'Phép vua' và 'lệ làng'

'Phép vua' và 'lệ làng'
TP - Nay vẫn còn “lệ làng” có tên gọi là tự nguyện ký quỹ. Mỗi người trước khi ra nước ngoài học tập dài hạn phải nộp cho Phòng tổ chức cán bộ một cuốn sổ tiết kiệm trị giá 1000 USD, hoặc 20 triệu, hoặc 2 cây vàng. Việc làm đó gọi là tự nguyện ký quỹ.
'Phép vua' và 'lệ làng' ảnh 1
Ra nước ngoài học tập vẫn phải ký quỹ - một thứ "lệ làng" cần dỡ bỏ. Ảnh minh họa.

“Lệ làng” không có gì là xấu, là sai nếu nó được thực hiện trong phạm vi... làng và không có tác động tiêu cực đến xã hội. Nhưng nếu đem nó ra áp dụng trong những cơ sở giáo dục đào tạo lớn thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến bước tiến của nhà trường, của nền giáo dục đại học nước nhà và toàn xã hội.

Trước kia có một “lệ làng” nhân tài phải đóng thuế cho tài năng của mình (ANTG, số ra ngày 28/9/2003), quy định mỗi cán bộ, giảng viên đi học tập, tu nghiệp nước ngoài theo kinh phí của các tổ chức ngoài trường đều phải nộp 5% tổng số tiền học bổng.

Giả sử một người được nhận học bổng trong hai năm trị giá 60.000 USD bao gồm tiền vé máy bay, học phí, bảo hiểm y tế, sinh hoạt phí tối thiểu... thì “lệ làng” thu 3.000 USD (tương đương với 5%). 

Sau khi học xong, nếu không nộp đủ số tiền trên thì “lệ làng” sẽ không trả lương, không phân công giảng dạy, không cho nhận các khoản phúc lợi như một cán bộ, công nhân viên bình thường của nhà trường.

Cứ như thế “lệ làng” bắt nhân tài phải đóng thuế cho tài năng của mình bất chấp cái việc tôi tạm gọi là móc túi một cách hợp pháp những đồng tiền hiếm hoi của những người nhận học bổng du học ở nước ngoài. “Lệ làng” này làm các “nhân tài” đến khổ. Về sau “nhân tài” đấu tranh mạnh, các quỹ học bổng cũng có ý kiến, nên cái “lệ làng” vô lý này đã được bãi bỏ.

Nay vẫn còn “lệ làng” có tên gọi là tự nguyện ký quỹ. Mỗi người trước khi ra nước ngoài học tập dài hạn phải nộp cho Phòng tổ chức cán bộ một cuốn sổ tiết kiệm trị giá 1000 USD, hoặc 20 triệu, hoặc 2 cây vàng. Việc làm đó gọi là tự nguyện ký quỹ.

Cũng có nơi quy định cán bộ phải đóng tiền mặt. Số tiền ký quỹ không giống nhau, cách thức thu tiền cũng đa dạng, tùy theo “lệ” của mỗi “làng”. “Lệ làng” nêu rõ: Nếu đương sự không về nước đúng hạn thì số tiền trên sẽ bị sung công. Không ít “nhân tài” của chúng ta để được đi du học đã phải ngửa tay vay cho đủ số tiền ký quỹ này.

Hiện nay, cán bộ giảng dạy trẻ được động viên, khuyến khích đi học nước ngoài, Chính phủ đầu tư ngân sách đưa cán bộ đi đào tạo (Dự án 322 của chính phủ), các tổ chức quốc tế (Quỹ học bổng Fulbright, Quỹ Ford, Quỹ Giáo dục Việt Nam), các tổ chức phi chính phủ, các trường đại học thường có chương trình học bổng dựa trên tài năng của ứng viên.

Biết bao công sức ứng viên bỏ ra để ôn luyện, thi thố, vậy mà đến lúc nhận được học bổng thì đồng thời họ phải nhận thêm một gánh nặng tự nguyện ký quỹ cho nhà trường. 

Theo tác giả Nguyễn Xuân Thu, “Mỗi một định chế xã hội đều có luật pháp bảo vệ” và “Học đường là một định chế xã hội” (“Một vài suy nghĩ về văn hóa” - Nguyễn Xuân Thu, báo Văn Nghệ ngày 15/3/1997), tôi thấy ở đây, học đường trường đại học với tư cách là một định chế xã hội đang bị “lệ làng” chi phối.

Về mặt pháp lý, giữ sổ tiết kiệm tiền một cách cưỡng bức như vậy, theo tôi là không đúng pháp luật. Nếu sung công số tiền đó khi đương sự không về đúng hạn (giả sử họ đau ốm hoặc gặp rủi ro trong thời gian học tập) hoặc họ có ý định chuyển công tác, là lại tiếp tục vi phạm pháp luật.

Chưa kể, lấy gì để đảm bảo sau 5 năm cuốn sổ tiết kiệm vẫn còn nguyên vẹn? Tôi cũng chưa hình dung số tiền 1.000 USD trong sổ tiết kiệm với tên tuổi và quyền sở hữu của một cá nhân sẽ được sung công như thế nào. Điều luật nào quy định một trường đại học được quyền làm điều đó với cán bộ của mình?

Về mặt đạo đức, thay vì động viên, khuyến khích nhân tài thì việc giữ tiền đã tạo ra gánh nặng cho người phải “tự nguyện ký quỹ”. Đây không thể gọi là biện pháp hữu hiệu để giữ người tài vì lẽ ra nhân tài cần phải được ưu tiên bằng các khuyến khích tài chính (financial incentive) thay vì nộp “thuế thân” như “lệ làng” quy định.

Về góc độ kinh tế, nếu mỗi năm có 200 cán bộ đang ở nước ngoài, số tiền 200 ngàn USD phải đứng im trong sổ tiết kiệm trong khi nó có thể dùng vào việc kinh doanh, đem lại lợi nhuận cao hơn lãi suất tiết kiệm rất nhiều. Số vốn nằm im đó là một sự phí phạm. Đối với những gia đình khó khăn (cán bộ giảng dạy thường nghèo, ai cũng biết điều này), 1.000 USD là khoản tiền không nhỏ. Trong lúc rất cần tiền chi phí cho cuộc sống hoặc làm vốn sinh nhai, thì cuốn sổ tiết kiệm lại nằm trong hồ sơ cán bộ của nhà trường.

Hiện nay, nhiều người đi học nước ngoài về thường không tiếp tục chuyên ngành của mình và chuyển nơi làm việc, đơn giản là họ tìm được công việc khác phù hợp hơn, thú vị hơn, phát huy được khả năng, tri thức, kinh nghiệm và  đóng góp được nhiều hơn.

Theo TS Trần Xuân Thảo, Giám đốc Chương trình Fulbrright tại Việt Nam “thay đổi công việc hoặc nơi làm việc phản ánh tính năng động của cá nhân và của xã hội - điều kiện cần thiết cho sự phát triển” (TTCT, 12/9/2007).

Vì thế, đối với các trường đại học, cách tốt nhất để giữ nhân tài, tránh chảy máu chất xám là tạo điều kiện để cán bộ có thể phát huy được tối đa tài năng của mình.

Quy định tự nguyện ký quỹ nêu trên không phải là biện pháp đúng để giữ người tài. Hơn nữa, tôi dám chắc 100% người phải tự nguyện ký quỹ đều KHÔNG TỰ NGUYỆN làm điều này. Có điều, mọi người đều tuân theo “lệ làng” (kể cả người viết bài này) cho dù biết nó không đúng. Vì sao? Phải chăng “lệ làng” không sợ “phép vua”? Và học đường trường đại học của chúng ta vẫn ở trong một xã hội sơ khai chỉ cần “lệ làng” là đủ?

Những “lệ làng” như vậy cần phải dỡ bỏ. Thay vào đó nên có những chính sách phù hợp với luật pháp, đảm bảo quyền lợi và khuyến khích tối đa khả năng của mỗi con người.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ? 

MỚI - NÓNG