc phân bổ chương trình giảng dạy hiện nay đã khiến các giáo viên phải chạy theo thời lượng “dạy cho hết tiết học”, nghĩa là trong một tiết học phải đảm bảo dạy xong một số kiến thức nhất định.

Điều này khiến các giáo viên không đủ thời gian để quan tâm tới việc tiếp thu của các học sinh yếu, kém. Từ thực tế này, các giám đốc Sở kiến nghị Bộ Giáo dục Đào tạo cần phân bổ lại chương trình giảng dạy theo chương, phần trong sách giáo khoa.

Hội nghị đi đến quyết định: Sau 3 năm thực hiện cuộc vận động “hai không'', đến hết năm học 2008-2009 cả nước giải quyết dứt điểm tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp''.

MỚI - NÓNG